Cách chăm sóc bà bầu là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm, không chỉ ở các ông bố bà mẹ tương lai, mà còn là cả gia đình và xã hội nhỏ xung quanh mẹ và bé. Ngay từ khi những dấu hiệu có thai xuất hiện, việc chăm sóc bà bầu cần được thực hiện ngay, nhằm duy trì một thai kỳ khỏe mạnh và đảm bảo cho sức khỏe bà bầu cũng như của bé sau này. Hãy cùng tham khảo kiến thức và cách chăm sóc bà bầu theo hướng dẫn từ Bộ Y tế trong bài viết dưới đây.
[toc]
Khám thai
Lịch khám thai thông thường:
3 tháng đầu (tính từ ngày đầu kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày)
+ Khám lần đầu: sau trễ kinh 2 – 3 tuần
+ Khám lần hai: lúc thai 11 – 13 tuần 6 ngày để đo độ mờ da gáy
3 tháng giữa (tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày): 1 tháng khám 1 lần
3 tháng cuối (tính từ tuần 29 đến tuân 40)
+ Tuần 29 – 32: khám 1 lần
+ Tuần 33 – 35: 2 tuần khám 1 lần
+ Tuần 36 – 40: 1 tuần khám 1 lần
Nếu không có điều kiện khám thai định kỳ thì cần duy trì tối thiểu là 3 lần khám thai cho một thai kỳ tại các thời điểm thai được 12, 22, 32 tuần. Đồng thời mẹ cần lưu ý:
- Đến khám bất cứ lúc nào khi có dấu hiệu bất thường.
- Khám lần sau đúng hẹn.
- Xác định ngày dự kiến sinh
- Theo dõi cẩn trọng nếu phát hiện thai bất thường hay có nguy cơ.
- Lựa chọn nơi sinh an toàn và phù hợp nhất.
Mục tiêu chung là giảm bớt các tai biến sản khoa, giảm tỷ lệ tử vong cho mẹ và con.
Những dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay, vì đó là những nguy cơ có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con
- ra máu, ra nước ối,
- đau bụng từng cơn hoặc có cơn đau bụng dữ dội,
- sốt, khó thở,
- nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, mờ mắt,
- phù nề,
- đi tiểu ít,
- tăng cân nhanh,
- thai đạp yếu, đạp ít hay không đạp.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng tốt giúp cho bạn có sức đề kháng chống lại nhiều bệnh tật.
Đặc biệt, ngay từ khi có dấu hiệu mang thai bạn đừng quên bổ sung những dưỡng chất quan trọng sau:
– Axit folic: hay còn gọi là vitamin B9 là yếu tố đặc biệt quan trọng với sự phát triển, phân chia của tế bào. Axit folic cần thiết để bảo vệ thai nhi khỏi dị tật ống thần kinh như bệnh nứt đốt sống, vô sọ.
– Sắt: là nguồn bổ sung nguyên liệu tạo máu có vai trò quan trọng với mẹ bầu và thai nhi. Nếu bà mẹ dinh dưỡng không tốt, ăn uống kiêng khem thì cơ thể sẽ không đủ chất để tạo máu, dễ dàng đưa đến thiếu máu.
– Canxi: theo giai đoạn phát triển thai nhi thường sử dụng canxi từ người mẹ để tạo xương cho sự lớn lên.
– Protein ( chất đạm): giúp cơ thể duy trì sức sống và năng lượng, không chỉ bạn mà cả em bé trong bụng cũng rất cần protein để phát triển trong suốt thai kỳ.
– DHA/EPA: đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của não bộ và thị giác của trẻ.
Mẹ có chế độ dinh dưỡng tốt thì con cũng nhờ đó được hưởng các chất dinh dưỡng từ mẹ cung cấp; vì thế thai sẽ phát triển bình thường, không bị sinh non, khi sinh bà mẹ cũng ít phải can thiệp.
