Độ tuổi làm mẹ tốt nhất là độ tuổi phụ nữ có khả năng sinh sản tốt, vững vàng về kiến thức, định hình về tính cách, ổn định tâm lý, tự tin vào bản thân và độc lập về tài chính. Độ tuổi mang thai tốt nhất trung bình khoảng 22 – 33 tuổi.
[toc]
Không nên mang thai khi quá trẻ dưới 18 tuổi. Phụ nữ còn rất trẻ mà mang thai thì cơ thể chưa phát triển đầy đủ và cũng chưa sẵn sàng về cả mặt tâm lý lẫn sinh lý khi mang thai sẽ dễ dẫn đến sẩy thai hoặc các hiện tượng khác như thai yếu, sinh non…
Ngược lại phụ nữ với độ tuổi trên 35 khả năng mang thai giảm so với độ tuối dưới 30, và nguy cơ trẻ bệnh down cũng như các hiện tượng đột biến gene cũng tăng cao. Tỉ lệ này là 1/400 đối với độ tuổi 35 và sẽ dần tăng lên mức 1/109 ở các bà mẹ sinh con khi ở tuổi 40. Khi ở tuổi 45, nguy cơ này là 1/32 (so với tỉ lệ 1/1.500 ở tuổi 25). Ngoài ra có thể gặp các nguy cơ khác như các dị tật, bệnh bẩm sinh do sự biến đổi gien.
Chăm sóc sức khỏe để sinh con khỏe mạnh
Bên cạnh tuổi tác, người phụ nữ cần có sức khỏe tốt thì thai kỳ phát triển tốt, trẻ sinh ra được khỏe mạnh thông minh. Trước khi mang thai cần kiểm tra sức khỏe tổng quát. Những bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu … cần được điều trị ổn định trước khi mang thai.
Cần điều trị các bệnh phụ khoa như u buồng trứng, viêm sinh dục… trước khi mang thai để tránh những nguy cơ trên thai kỳ như sẩy thai nhiễm trùng bào thai, nhiễm trùng sơ sinh.
Cân nặng trước khi mang thai cũng cần quan tâm. Những phụ nữ quá gầy (BMI < 18) thường sinh non, sinh trẻ nhẹ cân. Những phụ nữ nặng cân dễ bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật.
Vì sao cần chuẩn bị trước khi mang thai?
Sự thụ thai thường xảy ra vào thời điểm 2 tuần trước thời gian dự định có kinh lần tới (ví dụ: Bạn thường có kinh vào khoảng ngày 4 hàng tháng, đến ngày 8 tháng này bạn vẫn chưa thấy kinh, có nghĩa là bạn đã trễ kinh 4 ngày. Nếu bạn có thai, thời gian thụ thai đã xảy ra vào khoảng 18 ngày trước đó (14 ngày + 4 ngày trễ kinh) là vào ngày 20 tháng trước). Điều này có nghĩa là bạn không biết rằng mình mang thai cho đến khi thai đã được gần 3 tuần tuổi.
Các bất thường cho thai thường xảy ra vào khoảng tuần tuổi thứ 2 đến tuần thứ 8. Giai đoạn này là giai đoạn hình thành những cơ quan bên ngoài và các nội tạng bên trong như tim và thận. Bất kỳ những gì ăn, uống vào cơ thể, hoặc hút thuốc lá, rượu bia hoặc tiếp xúc các chất bị nhiễm từ môi trường cũng đều có thể ảnh hưởng đến thai.
Đó là lý do tại sao bạn cần phải chuẩn bị trước khi quyết định mang thai.
Khi bạn đang trong giai đoạn “mong con”, bạn nên thông báo cho bác sĩ biết dự định này của mình, dù bạn đi khám vì bất cứ một bệnh nào, hoặc chỉ là khám kiểm tra sức khỏe. Như thế khi kê toa, bác sĩ sẽ lựa chọn những thuốc an toàn cho thai nhi, hoặc có biện pháp che chắn vùng bụng dưới cho bạn nếu cần thực hiện chiếu/chụp X quang.
Phải thay đổi một số thói quen không tốt trước khi mang thai
Thuốc lá, rượu bia hay các chất có cồn gây ra những nguy hại cho trẻ hoặc thậm chí gây sẩy thai. Nếu bạn bị nghiện, nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cách cai nghiện.
Nghiện thuốc lá : Thuốc lá có thể gây sẩy thai, chảy máu, sanh non hay trẻ nhẹ cân. Thuốc lá có liên quan đến hội chứng tử vong đột ngột ở thai nhi (SIDS). Những bé sinh ra từ thai phụ nghiện thuốc lá thường có chỉ số IQ thấp và cơ địa kém phát triển hơn những trẻ bình thường khác.
