Tuyệt đối không nên xem thường khi bà bị bị sốt. Trong ba tháng đầu thai kỳ, sốt có thể dẫn đến dị dạng bẩm sinh, sẩy thai. Trong ba tháng cuối, sốt có thể gây ra thai chêt lưu, đẻ non, thai bé và nhiễm trùng sơ sinh. Do vậy, các bà bầu cần phải hết sức cảnh giác, phát hiện sớm sốt khi mang thai để có những biện pháp xử lý hiệu quả, kịp thời.
[toc]
Cách xác định khi bà bầu bị sốt
Sốt được thống kê là một trong những nguyên nhân khiến các bà bầu đến gặp bác sĩ nhiều nhất. Các bà bầu bị sốt trên 380C cần đến khám bác sĩ ngay.
Nhiều trường hợp các bà bầu không để ý rằng mình đang bị sốt. Do vậy, các bà bầu cần chú ý quan tâm đến sức khỏe của mình, lấy thân nhiệt bằng nhiệt kế một cách có hệ thống để phát hiện các trường hợp sốt.
Những trường hợp cần lưu ý đến vấn để thân nhiệt là:
- Khi có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào;
- Các trường hợp đe dọa sẩy thai hoặc đẻ non, ra máu, vỡ ối sớm, bất thường tim thai.
Khi rơi vào các trường hợp này, nếu bà bầu có bị sốt thì phải lưu ý theo dõi nhiệt độ cơ thể trong những ngày tiếp theo. Trong một số trường hợp, thân nhiệt hạ dưới 360C cũng có thể xem như có giá trị như sốt.
Trong những lần khám thai, các bà bầu nên hỏi thêm các bác sĩ tư vấn về những biểu hiện của nhiễm trùng để tự trang bị thêm kiến thức cho mình. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ, ngay cả thuốc đông y.
Xem thêm:
- Dấu hiệu có thai
- Dấu hiệu mang thai tuần đầu
- omega 3 6 9 có cần thiết cho bà bầu?
- Vitamin A – Bà bầu cần biết
- DHA – Vi chất quan trọng không thể bỏ qua
- Axit folic – Không thể thiếu cho bà bầu
- Cẩm nang Mang thai
- Dấu hiệu sắp sinh
Bà bầu bị sốt – Quá trình thăm khám với bác sĩ
Thăm khám lâm sàng
Mục tiêu của thăm khám là:
- đánh giá những ảnh hưởng của nhiễm trùng nếu có,
- xác định nguyên nhân nhiễm trùng,
- tránh bỏ sót những trường hợp phải can thiệp cấp cứu ngoại khoa.
Các ảnh hưởng của nhiễm trùng tới bà bầu có thể biểu hiện thành sốt, nhịp tim nhanh, thở nhanh, các biểu hiện của sốc, các cơn co tử cung, mức độ mở cổ tử cung…. Các ảnh hưởng của nhiễm trùng lên thai nhi như nhanh tim thai, giảm hoạt động…
Các bà bầu bị sốt nên cung cấp chi tiết kỹ lưỡng cho bác sĩ về:
- thời gian và hoàn cảnh khởi phát sốt, mức độ sốt, diễn biến của sốt như sốt cao, rét run từng cơn rồi vã mồ hôi, sốt nhẹ về chiều…
- các triệu chứng kèm theo như triệu chứng tiết niệu (đái buốt, đái khó, đái rắt, đau hố thắt lưng…), triệu chứng màng não (đau đầu, nôn, sợ ánh sáng…), triệu chứng vùng sinh dục (vỡ ối sớm, cơn co tử cung, khí hư, ra máu…) và các triệu chứng khác như phát ban.
- đã hoặc đang dùng các loại thuốc nào.
- các tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm có liên quan đến các bệnh Rubella, bệnh do Toxoplasma, bệnh giang mai hay không.
- tiền sử các các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng tiết niệu nhiều lần, nhiễm virus Herpes, phẫu thuật trước đây…
Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám một cách toàn diện, đầu tiên nhất là về các dấu hiệu chỉ điểm tình trạng nặng và nguy kịch.
