Táo bón là một trong những tác dụng phụ phổ biến khi uống thuốc sắt cho bà bầu. Nếu thấy các dấu hiệu như đi đại tiện dưới 3 lần/tuần, phân khô cứng, khó đi thì có thể bạn đã bị táo bón. Vậy bà bầu nên bổ sung sắt thế nào để không bị táo bón?
[toc]
Tại sao bà bầu bị táo bón khi uống thuốc bổ sung sắt
Táo bón bà bầu gặp phải khi bổ sung sắt thường do hai nguyên nhân chính:
- Để hấp thụ được những khoáng chất trong một số loại sắt, cơ thể cần cung cấp một lượng nước lớn nhưng bà bầu lại không uống đủ số nước cần thiết.
- Do thành phần các khoáng chất có trong loại sắt mẹ đang uống không hấp thu được vào cơ thể. Lượng khoáng chất đấy phải thải ra ngoài và vô tình trở thành gánh nặng của hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ bị táo bón.
Bên cạnh đấy, táo bón cũng là triệu chứng trong thai kỳ mẹ bầu thường gặp do sự thay đổi hormone trong cơ thể và trọng lượng thai nhi ngày càng phát triển to. Những yếu tố trên gây cản trở việc đào thải các chất cặn bã ra ngoài qua hậu môn dẫn đến dễ bị táo bón.
Xem thêm:
Bà bầu nên bổ sung sắt thế nào để không bị táo bón?
Không thể vì ngại bị táo bón mà không tiếp tục bổ sung sắt, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu. Cách tốt nhất mẹ bầu cần làm là chọn loại sắt tốt, ít gây tác dụng phụ. Và điều quan trọng là cần tính toán để bổ sung sắt ở liều lượng vừa đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể mà thôi.
Sắt có khá nhiều trong thực phẩm. Để việc bổ sung sắt có hiệu quả và hạn chế tác dụng không mong muốn do thuốc bổ sung sắt có thể gây ra thì trước tiên mẹ bầu cần lưu ý bổ sung sắt từ chế độ ăn hàng ngày. Các thực phẩm giàu sắt có thể kể tới như: gan động vật, tiết, tim, các loại thịt đỏ, rau có màu xanh thẫm…
Sắt sẽ được hấp thu tốt hơn khi được bổ sung cùng các thực phẩm chứa nhiều Vitamin C như: cam, quýt, bưởi, ổi… Nên hạn chế các loại trà: trà xanh, trà thảo mộc… để sắt không bị giảm hấp thu.
Chỉ bổ sung sắt từ thuốc khi chế độ ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chỉ bổ sung sắt ở liều tối thiểu mà thôi. Bổ sung sắt ở liều càng cao sẽ càng gia tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng không mong muốn cho người sử dụng. Táo bón khi uống thuốc chính là một trong các biểu hiện thường gặp của tình trạng bổ sung sắt liều cao.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, phụ nữ mang thai bình thường chỉ cần bổ sung khoảng 27-30mg sắt nguyên tố/ngày là đủ (bao gồm từ thức ăn và thuốc bổ sung).
Nếu có chế độ ăn uống tốt, có thể ăn được 1-2 lạng thịt cá cùng rau củ/ngày thì mẹ bầu chỉ cần bổ sung sắt ở liều lượng cơ bản khoảng 5mg sắt nguyên tố/ngày là đủ. Ngược lại, nếu chế độ ăn uống chưa được tốt thì bạn có thể bổ sung sắt ở liều lượng cao hơn, nên bổ sung sắt ở mức liều đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu bình thường (khoảng 20-25mg sắt nguyên tố/ngày) là đủ. Phần còn lại thức ăn hàng ngày sẽ dễ dàng cung cấp đủ.
Chỉ bổ sung sắt liều cao hơn khuyến cáo khi kết quả xét nghiệm cho thấy bạn thực sự có thiếu máu thiếu sắt bệnh lý. Và khi đó cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị trực tiếp.
Ngoài ra, bà bầu cũng cần tập luyện thể dục nhẹ nhàng thường xuyên; uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau củ, ăn sữa chua hàng ngày và bổ sung thêm men vi sinh cũng góp phần cải thiện tình trạng táo bón rất tốt.
Xem thêm:
Cách điều trị táo bón cho bà bầu không cần dùng thuốc
Bên cạnh việc thay đổi cách bổ sung sắt, để giảm táo bón thai kỳ mẹ cần để ý những việc dưới đây:
Mẹ bầu nên tăng cường bổ sung chất xơ, ăn nhiều đậu, cám, ngũ cốc nguyên cám, trái cây tươi và rau xanh.
Một số loại thực phẩm giúp giảm táo bón
- Trái cây: mâm xôi, kiwi, táo, chuối, nho, mơ, vv
- Rau: Các loại rau có lá xanh như rau cải xoăn, cải bó xôi
- Các loại củ: khoai lang, cà rốt, vv
- Các loại quả sấy khô: mận khô (nước ép mận khô rất tốt cho đường tiêu hóa), hạnh nhân
- Ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, gạo nâu, mì, đậu lăng.
Uống nhiều chất lỏng, có thể là: nước lọc, các loại canh, nước hoa quả, sữa, vv. Mỗi ngày nên bổ sung ít nhất 1,5 lít chất lỏng vào cơ thể. Nên uống một cốc nước chanh ấm mỗi buổi sáng ngủ dậy, trước khi ăn. Mỗi buổi tối thì nên uống 1 cốc sữa ấm trước khi đi ngủ để giúp cơ thể bài tiết các chất cặn bã dễ dàng hơn.
Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng khi mang thai như đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp, yoga hoặc tham gia các lớp tập thể dục cho bà bầu. Các bài tập này giúp tăng cường vận chuyển của ruột, hỗ trợ điều trị táo bón hiệu quả.
Cố gắng đi nhà vệ sinh vào buổi sáng hoặc khoảng 30 phút sau bữa ăn, vì đây là thời điểm dễ dàng đi vệ sinh. Đi vệ sinh ngay khi cơ thể giục cần phải đi, không nhịn đi vệ sinh trong thời gian dài. Tư thế ngồi xổm tốt hơn cho việc đi tiêu, mẹ bầu nên sử dụng một chiếc ghế để kê dưới chân hoặc ngồi nhón chân để tạo tư thế ngồi xổm
Nếu đã thực hiện tất cả các phương pháp không dùng thuốc trên mà bà bầu bị táo bón vẫn chưa giảm, mẹ bầu có thể dùng thuốc để điều trị táo bón nhưng cần theo sự chỉ định của bác sĩ.
Theo Bác sĩ Lê Thị Hải