Nghiện rượu: Thai phụ nghiện rượu có nguy cơ sinh con bị hội chứng thai nhi nghiện rượu nghiện rượu (Fetal Alcohol Syndrome- FAS). Hội chứng này gây ra các hậu quả nghiêm trọng như chậm phát triển về trí não, kém phát triển về thể chất, khiếm khuyết ở mặt và kích thước đầu nhỏ.
Các thuốc gây nghiện: Ma túy, thuốc phiện hay các thuốc gây nghiện làm tăng nguy cơ sẩy thai, sanh non và các dị dạng bẩm sinh. Bé sinh ra có thể bị nghiện các chất mà thai phụ đã bị nghiện.
Muốn có đứa con khỏe mạnh sau này, cả hai vợ chồng đều hãy tránh xa rượu, thuốc lá. Nếu như muốn có con ngay, người chồng tránh gần gũi vợ khi vừa ăn no hay đang say xỉn.
Ảnh hưởng của công việc và môi trường lên thai nhi
Một số công việc độc hại và ô nhiễm môi trường sống gây ra các tác hại cho thai nhi. Các tác nhân gây hại bao gồm các loại sóng âm (nhà ở gần sân bay, các vùng lân cận các lò hạt nhân, …), các kim loại nặng như chì, đồng và thủy ngân, disulfit carbon, acid và các loại khí gây mê.
Sóng phát ra từ màn hình máy vi tính dường như không nguy hiểm cho thai nhi.
Cần trao đổi với bác sĩ về môi trường nơi làm việc và nơi sinh sống để bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra các yếu tố nguy cơ và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh. Đôi khi bạn cần phải chuyển nơi sinh sống hoặc tạm lánh đi nơi khác trong thời gian mang thai.
Tác hại của thuốc trong thai kỳ
Bất kỳ các thuốc nào cũng có thể gây tác hại cho thai nhi. Hỏi ý kiền của bác sĩ trước khi uống thuốc.
Trao đổi với bác sĩ về các thuốc buộc phải uống như thuốc điều trị hen suyển, động kinh, bệnh ở tuyến giáp hay chứng đau nửa đầu để bác sĩ có những lời khuyên hoặc đổi thuốc nếu cần thiết.
Những xét nghiệm trong quá trình mang thai
Bạn có thể được thực hiện một số xét nghiệm tìm ra các nguyên nhân đã được xác định gây hại cho thai nhi. Một số thực hiện trước khi mang thai, một số thực hiện trong lúc mang thai. Dưới đây giới thiệu một số xét nghiệm trước khi mang thai:
Đối với bệnh Sởi: nếu bạn không biết mình đã bị sởi hay đã tiêm chủng sởi hay chưa thì xét nghiệm máu có thể trả lời giúp bạn. Nhiễm sởi trong lúc mang thai rất nguy hiểm cho thai nhi. Bạn cần chủng ngừa sởi trước khi mang thai.
Đối với các bệnh lây lan qua đường tình dục: như lậu, giang mai, chlamydia và AIDS không những gây hại cho bạn mà còn ảnh hưởng đến cả thai nhi. Cần chẩn đoán và điều trị những bệnh này trước khi mang thai.
Với các bệnh lý khác: bác sĩ sẽ thăm khám và phát hiện những yếu tố nguy cơ có thể gây hại cho bạn và bé. Tùy vào nhận định của bác sĩ, bạn sẽ được thực hiện một vài xét nghiệm khác như tìm viêm gan siêu vi, thiếu máu hay suy dinh dưỡng.
Tiểu đường, cao huyết áp hay các bất thường nào ở hệ tuần hoàn (như suy tim, bệnh tim bẩm sinh, …) cần được điều trị tích cực trước khi mang thai và phải theo dõi sát sao trong suốt thai kỳ. Phải đảm bảo được rằng các bệnh này đã được kiểm soát ổn định trước khi mang thai.
Một số gen bất thường lưu hành trong gia tộc có thể tiếp tục truyền lại cho bé. Những bệnh như u sợi, thiếu máu tế bào hình liềm đã được xác định do di truyền.
Bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tầm soát các bệnh lý di truyền này.
Tiêm ngừa trước khi mang thai
Khi mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu người mẹ bị nhiễm Rubella, thủy đậu, quai bị… thai nhi có nguy cơ dị tật bẩm sinh. Đặc biệt là Rubella, nếu mẹ nhiễm trong 3 tháng đầu, thai nhi có nguy cơ bị Rubella bác sĩ đến 90%. Mẹ bị Viêm gan siêu vi, thai nhi có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó người mẹ cần tiêm 1 số vaccin cần thiết trước khi mang thai.