Sau đó các bà bầu sẽ được thăm khám đến tai mũi họng, nghe tim phổi, tìm các dấu hiệu màng não, phát ban ngoài da, các dấu hiệu bung ngoại khoa, hoàng đảm, hạch to…
Bà bầu bị sốt cũng được các bác sĩ thăm khám sản khoa bằng mỏ vịt để xem có khí hư bẩn, nhầy nhiễm trùng, ra máu, ra nước, dấu hiệu nhiễm trùng quanh buồng trứng, mụn Herpes… hay không; thăm khám âm đạo để xác định độ mở của cổ tử cung và đo chiều cao tử cung để đánh giá độ phát triển của thai trong tử cung.
Các xét nghiệm và siêu âm bổ sung
Mục đích của các xét nghiệm bổ sung nhằm chẩn đoán nguyên nhân và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến bà mẹ và thai.
Dựa trên các triệu chứng trong quá trình thăm khám với bà bầu bị sốt, các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm bổ sung phù hợp:
Cấy máu cần làm một cách hệ thống khi có nhiễm trùng huyết, nhất là các trường hợp thai nhi không rõ bố.
Xét nghiệm chức năng gan, tổng phân tích nước tiểu, siêu âm ổ bụng và hệ thận tiết niệu, chụp X quang phổi, phản ứng Mantoux, chọc thủng dịch não tủy, huyết thanh chẩn (Rubella, bệnh do Toxoplasma, viên gan vius A, B, C, HIV, Cytomegalovirus…).
Lấy bệnh phẩm âm đạo, cổ tử cung và niệu đạo để xét nghiệm vi sinh trong trường hợp bà bầu bị sốt có các dấu hiệu nhiễm trùng sinh dục, vỡ ối sớm hoặc dọa đẻ non, dọa sẩy thai.
Những tổn thương do Herpes thì cạo bằng nạo mền rồi cho vào môi trường thích hợp để xét nghiệm virus.
Xét nghiệm cấy vi khuẩn nước tiểu và xét nghiệm cấy máu ba lần trong trường hợp không có triệu chứng gợi ý nào.
Siêu âm sản khoa, đo chỉ số nước ối và ước tính sự tăng trưởng của thai để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến bà mẹ và thai.
Những trường hợp trong ba tháng cuối nên làm thêm tâm sản đồ (thường gọi tắt là “sản đồ”) để phát hiện bất thường nhịp tim thai và/hoặc sự xuất hiện cũng như cường độ cơn co tử cung.
Bà bầu bị sốt nhiễm trùng – Các nguyên nhân chính
Mang thai là thời kỳ thuận lợi cho nhiều bệnh nhiễm trùng phát triển. Bên cạnh đó, bà bầu vẫn có thể mắc các bệnh khác gây sốt, cũng như những bệnh lý nền có thể tái xuất hiện và nặng lên trong thai kỳ.
Những bệnh trình bày dưới đây là những bệnh nhiễm trùng hay gặp phải ở bà bầu bị sốt.
Bà bầu bị sốt do Listeria
Vi khuẩn Listeria monocyto- genes lây nhiễm khi bà bầu tiếp xúc với động vật hoặc dùng sữa cũng như ăn thịt động vật mang mần bệnh được nấu chín.
Biểu hiện hay gặp nhất là hội chứng giả cúm tự hết, nhưng đôi khi có các triệu chứng tiết niệu, tiêu hóa, phổi hay màng não, hoặc có khi chỉ sốt đơn thuần.
Tuy nhiên, chỉ từ 2 đến 8 tuần sau khi có các dấu hiệu trên, bà bầu có thể sẩy thai tự nhiên hoặc đẻ non, thai chết lưu hay nhiễm trùng huyết sơ sinh.
Bà bầu bị sốt do nhiễm trùng tiết niệu
Nhiễm trùng tiết niệu là bệnh hay gặp nhất trong thai kỳ, do hệ thống đường tiết niệu bị giãn, nguyên nhân là do hormon và cản trở cơ giớ vùng tiểu khung dẫn đến đọng nước tiểu.
Bên cạnh đó, bà bầu có glucose niệu do hạ glucose ở thận cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến đẻ non và thai bé.
Bà bầu bị sốt do viêm thận bể thận cấp tính
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của sốt trong thai kỳ.
