Song thai ẩn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao hơn 2 – 3 lần so với trường hợp thai nghén bình thường như chuyển dạ khó, sinh non, nhiễm độc thai nghén, hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau, tiền sản giật và tăng huyết áp… Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bà mẹ đang mang song thai những kiến thức cần biết để theo dõi và chăm sóc song thai được tốt nhất.
[toc]
Song thai – Những nguy cơ thường gặp
Theo các chuyên gia y tế, khi mang đa thai, sản phụ dễ gặp các nguy cơ sau đây:
- Sẩy thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ,
- Tỷ lệ thai bất thường, dị tật cao.
- Phù sớm, nhiều do tử cung to chèn ép tuần hoàn chi dưới.
- Cơ thể mệt mỏi, đi lại khó khăn.
- Khó thở do tử cung to nhanh.
- Ốm nghén và các khó chịu trong thai kì sẽ nghiêm trọng hơn
- Sinh non.
- Thai đôi truyền máu cho nhau
- Tiền sản giật xảy ra thường xuyên và sớm hơn.
- Thai chậm phát triển trong tử cung.
- Tỷ lệ thai chết lưu cũng cao hơn do sự mất cân bằng tuần hoàn giữa 2 thai.
- Đa ối
- Nhau bám thấp làm tăng nguy cơ đẻ non, chảy máu do bong nhau,
- Ngôi thai bất thường.
- Đẻ khó do cơn co tử cung; đẻ khó thai thứ hai; hai thai mắc nhau; sang chấn sản khoa; đờ tử cung sau đẻ…
Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau
Hội chứng thai truyền máu cho nhau tức là có thai cho máu và có thai nhận máu. Nếu không được phát hiện sớm dễ dẫn đến tử vong cho 1 thai. 25% số thai đôi sống sót sau khi bị hội chứng thai truyền máu cho nhau nhưng không được điều trị sẽ có thương tổn về thần kinh.
Dấu hiệu về hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau khi 2 thai phát triển không đều, một thai to hơn thai còn lại, một thai quá nhiều nước ối còn thai kia quá ít nước ối.
Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau – Điều trị
Có một số phương pháp điều trị như:
- thông thương 2 buồng ối;
- đốt laser đối với các mạch máu nối nhau ở phần nông của bánh nhau;
- chọc dẫn lưu nước ối định kỳ.
Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau – Cần theo dõi thường xuyên
Không có cách đề phòng hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau, vì hội chứng này có thể xảy ra đột ngột, bất cứ lúc nào khi đang mang thai. Vì thế điều quan trọng là phải phát hiện sớm bằng siêu âm. Các bà mẹ đang mang song thai cần siêu âm thường xuyên, mỗi tuần 1 lần, từ tuần thứ 16 trở đi (khoảng 4 tháng).
Sinh non do song thai
Tỉ lệ sinh non do song thai có thể đạt gần 50% số trường hợp, trong đó gần 20% sinh non trước 28 tuần và không sống được. Bên cạnh hậu quả tử vong, sinh non còn có thể để lại các di chứng lâu dài cho trẻ như chậm phát triển tâm thần vận động.
Dấu hiệu doạ sinh non
- Đau bụng từng cơn hoặc trì nặng bụng dưới.
- Có thể là dịch nhầy âm đạo, ra máu hoặc nước ối.
- Xuất hiện 1 – 2 cơn go tử cung thưa nhẹ trong 10 phút, liên tục trên 30 phút.
- Cổ tử cung có thể còn dài, đóng kín nhưng cũng có thể xoá và mở đến < 4cm.
- Ối vỡ non, buồng ối bị hở, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, chuyển dạ trong một thời gian ngắn sau đó.
Dấu hiệu sinh non
- Đau bụng từng cơn, các cơn đau tăng dần.
- Có thể ra dịch nhầy âm đạo, ra máu hoặc nước ối.
- Xuất hiện 2 – 3 cơn go tử cung trong 10 phút, tăng dần.
- Cổ tử cung xoá trên 80%, hoặc mở trên 2 cm, đầu ối bắt đầu thành lập hoặc ối vỡ sớm.
Sinh non do song thai – Phòng chống
Do thai đôi gia tăng áp lực buồng tử cung dẫn đến vỡ ối sớm, hoặc tăng áp lực lên cổ tử cung là một trong những nguyên nhân chính của sinh non trong song thai. Các phương pháp hỗ trợ cổ tử cung đã được áp dụng để phòng ngừa sinh non hiệu quả đối với các trường hợp song thai như:
- Khâu cổ tử cung.
- Đặt progesterone âm đạo.
- Dụng cụ hay vòng nâng cổ tử cung
Nhiễm độc thai nghén trong song thai
Do cơ thể người mẹ mang song thai không thích ứng gánh nặng của thai nghén, gây cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng trong cơ thể.
Dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén là:
- Phù chân, nhất là những tháng cuối của thai kỳ. Những trường hợp phù nặng có thể gây phù toàn thân.
- Tăng cân rất nhanh do cơ thể bị giữ nước.
Khi có các dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén, các bà bầu cần được khám và điều trị kịp thời, nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật và sản giật, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Đẻ khó do song thai
Chuyển dạ trong song thai được xem là một ca đẻ khó vì các nguyên nhân sau:
- Chuyển dạ của song thai thường kéo dài do tử cung quá to, cơn co tử cung rất yếu, không có tác dụng làm mở cổ tử cung, dẫn đến cổ tử cung mở chậm và chuyển dạ kéo dài, khiến người mẹ mệt mỏi và có nhiều biến cố có thể xảy ra.
- Ngôi thai thường bất thường như ngôi ngược, ngôi ngang hoặc 2 ngôi đầu chèn vào nhau không chúc vào tiểu khung… gây đẻ khó.
Đa ối khi mang song thai
Khi lượng ối vượt qua mức 2 lít được gọi là đa ối. Với những trường hợp đa ối nghiêm trọng, lượng ối có thể tới 3 lít.
Đa ối có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như:
- vỡ ối sớm và sinh non;
- túi ối bị căng làm cho ngôi thai bị đảo lộn bất thường;
- chuyển dạ kéo dài gây khó sinh.
- gây cơn co tử cung yếu, khiến người mẹ dễ bị băng huyết sau sinh.
Dấu hiệu của đa ối thường là khó tiêu, ợ nóng, táo bón, tĩnh mạch giãn, đau lưng, thở dốc, phù chân (nhất là ngón chân cái), nhịp tim tăng nhanh, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, bí tiểu… Cách chính xác nhất phát hiện đa ối là qua siêu âm.
Các bác sĩ thường khuyên bà bầu khi mang song thai cần đến khám và theo dõi thường xuyên tại các cơ sở y tế. Ba tháng cuối càng phải theo dõi chặt chẽ vì dễ bị sinh non. Bà mẹ mang thai đôi nên khám thai và chuẩn bị sinh nở tại bệnh viện có đủ điều kiện về sản khoa để bạn sinh thường hay sinh mổ khi cần thiết. Tuy nhiên, việc mang song thai đã là một điều vô cùng tốt, bạn không nên quá lo lắng, hãy dành thời gian thư giãn và liên hệ thường xuyên với bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
Xem thêm:
- Ăn gì khi mang thai
- Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu
- Dọa sảy thai và những điều cần biết
- Những điều cần biết trước khi mang thai
- Acid folic – Dưỡng chất quan trọng không thể thiếu
- Thuốc bổ cho bà bầu
- Thuốc sắt cho bà bầu
- Ăn gì cho con thông minh
Theo Procarevn