1. MMR: ngừa quai bị , sởi và rubella (Virus giảm độc lực)
Lịch tiêm MMR như sau:
– Trẻ em: Liều đầu khi trẻ được 12 – 15 tháng tuổi, liều nhắc lại khi trẻ 4 – 6 tuổi.
– Đối với người lớn chưa tiêm, nên tiêm khi chưa lập gia đình. Nhắc lại sau 1 tháng.
– Khi đã lập gia đình rồi nên tiêm 1 mũi sau đó 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng hãy để có thai.
– Nếu đã sinh con mà chưa tiêm ngừa thì nên tiêm ngay sau sinh (trong vòng 1 tháng sau sinh, càng sớm càng tốt)
2. Vaccin ngừa thủy đậu (Virus giảm độc lực)
– Trẻ em từ 12 – 18 tháng tuổi tiêm 1 liều.
– Người > 13 tuổi chưa mắc bệnh thủy đậu nên tiêm 2 liều vaccin cách nhau 4 – 8 tuần.
– Người đã mắc bệnh thủy đậu không cần tiêm ngừa.
Những người không nên tiêm ngừa:
– Dị ứng với Gelatin hoăc các thành phần của thuốc.
– Người đang mang thai hoặc đang canh thai.
– Suy giảm miễn dịch mắc phải, dùng liều cao steroids, đang hóa trị liệu trong ung thư.
3. Vắc-xin Viêm gan siêu vi B (chứa protein vỏ bao virus)
– 3 mũi tiêm (0, 1, 6)
Dinh dưỡng thế nào trước khi mang thai?
Chất dinh dưỡng của thai nhi trở thành một vấn đề ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học bởi nếu thai nhi bị thiếu chất dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây ra một số căn bệnh thường gặp ở người lớn. Ngày nay có nhiều công trình nghiên cứu mang tầm vóc lớn đã đưa ra những phương pháp giúp con người biết cách phòng ngừa các căn bệnh thường gặp đó trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất và có hiệu quả nhất.
Tất cả những thức ăn bạn ăn đều nuôi dưỡng bé. Những thức ăn nhanh như khoai tây chiên, các loại nước uống có gas và đường hóa học không phải là thức ăn dinh dưỡng cho bé. Bạn cần phải thay đổi khẩu phần ăn nếu bạn đang áp dụng chế độ ăn chay trường hay chế độ ăn để giảm cân.
Trao đổi với bác sĩ trước khi bạn muốn uống các loại thuốc vitamin và khoáng chất. Một vài loại này gây hại đến thai ví dụ như vitamin A liều cao.
1. Ăn đủ chất
Nên ăn nhiều thức ăn giàu đạm, bao gồm đạm động vật như gia cầm, trứng, cá thịt… và đạm thực vật lấy từ cây họ đậu. Chất đạm chứa nhiều loại axit amin rất cần cho hoạt động của cơ thể, chúng tham gia vào việc tổ chức tế bào, trong đó có bộ phận sinh dục.
Các loại củ cải đường, rau cần, dưa hấu, mía, ớt, cà chua, cà tím, đều chứa vitamin A, các loại rau xanh, hoa quả chứa nhiều vitamin C.
Bạn cũng đừng quên ăn rau quả tươi. Nên uống nhiều nước ngay cả khi không thấy khát. Uống nhiều nước giúp bạn đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, làm tăng quá trình trao đổi chất và giữ nét tươi tắn cho làn da. Nước quả còn là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất rất tốt cho cơ thể.
2. Bổ sung các dưỡng chất quan trọng
Axit folic là vitamin đặc biệt cần thiết cho phụ nữ mang thai và việc bổ sung vitamin này cần được tiến hành trước khi chuẩn bị có thai. Thiếu axít folic là một hiện tượng thường thấy ở phụ nữ, nhất là đối với những phụ nữ gầy gò, mảnh mai. Loại vitamin B9 này đóng vai trò chủ chốt đảm bảo cho quá trình phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Chính vì vậy, nếu thiếu axít folic trong giai đoạn thụ thai hay trong những ngày đầu mang thai, sẽ có nguy cơ làm chậm quá trình tăng trưởng của thai nhi hoặc gây những dị tật nghiêm trọng như nứt đốt sống, dị dạng não. Theo khuyến nghị, bạn nên bổ sung 400mcg axit folic/ngày và luôn thêm các thực phẩm giàu folate trong chế độ ăn hằng ngày. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh thai nhi. Bạn có thể uống axit folic trước khi thụ thai khoảng 12 tuần.