Biểu hiện là bà bầu bị sốt cao, rét run, rồi vã mồ hôi từng cơn, thân nhiệt lên tới 400C, đái buốt, đái rắt, đái khó và đau lan lên vùng thắt lưng, vỗ hông lưng sẽ đau, khám điểm niệu quản dưới bà bầu cũng sẽ đau.
Các dấu hiệu bệnh nặng như sốc, tình trạng nhiễm độc, da vàng, tăng cơn co tử cung, vô niệu giãn to đài bể thận đòi hỏi phải xử trí cấp cứu.
Bà bầu bị sốt do viêm dạ dày- ruột
Nếu bà bầu bị sốt mà trước đó có tiếp xúc hay dùng thức ăn nghi ngờ nhiễm bẩn thì có thể nguyên nhân là do viêm dạ dày – ruột.
Bà bầu thường có nôn và tiêu chảy, đau bụng âm ỉ rồi thỉnh thoảng đau quặn từng cơn.
Bà bầu bị sốt do viêm ruột thừa cấp tính
Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh có thể dẫn đến thủng ruột và viêm phúc mạc.
Biểu hiện của bệnh thường không rõ ràng nên các bác sĩ sẽ phải thăm khám kỹ để phát hiện ra bệnh.
Bà bầu bị sốt do viêm túi mật cấp tính
Những biểu hiện của viêm túi mật cấp tính là đau hạ sườn phải, có thể đau tự nhiên hoặc đau khi thăm khám. Siêu âm gan mật có thể có sỏi túi mật, dầy thành túi mật và không có tắc nghẽn ống mật chủ.
Bà bầu bị sốt do viêm gan virus
Nếu bà bầu bị sốt do viêm gan virus, sốt thường chỉ xuất hiện trong giai đoạn đầu. Thường khi bà bầu xuất hiện vàng da thì hết sốt.
Bà bầu bị sốt do bệnh lao phổi
Bà bầu bị sốt do bệnh lao phổi thường có thể trạng suy sụp, hoặc có biểu hiện như viêm phế quản kéo dài.
Bà bầu bị sốt do nhiễm HIV/AIDS
Sốt trong trường hợp này có thể là biểu hiện của các nhiễm trùng cơ hội, hàng đầu là bệnh lao. Nguy cơ lây truyền cho trẻ vảo khoảng 20- 30%.
Bà bầu bị sốt do bệnh Rubella
Ở những bà bầu chưa tiêm phòng, tất cả các trường hợp sốt với phát ban dát máu hồng dạng sởi kèm theo hạch to lan tỏa, nhất là vùng sau chẩm, có thể có đau khớp hoặc không, đều nên nghĩ đến bệnh Rubella.
Nếu đã tiêm phòng vaccin Rubella thì không nên có thai trong vòng ít nhất 1 tháng sau khi tiêm phòng.
Bà bầu bị sốt do viêm rau- ối
Viêm rau ối xuất hiện sau nhiễm trùng ngược dòng do vỡ ối sớm, nhiễm trùng sinh dục hoặc mở sớm cổ tử cung.
Sau khi bà bầu vỡ ối sớm xuất hiện sốt, nước ối bẩn và tanh hoặc thối, có dấu hiệu suy thai cấp thì có thể đã bị viêm rau- ối.
Các bà bầu đủ tháng bị sốt, kèm theo nhiễm trùng sinh dục, viêm âm đạo- cổ tử cung, dọa đẻ non và các dấu hiệu suy thai cấp thì nên nhập viện ngay. Điều trị kháng sinh và thuốc hạ sốt là khẩn trương và bắt buộc theo chỉ định của bác sĩ.
Bà bầu bị sốt – Cách phòng tránh
Việc phòng tránh lây nhiễm các bệnh đối với phụ nữ mang thai là vô cùng quan trọng.
Về mùa đông, bà bầu cần giữ ấm tránh để nhiễm lạnh. Mùa hè tránh ra nắng gắt giữa trưa sẽ cảm nắng.
Bà bầu nên giữ vệ sinh cá nhân tốt.
Trong quá trình chăn nuôi, bà bầu tránh tiếp xúc trực tiếp với gia súc, gia cầm nghi ngờ mắc bệnh.