Cần ăn no bằng cách tăng khẩu phần ăn lên 1/4 so với lúc chưa có thai; có thể ăn tăng hơn trong mỗi bữa, có thể ăn nhiều bữa hơn. Để ăn được nhiều hơn như thế, cần thay đổi món ăn, thay đổi cách chế biến sao cho ngon miệng.
Trường hợp những tháng đầu, do tình trạng nghén, ăn uống có thể kém đi thì tăng cường nghỉ ngơi để tránh mất thêm năng lượng.
Để ăn đủ chất, cần ăn đầy đủ các thức ăn có chứa chất đạm, chất béo, chất bột đường hay muối khoáng, vitamin:
- Chất đạm có trong thịt, cá, tôm, cua, ếch, lươn, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ nhất là đậu tương…
- Các thức ăn chứa nhiều chất mỡ như dầu ăn, thịt, vừng, lạc…
- Thức ăn nhiều chất bột đường như gạo, ngô, khoai, sắn, củ mài, bột mì, đường, mật, mía, các loại quả ngọt…
- Thức ăn chứa nhiều muối khoáng và vitamin như rau tươi, hoa quả các loại…
Không nên kiêng bất cứ loại thực phẩm ưa thích và cũng không ép buộc mình ăn những món không ăn được. Tốt nhất là lựa chọn những thực phẩm nào cùng loại, có thể thay thế được cho nhau. Ví dụ bạn không muốn ăn thịt bò thì có thể ăn thịt gà, thịt lợn; kiêng rau cải thì có thể ăn su hào, súp lơ…
Ngoài ra nếu bạn là người có bệnh mạn tính đã được theo dõi điều trị, cần phải có chế độ ăn kiêng thì khi có thai bạn vẫn nên tuân thủ. Nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh của bạn trước đây để được hướng dẫn thêm.
Nên dùng thêm thuốc bổ bà bầu ngay từ trước khi mang thai, khi mang thai và khi cho con bú. Bởi vì, rất khó có thể cung cấp đủ dưỡng chất cho bạn và em bé trong bụng, ngay cả khi chế độ ăn của bạn đã gần như cân đối và bạn ăn đa dạng các loại thức ăn khác nhau như thịt, sữa, trái cây, rau xanh, đậu, các loại ngũ cốc…
Không nên ăn mặn, nên thay đổi món để ngon miệng
Không hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu
Không uống thuốc nếu không có chỉ định của thầy thuốc
Tránh táo bón bằng chế độ ăn hợp lý, không tự ý dùng thuốc chống táo bón nếu không có ý kiến bác sĩ
Xem thêm:
- Dấu hiệu mang thai tuần đầu
- omega 3 6 9 có cần thiết cho phụ nữ mang thai và cho con bú?
- Vitamin A – Mẹ bầu nào cũng phải biết
- Cẩm nang Mang thai
- Bà bầu không nên ăn gì
- Dấu hiệu sắp sinh
Làm việc
Làm việc theo khả năng. Dù bất cứ công việc gì cũng không bao giờ làm việc quá sức, không để kiệt sức.
Nếu công việc trước khi có thai là công việc không nặng nhọc như dạy học, làm việc ở văn phòng, thì có thể làm việc bình thường cho đến khi nghỉ sinh (trước ngày dự kiến sinh một tháng).
Nếu là công việc nặng nhọc hay độc hại như bốc vác, phải gánh gồng, đội nặng, phải tiếp xúc với hoá chất (thuốc trừ sâu, xăng dầu, chất phóng xạ…) thì xin chuyển tạm thời sang công việc khác trong thời gian thai nghén và nuôi con nhỏ.
Trong thời gian thai nghén không làm việc ở trên cao (dễ bị tai nạn) và ngâm mình dưới nước (dễ nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn), nhất là nước ao tù, cống rãnh.
Trong thời gian làm việc nên xen kẽ những phút nghỉ ngơi giữa giờ. Nếu đang lao động thấy người mệt mỏi, đau bụng thì nên nằm nghỉ để các cơ thư giãn.
Nếu làm việc mà cảm thấy thấy nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng vùng dưới xương ức thì nên đi khám kiểm tra xem có bất thường do thai nghén hay không.