Omega-3 là chất không thể thiếu trong suốt quá trình mang bầu và cả trước đó nữa. Đặc biệt, nó không thể thiếu trong quá trình phát triển trí não của trẻ. Khi omega-3 trong cơ thể ít sẽ kéo theo nguy cơ sinh non và trẻ sinh thiếu cân. Chính vì thế, các bà mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ omega-3 trước khi mang thai. Dầu thực vật và các loại cá như cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá mòi… là những thực phẩm giúp cung cấp omega-3.
Chú ý đặc biệt đến thực phẩm giàu canxi và các vi chất khác như magiê, kẽm cũng cần bổ sung đầy đủ. Việc cung cấp các thực phẩm giàu canxi giúp cho thai nhi đạt được chiều cao tối đa khi sinh ra và là nền tảng cho trẻ phát triển chiều cao, hệ xương, răng tốt. Mặt khác, cơ thể người mẹ chuẩn bị không bị thiếu hụt canxi trong quá trình mang thai và sau sinh, phòng được chứng hạ canxi huyết và loãng xương sau này. Sữa và các thức ăn giàu canxi như tôm, cua, trứng… nên được chú ý sử dụng.
3. Có nên uống các vitamin tan trong dầu trước khi có thai?
Các loại vitamin và khoáng chất luôn rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, có những loại vitamin không bao giờ nên tự uống và có những loại bạn có thể uống trước khi quyết định có bầu 3 tháng.
Các vitamin A, D, E và K đều tan được trong chất béo và vì thế cơ thể cũng thường dự trữ các vi chất này. Việc uống một liều lớn vitamin này trong một giai đoạn dài có thể gây ngộ độc cơ thể.
Có 2 loại vitamin A. Loại đầu tiên là từ các động vật như thịt, cá và các thực phẩm từ sữa và được biết tới dưới cái tên retinol. Loại vitamin A còn lại là từ thực vật như cà rốt, rau xanh và được gọi là caroten.
Uống quá liều tiền vitamin A có nguồn gốc động vật (retinol) sẽ rất có hại cho sự phát triển của thai nhi. Vì thế, bạn nên tránh tất cả các loại vitamin hay các loại dầu gan cá có chứa lượng tiền vitamin A nhiều hơn khuyến nghị cho phép hằng ngày (750mcg/ngày)..
Có rất nhiều loại dầu cá được chiết xuất từ thân cá chứ không phải gan cá và được cho là an toàn bởi vì chúng không có hàm lượng retinol quá cao. Chúng cũng cung cấp các axit béo cơ bản, giúp giảm nguy cơ sinh non và phát triển não bộ cũng như võng mạc của thai nhi.
Điều quan trọng cần nhớ là bạn nên hạn chế uống vitamin liều cao trong khi mang thai và không uống các loại vitamin mà cơ thể có thể tích lũy được. Nếu uống các vitamin bổ sung nên uống các loại dành riêng cho bà bầu và có lượng vi chất thấp hơn mức khuyến nghị.
Vitamin bổ sung sẽ rất hữu ích khi bạn dùng đúng nhưng không có nghĩa là có thể thay thế chế độ dinh dưỡng.
Ngoài ra, bạn nên tích cực ra nắng sớm để cơ thể sản xuất vitamin D, giúp canxi hấp thụ tốt hơn.
Nếu bạn “quá khổ” trước khi mang thai thì các nguy cơ như cao huyết áp và tiểu đường có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong thai kỳ. Các triệu chứng tiền sản giật và sản giật thường xuất hiện ở những phụ nữ quá trọng. Những dấu hiệu này nguy hiểm cho bạn và bé trong lúc sanh. Do vậy, cần dành thời gian để kiểm soát lại trọng lượng “hơi béo một tí” của mình trước khi muốn mang thai.
Tập thể dục đều đặn rất tốt cho quá trình mang thai và khi “lâm bồn”. Tập thể dục ở cường độ vừa phải thì có lợi nhưng quá mức có thể gây ra sảy thai.
Nên tập thói quen này trước khi muốn mang thai nếu bạn thuộc tuýp người “ít vận động”. Duy trì chế độ tập thể dục nhẹ nhàng trong suốt quá trình mang thai. Đi bộ hàng ngày là một phương pháp đơn giản và hiệu quả.
Bạn nên trao đổi với bác sĩ về các loại hình thể dục và kế hoạch tập thể dục của bạn.
Chuẩn bị tài chính:
– Có nghề nghiệp, thu nhập ổn định.
– Nơi ở ổn định.
Chuẩn bị làm mẹ:
Tìm hiểu thông tin qua sách báo, đài, internet:
– Chăm sóc thai kỳ.
– Mang thai.
– Sinh nở.
– Nuôi dạy con.
Tham gia các lớp học tiền hôn nhân và tiền thai.
Theo TS BS Lê Thị Thu Hà – Bệnh viện Từ Dũ