Xuất huyết âm đạo trong thai kỳ là bất cứ sự chảy máu nào từ âm đạo. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ khi thụ thai (khi trứng được thụ tinh) đến khi kết thúc thai kỳ. Một số phụ nữ bị chảy máu âm đạo trong 20 tuần đầu của thai kỳ.
[toc]
Chảy máu âm đạo khi mang thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ là điều rất đáng quan tâm nhưng không luôn luôn có nghĩa là bạn bị sẩy thai. Sẩy thai xảy ra trong khoảng 10% đến 20% các trường hợp có thai.
Khi thai kỳ của bạn vẫn tiến triển sau lần chảy máu âm đạo, thì việc xuất huyết khi mang thai không ảnh hưởng đến thai nhi.
Nếu chảy máu âm đạo khi mang thai là do sẩy thai, không có chữa trị hoặc liệu pháp nào có thể ngăn chận việc sẩy thai khỏi xảy ra.
Tuy vậy, điều quan trọng là bạn cần phải đến gặp chuyên viên y tế vì:
Bạn có thể cần được thử máu nếu họ chưa biết nhóm máu của bạn và một số nhóm máu có thể cần đến chữa trị
Bạn có thể cần đến chăm sóc khẩn cấp nếu chảy máu âm đạo khi mang thai trầm trọng và bạn bị đau và bị vọp bẻ
Có thể mang thai lạc vị trí, có nghĩa là cái thai lớn dần bên ngoài tử cung và thường là trong ống dẫn trứng. Nên luôn coi chừng việc này khi bạn bị chảy máu và đau bụng vào giai đoạn sớm của thai kỳ và đây là tình trạng trầm trọng, có nghĩa là bạn cần gặp bác sĩ lập tức. Chỉ khoảng 1% vụ có thai là ngoài tử cung, với nhiều lý do khác nhau, nhưng nếu bạn bị chảy máu âm đạo khi mang thai và đau bụng thì cần chẩn đoán để loại trừ khả năng này vì việc này rất nghiêm trọng.
Các nguyên nhân khác của việc chảy máu âm đạo khi mang thai
Chảy máu trong tam cá nguyệt thứ nhất không phải lúc nào cũng là vấn đề. Nó có thể là do:
Quan hệ tình dục
Nhiễm trùng
Có thể khi thụ thai, trứng đã thụ tinh bám vào vách tử cung và gây chảy máu, hay còn gọi là máu báo thai.
Thay đổi hóc môn
Các nguyên nhân không liên quan trực tiếp đến thai kỳ có thể cũng dẫn đến chảy máu âm đạo khi mang thai chẳng hạn như các khối u (polyps) lành tính và các vấn đề cổ tử cung.
Các yếu tố khác không làm hại đến mẹ hoặc bé.
Thông thường, nếu việc chảy máu âm đạo khi đang mang thai chấm dứt và siêu âm thai nhi bình thường thì không cần kiểm tra thêm. Nếu xuất huyết tiếp tục thì có thể cần đến dò khám và thử nghiệm thêm. Xuất huyết sớm khi mang thai mà không dẫn đến sẩy thai thì sẽ không gây tổn hại gì đến thai nhi.
Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn của việc chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu bao gồm:
Sẩy thai, nghĩa là thai kỳ chấm dứt trước khi phôi hay bào thai có thể sống được ở tử cung. Hầu như tất cả những phụ nữ bị sảy thai sẽ bị xuất huyết âm đạo trước khi sẩy thai.
Thai ngoài tử cung, có thể gây ra chảy máu và chuột rút.
Thai trứng (Molar Pregnancy), trứng được thụ tinh nhưng phát triển một cách bất thường.
Sự khác biệt giữa Máu báo thai và Chảy máu âm đạo
Máu báo thai chỉ xuất hiện một vài giọt trên quần lót. Nó không đủ để thấm ra miếng lót băng vệ sinh hằng ngày.
Chảy máu âm đạo sẽ nhiều hơn máu báo thai. Khi bị chảy máu, bạn sẽ cần một miếng lót hoặc băng vệ sinh để giữ cho máu không bị vấy bẩn ra quần áo.
Hãy hỏi thêm bác sĩ để hiểu thêm giữa máu báo thai và chảy máu âm đạo trong những lần khám thai đầu tiên của bạn.
Cần cung cấp những thông tin gì cho bác sĩ
Bác sĩ có thể cần phải biết những thông tin này để tìm ra nguyên nhân chảy máu âm đạo:
Bạn mang thai bao lâu?
Bạn đã bị chảy máu âm đạo trong thời gian này hay sớm hơn?
Khi nào bạn bắt đầu chảy máu?
Máu chảy rồi dừng lại, hoặc nó chảy liên tục?
Có nhiều máu?
Màu sắc của máu là gì?
Máu có mùi?
Bạn có gặp chuột rút hoặc đau ở bụng?
Bạn có cảm thấy mệt mỏi?
Bạn có ngất đi hay cảm thấy chóng mặt?
Bạn có buồn nôn, nôn mửa, hoặc tiêu chảy?
Bạn có bị sốt?
Bạn có bị thương trước đó, ví dụ như một cú ngã?
Bạn có thay đổi động tác thể dục?