Không ăn các thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tránh gây ngộ độc, lây bệnh từ gia cầm, gia súc…
Ngoài ra, bà bầu cần khám thai đúng lịch để phát hiện những bất thường đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Theo ThS.BSCKII. Nguyễn Hồng Hà, ThS. Nguyễn Quốc Thái –
Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia
6 thoughts on “Bà bầu bị sốt nhiễm trùng – Tuyệt đối không được xem thường”
Xin chào bác sĩ tôi đang mang bầu tuần 26-27 và bị sốt nhẹ 3 bữa nay mặc dù tôi đã uống thuốc hạ sốt nhưng nó chỉ hạ qua 1 ngày thì ngày hôm sau lại bị sốt nữa.Cho e hỏi làm như thế nào để hết sốt ạ
Chào bạn Hồng,
Thuốc hạ sốt chỉ là thuốc điệu trị triệu chứng (hạ sốt) mà thôi. Muốn điều trị tận gốc cần xác định nguyên nhân gây sốt, từ đó mới có hướng điều trị phù hợp được. Do đó, bạn nên tới bác sĩ để thăm khám trực tiếp, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp cho bạn. Không nên cố gắng chị đựng, cũng không tự ý mua thuốc về dùng bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Tôi có ăn rau xà lách chưa rửa kỹ. Có dễ dàng để bị nhiễm vi khuẩn Listeria không thưa Bác Sĩ. Chân thành cảm ơn ạ!
Chào bạn Trúc Ly,
Vi khuẩn gây bệnh Listeria tồn tại rộng rãi trong tự nhiên đất, phân, động vật, rau hỏng, nước thải, sữa, phô mai và một số thực phẩm đóng hộp từ động vật không đảm bảo vệ sinh. Vi khuẩn listeria có trong nguồn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh là một nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm nguy hiểm. Vì vậy, những trường hợp có cơ địa nhạy cảm như phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm… nên tránh ăn rau sống hay các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh khác.
Nếu bạn đã ăn rau sống và hiện tại cơ thể bạn không có biểu hiện bất thường gì thì bạn không nên quá lo lắng. Yên tâm tiếp tục dưỡng thai, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ăn chín uống sôi, bổ sung thuốc bổ mỗi ngày bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
xin chào bác sĩ
vợ em đang mang thai đến nay được 8 tuần.
thời gian mang thai vợ em khoảng 18 đến 26 ngày tuổi thì bị đau đầu và sốt. em đưa vợ em đến bv nhiệt đới điều trị Bác sĩ nói vợ em bị nhiêm trùng huyết, trong khi điều trị có siêu âm, chụp x quang, truyền kháng sinh hàng ngày, và mỗi ngày uống 1 viên thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng huyết.
thời gian điều trị là 1 tuần vợ em xuất viện.
sau 2 tuần về nhà vợ em thấy buồn nôn và ói đi siêu âm bác sĩ nói vợ em có thai khoảng 6 tuần tuổi.
xin bác sĩ cho vợ chồng em lời khuyên Ạ!
thai nhi có bị ảnh hưởng gì không ạ!
xin cảm ơn bác sĩ!
Chào bạn,
Nhiễm trùng huyết (hay nhiễm trùng máu) là một bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, gây ra do vi trùng lưu hành trong máu. Bệnh càng nguy hiểm hơn đối với phụ nữ mang thai, bởi sức đề kháng của mẹ bầu thường bị suy giảm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và con.
Khi người phụ nữ bị nhiễm trùng huyết thì nguy cơ sảy thai và sinh non rất cao. Vì vậy cần được sự thăm khám và theo dõi cẩn trọng của bác sĩ. Với trường hợp của vợ bạn, đã điều trị khỏi nhiễm trùng huyết và thai nhi không có biểu hiện gì bất thường thì bạn cũng không nên quá lo lắng. Hiện nay có rất nhiều các biện pháp thăm khám, tầm soát phát hiện sớm các vấn đề bất thường của thai kỳ (nếu có), vì vậy bạn cần trao đổi cụ thể tiền sử bệnh của mình với bác sĩ thăm khám trực tiếp để nhận được hỗ trợ và lời khuyên phù hợp.
Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!