Không mang vác nặng trên đầu, trên vai.
Tránh đi xa, tránh xóc xe hay va chạm mạnh
Cần đảm bảo ngủ mỗi ngày ít nhất 8 giờ. Nên ngủ trưa từ 30 phút đến một giờ.
Không thức khuya, dậy sớm. Không làm việc ban đêm (nhất là từ tháng thứ bảy). Nếu công việc phải làm ca đêm (xí nghiệp sản xuất, trực đêm của cán bộ y tế) thì nên xin chuyển sang làm ca ngày, đặc biệt thai nghén ba tháng cuối nhất thiết không để người có thai phải làm việc đêm.
Vào tháng cuối trước ngày dự kiến sinh cần nghỉ ngơi để mẹ có sức, con tăng cân. Tuy thế vẫn vận động và làm các công việc nhẹ nhàng như: đan lát, đọc sách, đi lại vận động cho máu lưu thông.
Vệ sinh thân thể
Nhà ở phải thoáng khí sạch sẽ, tránh ẩm, nóng, khói
Mặc quần áo rộng và thoáng
Duy trì cuộc sống thoải mái, tránh căng thẳng
Năng tắm rửa, thay quần áo hàng ngày. Tắm trong nhà tắm, kín đáo, tránh gió lùa. Không tắm sông, tắm suối, nhất là không tắm trong ao hồ nước tù đọng. Mùa lạnh cần tắm nước nóng.
Hàng ngày vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài bằng cách dùng gáo dội rửa (hoặc bằng vòi hoa sen). Không dùng vòi xịt nước hay cho ngón tay vào rửa bên trong. Hậu môn là phần rửa cuối cùng. Có thể rửa bằng xà phòng ít chất ăn da (xà phòng thơm); không được rửa bằng bột giặt.
Trong thời kỳ thai nghén, bộ phận sinh dục thường tiết dịch nhiều hơn lúc không có thai, vì thế vệ sinh tại chỗ càng phải thực hiện thường xuyên, đều đặn hàng ngày (nên thực hiện 2 lần sáng – tối và sau mỗi lần đại tiện). Tránh bơm rửa trong âm đạo.
Chăm sóc ngực hằng ngày bằng cách lau rửa ngực với khăn vải mềm. Xoa bóp, nặn, kéo núm ti đều đặn nếu núm ti thụt vào trong để tạo điều kiện nuôi con sau này. Tuy nhiên không được kích thích nhiều ở đầu ti vì có thể dẫn đến kích thích tử cung, gây co bóp và dọa sinh non, sẩy thai. Khi xoa bóp vú ở những tháng cuối, nếu thấy bụng co cứng từng cơn thì ngừng lại.
Tránh tiếp xúc với người ốm, bị sốt bất kỳ do nguyên nhân gì để tránh lây bệnh truyền nhiễm.
Chế độ sinh hoạt
Cần có cuộc sống thoải mái, ấm cúng trong gia đình. Tránh lo lắng, căng thẳng trong sinh hoạt. Điều này đòi hỏi sự thông cảm và quan tâm tạo điều kiện của các thành viên khác trong gia đình thai phụ.
Cần ở nơi thoáng đãng, sạch sẽ, không khí trong lành, không có khói bếp nhất là khói thuốc lá, thuốc lào.
Mặc áo quần rộng rãi, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nếu cần sưởi thì không sưởi bằng lò than trong buồng kín. Tốt hơn là ủ ấm bằng các chai hay túi chườm nước nóng được bọc trong khăn vải.
Về quan hệ tình dục: Không phải kiêng tuyệt đối nhưng cần hạn chế, có sự thông cảm và nhẹ nhàng, với tư thế thích hợp của người chồng. Nếu đã bị sẩy thai ở lần thai nghén trước thì cần rất hạn chế và nên kiêng hẳn trong ba tháng đầu và ba tháng cuối.
Khi có thai nên tránh phải đi xa. Nếu bắt buộc phải đi thì nên chọn phương tiện nào an toàn, êm, ít xóc nhất.