Bạn có bất kỳ căng thẳng nào không?
Lần cuối cùng bạn quan hệ là khi nào? Bạn có bị chảy máu sau đó?
Nhóm máu của bạn là gì? Bác sĩ có thể kiểm tra loại máu của bạn. Nếu Rh (-), bạn sẽ cần điều trị với các loại thuốc để tránh các biến chứng với các lần mang thai sắp tới.
Cần khám gì khi chảy máu âm đạo trong thai kỳ xảy ra?
Khám trong
Có thể hữu ích trong một số tình huống để kiểm tra:
Các nguyên nhân dễ thấy trong việc chảy máu âm đạo khi mang thai
Nguyên nhân hiển nhiên gây đau (chẳng hạn như cục máu đông ở cổ tử cung)
Để thẩm định kích cỡ tử cung đối chiếu với tuổi thai đã biết khi tính ngày.
Siêu âm
Việc dò Siêu âm khá hữu ích và thường được thực hiện sau khoảng 6 tuần. Trước tiên, điều này giúp cho biết rằng thai nằm trong tử cung, và không phải có thai ngoài tử cung (là điều rất nguy hiểm). Có thể thấy tim của thai nhi từ khoảng 6 tuần khi dò âm đạo, và việc này không gây hại cho thai nhi. Dụng cụ dò được đặt vào âm đạo, có cảm giác tương tự như khi khám trong, và cho thấy hình ảnh rõ rệt hơn là dò trên bụng.
Thử máu
Thử máu được dùng để xem mức nội tiết tố thai kỳ (HCG) có thích đáng với giai đoạn thai kỳ của bạn không (dựa vào thời điểm bạn có kinh lần chót). Thường thử nghiệm cần được lập lại nhằm kiểm tra mức nội tiết tố có tăng bình thường không.
Bạn cũng có thể cần được thử máu để kiểm tra nhóm máu. Nếu bạn biết nhóm máu của mình, hãy cho nhân viên y tế biết.
Thử nước tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu là điều thường gặp trong thai kỳ và có thể gây ra các vết máu trong nước tiểu.
Chăm sóc sau khi chảy máu âm đạo trong thai kỳ xảy ra
Trước tiên, khía cạnh quan trọng nhất của việc chăm sóc khẩn cấp là nhằm để đảm chắc bạn được an toàn và ổn định và kiềm chế cơn đau nếu có.
Việc theo dõi kế tiếp, hoặc bạn cần gặp chuyên viên nào và làm gì sau đó, tùy vào tình huống cá biệt của bạn.
Chăm sóc sau khi chảy máu âm đạo trong thai kỳ xảy ra
Khi thai kỳ được xem là vẫn tiếp tục
Nếu kết quả thử nghiệm của bạn là bình thường hoặc không xác định được và việc chảy máu âm đạo khi mang thai đã ngừng hoặc giảm thiểu, thì không cần đến chữa trị tích cực hoặc thay đổi gì đến sinh hoạt thường ngày, ngoại trừ nên tránh vận động mạnh.
Nếu đã được chẩn đoán là sẩy thai ra hết hoặc chưa ra hết
Nếu bạn đã bị sẩy thai ra hết hoặc chưa ra hết, bác sĩ hoặc y tá sẽ cho bạn biết các chọn lựa có thể cân nhắc. Họ sẽ cung ứng thông tin để giúp bạn cân nhắc và quyết định.
Nếu bạn chảy máu rất nhiều, bạn có thể phải nhập viện hoặc phẫu thuật.
Bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn
Dành thời gian nghỉ ngơi
Không quan hệ tình dục.
Không thụt rửa âm đạo (KHÔNG BAO GIỜ làm điều này trong thời gian mang thai, và cũng nên hạn chế ngay cả khi không mang thai)
Không nên dùng băng vệ sinh dạng que (tampons) trong lúc hoặc sau khi sẩy thai hoặc sau khi sẩy thai hụt, vì có phần nào nguy cơ nhiễm trùng.
Bạn nên gặp Bác sĩ khi
Dù tình huống của mình như thế nào, bạn cần chuẩn bị đối với sự việc thay đổi. chảy máu âm đạo khi mang thai trầm trọng và đau như vọp bẻ là có nguy cơ sẩy thai. Hãy đến Khu Cấp cứu khi:
Chảy máu âm đạo khi mang thai trở nên trầm trọng (2 miếng băng ướt mỗi giờ và/hoặc có các cục máu đông lớn, cỡ đồng xu)
Đau bụng dữ dội hoặc giống như vọp bẻ nhất là nếu lan tới vai
Bạn cảm thấy không khỏe và sốt hoặc run rẩy (lạnh)
Bạn cảm thấy choáng váng hoặc mệt lả
Thai kỳ và các vấn đề trong thai kỳ có thể làm bạn rất lo lắng và điều này là bình thường. Chảy máu âm đạo khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên cho biết có thai và bạn phải cùng một lúc vừa biết mình có thai và có nguy cơ sẩy thai. Đó là các cảm giác và tư tưởng phức tạp và bạn nên tìm thêm sự hỗ trợ tinh thần và tâm lý từ gia đình và bạn bè để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo Procarevn
Xem thêm: