Tăng huyết áp là một vấn đề cần được lưu ý hàng đầu khi mang thai vì có thể dẫn đến hiện tượng tiền sản giật, ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Chính vì thế, theo dõi huyết áp thường xuyên và phát hiện các dấu hiệu cảnh báo khi bà bầu bị tăng huyết áp là việc làm vô cùng quan trọng.
[toc]
Nguy cơ do tăng huyết áp thai kỳ
Hậu quả lên hệ tim mạch: Những người bị tăng huyết áp ở lần mang thai đầu có nguy cơ cao bị lặp lại ở những lần mang thai sau. Các bà bầu này cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp và đột quỵ cao về sau. Những người bị tiền sản giật hoặc chậm phát triển bào thai trong buồng tử cung sẽ tăng nguy cơ bị bệnh và nguy cơ tử vong do bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.
Tuy nhiên, với những phụ nữ đã trải qua thời kỳ sinh nở mà không bị tăng huyết áp thì sẽ ít bị nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn những phụ nữ không sinh đẻ.
Tiền sản giật và sản giật: Biến chứng do tiền sản giật đối với mẹ như xuất huyết võng mạc, rau bong non, chảy máu trong gan; đông máu rải rác trong lòng mạch; suy thận cấp, phù phổi cấp và suy tim cấp… Biến chứng do tiền sản giật đối với con như thai chết lưu, thai non tháng và suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh ngay sau đẻ..
Nguyên nhân gây ra chứng tăng huyết áp bà bầu
Một số yếu tố được xem là thuận lợi dẫn đến tăng huyết áp bà bầu như:
- ăn nhiều muối,
- ít vận động thể lực, béo phì, tăng cholesterol,
- căng thẳng thần kinh, tâm lý…
- tuổi của sản phụ cao (trên 35 tuổi)
- di truyền
- chế độ dinh dưỡng lúc mang thai chưa tốt
- thiếu máu trầm trọng;
- mang thai đôi
Ngoài ra, một số bệnh lý cũng có thể làm tăng huyết áp ở bà bầu như: bệnh về thận, tuyến thượng thận, tuyến giáp, bệnh tim mạch, tiểu đường…
Dấu hiệu bà bầu tăng huyết áp
Máy đo huyết áp là dụng co đo chuẩn xác để biết chính xác huyết áp khi mang thai. Tăng huyết áp khi có thai được coi là thai nghén có nguy cơ khi:
- trước mang thai bà bầu chưa biết có tăng huyết áp, mà khi có thai, huyết áp tối đa > = 140mmHg hoặc huyết áp tối thiểu >= 90mmHg thì là tăng huyết áp,
- trước mang thai bà bầu đã biết huyết áp, mà khi có thai, huyết áp tối đa tăng >= 30mmHg hoặc huyết áp tối thiểu tăng > = 15 mmHg so với huyết áp trước khi mang thai, thì được coi là tăng huyết áp
(lưu ý: đo huyết áp 2 lần, mỗi lần cách nhau 4 giờ).
Ngoài ra, thai phụ có thể chú ý quan sát sức khỏe của bản thân để nhận biết các dấu hiệu tăng huyết áp sau tuần thứ 20-24 của thai kỳ như:
- Phù toàn thân, nằm nghỉ không hết, phù mềm ấn lõm. Dấu hiệu phù này khác với phù sinh lý khi mang thai: phù nhẹ ở chân, mắt cá, khi nằm nghỉ hoặc gác chân lên cao thì hết phù.
- Đau đầu, đặc biệt là bị đau dữ dội, kéo dài, đau như bị đập mạnh.
- Tim đập nhanh, cảm giác như trống đánh trong lồng ngực
- Chóng mặt
- Bà bầu tăng cân rất nhanh. Cân nặng tăng hơn 2-3 kg trong một tuần.
- Nhìn đôi, mắt mờ, nhìn thấy những đốm hoặc đèn nhấp nháy, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mất thị lực tạm thời.
- Đau hoặc đau dữ dội ở vùng thượng vị
- Buồn nôn, nôn (khác với ốm nghén đầu thai kỳ)
Lưu ý, khi có một trong các dấu hiệu trên bà bầu cần báo ngay cho bác sĩ bởi thực tế lúc nào tiền sản giật cũng có thể biến thành sản giật. Nếu xảy ra sản giật, bà bầu có thể rơi vào trạng thái hôn mê, phù não, xuất huyết não, phù phổi cấp, suy tim, bong nhau non, có thể gây tử vong cho cả mẹ và bé.
Phòng chống tăng huyết áp trong thai kỳ
Phương pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là thường xuyên theo dõi huyết áp trước và trong khi mang thai. Trước khi mang thai, nếu phát hiện tăng huyết áp mạn tính cần được điều trị ổn định tùy theo căn nguyên gây bệnh.
Xem thêm: Những điều cần biết trước khi mang thai
Trong thai kỳ, bà bầu cần khám thai định kỳ đều đặn, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu đầy đủ. Nếu có tăng huyết áp đi kèm với đạm trong nước tiểu và phù thì phải nghĩ ngay đến tăng huyết áp, có thể dẫn đến tiền sản giật. Càng gần đến cuối thai kỳ, bạn càng nên đi khám và đo huyết áp nhiều hơn.
Nên kiểm tra cả sức khỏe tim mạch đều đặn.
Nếu bà bầu bị tăng huyết áp nhẹ thì cần nghỉ ngơi, nằm nghiêng trái, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Nếu tình trạng nặng thì cần liên hệ bác sĩ ngay để được chăm sóc tốt nhất.
Chế độ ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, cần bổ sung thức ăn nhiều đạm, calo, Canxi, Vitamin, các yếu tố vi lượng, đặc biệt vai trò của một số chất dinh dưỡng như Omega 3 (DHA,EPA), Vitamin D, Canxi … không nên ăn quá mặn nhưng cũng không hạn chế muối và nước.
Một số thực phẩm có lợi cho bà bầu bị tăng huyết áp
- Sinh tố táo.
- Sinh tố dưa chuột.
- Các loại nước hoa quả, sinh tố chứa nhiều vitamin C như cam, chanh…
- Nước ép củ cải.
Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên giúp máu huyết lưu thông, phòng chống béo phì do đó hạn chế tiền sản giật; tăng cân một cách hợp lý.
Điều trị tiểu đường hoặc các bệnh nội khoa theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Tuyệt đối không sử dụng rượu hay các chất kích thích.
Bà bầu bị tăng huyết áp có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh sau này. Vì thế, thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm và phòng ngừa là rất quan trọng. Bạn nên đi khám thai đều đặn, theo dõi chặt chẽ mọi biến đổi của cơ thể, đặc biệt là huyết áp. Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ cần báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ sớm nhất.
Theo Procarevn.vn
Xem thêm:
- Thuốc bổ sung canxi cho bà bầu
- Omega 3 6 9 và vai trò với phụ nữ có thai
- Những điều cần biết khi mang thai
- Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng thai kỳ
- Dọa sảy thai và những điều cần biết
- Bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng giữa
- Thuốc bổ sung sắt nào tốt nhất
- Bà bầu nên uống vitamin tổng hợp loại nào