Những trường hợp thai nghén có nguy cơ cao
Nhóm nguy cơ có liên quan tới cơ địa của bà bầu
Tuổi của bà bầu
Dưới 16 tuổi: dễ gặp tình trạng đẻ khó, đẻ non, tỷ lệ tử vong chu sinh cao.
Trên 35 tuổi: dễ bị đẻ khó, nguy cơ rối loạn nhiễm sắc thể, sơ sinh dị dạng, tử vong khi sinh cao.
Thể trạng của bà bầu: quá béo (trên 70 kg) hoặc quá gầy (dưới 40 kg) cũng là một trong những yếu tố nguy cơ cho mẹ trong cuộc đẻ.
Những bất thường về giải phẫu của đường sinh dục như tử cung đôi, tử cung hai sừng, vách ngăn tử cung… dễ gây đẻ non.
Nhóm nguy cơ liên quan tới bệnh tật của bà bầu có từ trước
- Tăng huyết áp: nguy cơ tử vong mẹ và thai (sản giật).
- Bệnh thận: nguy cơ cao huyết áp mạn dẫn tới sản giật, tiền sản giật.
- Tiểu đường: gây thai to và dễ tử vong.
- Bệnh tim: đặc biệt là bệnh tim có biến chứng gây tử vong cao.
- Bệnh nội tiết: Basedow, tiểu đường dễ gây biến chứng cho mẹ và cho thai nhi.
- Rối loạn hệ miễn dịch, bệnh tạo keo.
- Bệnh ác tính của mẹ: ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng…
- Bệnh thiếu máu: suy tuỷ, hồng cầu lưỡi liềm.
- Bệnh nhiễm khuẩn cấp hoặc mạn tính: lao phổi, thương hàn…
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục: chlamydia trachomatis, herpes sinh dục, HPV, lậu, giang mai, HIV.
- Bệnh do virus: viêm gan virus, rubella.
- Bệnh do ký sinh trùng: sốt rét cơn, trichomonas âm đạo.
- Bệnh não: viêm não, động kinh, tâm thần…
- Nhiễm khuẩn niệu – sinh dục: tụ cầu, Coli, Proteus.
- Bệnh di truyền có tính chất gia đình như: chảy máu, tiểu đường, sinh đôi, đa thai…
- Bệnh ngoại khoa: gãy xương chậu, bệnh trĩ, tạo hình bàng quang do chấn thương…
Nhóm bệnh và các yếu tố bất thường phát sinh trong kỳ thai này
Chẳng hạn như bệnh sốt rét, bệnh thiếu máu, tiền sản giật do thai nghén, ngôi bất
thường, thai to (thường liên quan đến bệnh tiểu đường).
Nhóm có tiền sử sản khoa nặng nề
- Sẩy thai liên tiếp nhiều lần: thường do bất thường của hai vợ chồng, thiểu năng nội tiết,
- bất thường ở tử cung.
- Thai chết lưu: cần phát hiện nguyên nhân. Ví dụ: u xơ tử cung, bệnh toàn thân như tăng
- huyết áp, bệnh thận…..
- Tiền sử đẻ non, con dưới 2500 g gây nguy cơ cho sơ sinh.
- Hoạt động của nội tiết sinh dục kém dễ gây sẩy thai, đẻ non…
- Bất đồng nhóm máu ABO gây nguy cơ cho thai.
- Tiền sử sản giật dễ bị sản giật ở những lần có thai sau.
- Trẻ dị dạng bẩm sinh, bất thường thể nhiễm sắc thì dễ bị dị dạng ở các lần sau.
- Tiền sử bị đình chỉ thai nghén thì lần có thai này cũng dễ bị nguy cơ đó. Chẳng hạnnhư tiền sử đình chỉ thai nghén do tiền sản giật nặng thì thai lần này cũng dễ bị nhưvậy.
- Tiền sử phẫu thuật lấy thai dễ có nguy cơ phẫu thuật lại hoặc tiền sử đẻ forceps, giác kéo… dễ bị can thiệp lại ở lần có thai này.
- Các lần đẻ quá gần hoặc quá xa nhau.
Những dấu hiệu nguy hiểm
Chảy máu trong nửa đầu thai kỳ: nguy cơ dọa sẩy thai, sẩy thai, thai ngoài tử cung, chửa trứng.
Chảy máu trong nửa cuối thai kỳ và trong chuyển dạ: nguy cơ rau tiền đạo, rau bong non, dọa vỡ tử cung, vỡ tử cung, rách (chấn thương) đường sinh dục, máu tụ đường sinh dục, sót rau, lộn tử cung, rối loạn đông máu
Choáng sản khoa: choáng do mất máu hoặc do nhiễm khuẩn.
Tăng huyết áp, đau đầu tăng, chóng mặt, nhìn mờ, hoa mắt, đau vùng thượng vị, phù phổi, có cơn giật: nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật và sản giật
Thai quá ngày sinh
Vỡ ối khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ
Sa dây rốn
Không nghe thấy tim thai, thai không hoạt động
Nhiễm HIV khi có thai
Tím tái, khó thở: nguy cơ thiếu máu nặng, suy tim, hen, viêm phổi, phù phổi cấp
Da lạnh ẩm ướt, mạnh nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc tăng cao: nguy cơ choáng (chảy máu, nhiễm khuẩn), tăng huyết áp, tiền sản giật nặng…
Hôn mê hoặc co giật: nguy cơ sản giật, sốt rét, động kinh, uốn ván, viêm não – màng não
Sốt cao: nguy cơ sẩy thai nhiễm khuẩn, sót rau, nhiễm khuẩn ối, nhiễm khuẩn hậu sản, các nhiễm khuẩn toàn thân khác: viêm não – màng não, thương hàn, viêm phổi, sốt rét, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn vú
Đau bụng dữ dội: nguy cơ u buồng trứng xoắn, viêm ruột thừa, sỏi tiết niệu, viêm thận – bể thận, thai ngoài tử cung vỡ, doạ sẩy và sẩy, chuyển dạ đẻ, nhiễm khuẩn ối, rau bong non, doạ vỡ tử cung, các bệnh ngoại khoa khác ở bụng.
Chuẩn bị sắp sinh
Chuẩn bị sẵn sàng các đồ dùng cần thiết cho cuộc sinh.
Đến gần ngày dự kiến sinh, không nên đi đâu xa. Nên đi khám thai lần cuối để nhận được chỉ dẫn cần thiết. Nên bàn bạc trước với chồng và người thân trong gia đình, thu xếp công việc sao cho thuận lợi chu đáo. Chuẩn bị sẵn phương tiện đi lại khi cuộc chuyển dạ diễn ra đột ngột, ngay cả về ban đêm để khỏi lúng túng bị động.
Cẩn thận với các dấu hiệu cần đi khám ngay như: sốt, ra máu, ra nước ối, nhức đầu, hoa mắt, thai đạp yếu…
Thai phụ có sẹo mổ ở tử cung cần được đến bệnh viện trước ngày dự kiến đẻ một tuần đến 10 ngày để tránh tai biến.
Để cùng thức ăn hàng ngày cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết cho cơ thể, bà bầu có thể tham khảo sử dụng thuốc PM Procare và PM Procare Diamond mỗi ngày. Với thành phần gồm 18 dưỡng chất thiết yếu ở liều lương phù hợp, bổ sung PM Procare/PM Procare diamond mỗi ngày sẽ giúp bạn có một thai kỳ bình thường và mạnh khỏe.
Theo tài liệu Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – Bộ Y tế
5 thoughts on “Cách chăm sóc bà bầu chi tiết và đầy đủ nhất”
Sao 2 chân của em bị teo lại
Chào bạn Ngọc,
Bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám cụ thể nhé!
Chúc bạn thai kỳ khỏe mạnh,
Noi dg
E cần tư vấn
Chào bạn,
Vui lòng để ý điện thoại, nhân viên tư vấn sẽ liên lạc với bạn trong thời gian sớm nhất.
Thân ái,