Đau vai gáy có thể xảy ra ở bất kì thời điểm nào khi phụ nữ mang thai, nhưng phổ biến nhất là vào tam cá nguyệt thứ ba. Vì sao phụ nữ khi mang thai lại bị đau vai gáy và nên làm gì để hạn chế tình trạng này?
[toc ol=”1″]
Nguyên nhân gây đau vai gáy khi mang thai
Do thay đổi hormone khi mang thai
Khi người phụ nữ mang thai và sắp đến ngày sinh nở, nhiều hormone được tiết ra để giúp giãn dây chằng, cơ, khớp khắp cơ thể. Sự thay đổi này giúp cho việc chuyển dạ được dễ dàng hơn. Kết hợp với sự thả lỏng này là trọng lượng của bụng và sự thay đổi của cột sống khi có bầu. Tất cả những điều này gây ra sự tình trạng đau xương khớp, vai gáy và đau lưng dưới khi mang thai. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong tư thế cũng có thể gây ra tình trạng đau.
Do ít hoạt động thể chất
Trong suốt thời gian thai kì, khi cân nặng của người mẹ dần tăng lên, kéo theo khả năng vận động giảm. Tập thể dục và các hoạt động thể chất nặng cũng sẽ không an toàn cho cả mẹ và em bé đang lớn. Việc ít hoạt động thể chất này có thể gây ra một số tác động bất lợi cho cơ bắp và hệ thống xương khớp, cơ có thể bị teo đi từ từ và xương khớp trở nên cứng, kém linh hoạt hơn. Điều này có thể dẫn đến đau nhức vai gáy.
Do sự thay đổi của cột sống
Cột sống của bạn có một độ cong sinh lý tự nhiên, nhưng khi mang thai, độ cong này sẽ càng tăng lên. Để nhường chỗ cho em bé, các đốt sống quanh lưng dưới phải di chuyển đáng kể, kéo theo sự thay đổi của cả cột sống. Điều này gây nhiều áp lực cho các cơ ở xung quanh cột sống như cơ lưng dưới, cơ vai gáy, cổ, từ đó dẫn đến tình trạng đau lưng dưới, đau vai gáy cổ khi mang thai.
Do cân nặng
Khi em bé dần lớn lên, kèm theo sự tăng cân của mẹ cũng có thể gây ra đau xương bả vai, gáy cổ trong tam cá nguyệt thứ hai. Cơn đau thường bắt đầu từ vùng lưng dưới và lan lên cơ lưng, vai.
Do tư thế ngủ khi mang thai
Khi mang thai, hầu hết phụ nữ đều ngủ nghiêng một bên. Khi ngủ ở tư thế này trong thời gian dài, cổ và vùng vai gáy phải chịu rất nhiều áp lực, hậu quả là dẫn tới tình trạng đau cổ vai gáy khi ngủ dậy.
Do căng thẳng tinh thần
Khi mẹ bị đau vai gáy kết hợp với tình trạng căng cứng ở vai, đáy hộp sọ, đau đầu và đau nửa đầu thì nguyên nhân có thể là do căng thẳng tinh thần.
Do nguyên nhân bệnh lý
Đau vai gáy khi mang thai thường là vấn đề bình thường khi mang thai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó cũng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề nguy hiểm, như:
- Mang thai ngoài tử cung. Đây là tình trạng phôi thai phát triển trong ống dẫn trứng hoặc cổ tử cung thay vì tử cung. Đây là tình trạng cần can thiệp y tế ngay lập tức. Mang thai ngoài tử cung đặc trưng bởi những cơn đau nhói, sắc nét bắt đầu ở bụng và có thể lan ra vai gáy, lưng.
- Sỏi mật. Sỏi mật là những viên sỏi nhỏ, thường được tạo thành từ cholesterol hoặc canxi trong túi mật. Sỏi mật thường gặp hơn khi mang thai do sự giảm nhu động túi mật và tăng độ bão hòa cholesterol của mật. Triệu chứng của sỏi mật là gây ra cảm giác đau nhói ở vùng bụng và lan ra lưng, vai. Bệnh sỏi mật trong thời kỳ mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh non, bệnh tật ở mẹ và khả năng lây nhiễm cũng như tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh.
- Bệnh tiêu hóa. Đôi khi, đau vai gáy có thể do các vấn đề về dạ dày như táo bón, chướng bụng, đầy hơi và loét dạ dày. Các cơn đau này thường bắt đầu ở vùng dạ dày rồi lan ra vai gáy.
- Hội chứng tiền sản giật. Nếu mẹ bầu bị đau vai phải dữ dội thì đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ đặc trưng bởi huyết áp cao và các dấu hiệu tổn thương hệ thống cơ quan khác, thường là gan và thận. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho cả bạn và con bạn.
Ngăn ngừa đau vai gáy khi mang thai
Ăn uống điều độ
Việc ăn uống điều độ và lành mạnh trong thai kì không chỉ giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh mà còn giúp mẹ hạn chế các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, dạ dày – là những nguyên nhân gây ra đau vái gáy khi mang thai.
Tránh tư thế xấu khi ngủ, đứng, ngồi và đi lại
Duy trì tư thế đứng trung lập. Khi đứng, bạn nên đứng thẳng người, ngực ưỡn cao, vai thả lỏng thoải mái, hai tay buông tự nhiên bên hông. Hai chân đứng giang rộng bằng vai để cho trọng lượng được phân bổ đều hai bên. Nếu bạn phải đứng tĩnh trong thời gian dài, hãy gác một chân lên một chiếc ghế con và đổi chân thường xuyên để thay đổi phân bổ trọng lượng.
Duy trì tư thế ngồi trung tính. Hãy sử dụng ghế có phần tựa hỗ trợ thắt lưng tốt hoặc mua gối hỗ trợ vùng thắt lưng. Khi ngồi không nên bắt chéo chân mà cần giữ bàn chân chạm sàn, hai bàn chân cách nhau một khoảng bằng vai. Nếu chân bạn không thể chạm sàn, hãy cân nhắc sử dụng ghế để kê dưới chân. Đảm bảo rằng ghế của bạn có chiều cao thích hợp, sao cho khi đặt chân lên phần hông ở vị trí xấp xỉ 90 độ, đầu gối không cao hơn hông. Bằng cách này, các cơ ở vai gáy cổ sẽ được hỗ trợ tốt khi ngồi, từ đó hạn chế tình trạng đau vai gáy.
Xây dựng tư thế ngủ tốt. Phụ nữ mang thai thường được khuyên ngủ nghiêng, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 2 và 3. Tuy nhiên, để tránh đau vai gáy ở tư thế ngủ này, bạn nên đặt một chiếc gối vào giữa hai đầu gối và dưới bụng để giúp duy trì tư thế tốt cho cột sống khi ngủ. Song song với đó, hãy sử dụng gối kê đầu với độ cao thích hợp để đảm bảo phù hợp với độ cong sinh lý của cổ. Nếu có điều kiện, bạn có thể xem xét mua các loại gối gọi là gối dành cho bà bầu.
Mặc áo ngực nâng đỡ tốt và giày thoải mái
Việc sử dụng áo ngực nâng đỡ tốt, mang giày dép thoải mái và quần áo phù hợp có thể giúp giảm bớt một số khó chịu ở vai gáy. Bởi chúng sẽ giúp cho cột sống của bạn ở tư thế tốt hơn.
Tập Yoga trước khi sinh
Yoga là một trong những cách tuyệt vời để giữ gìn vóc dáng khi mang thai, và nó cũng mang lại nhiều lợi ích khác, chẳng hạn như giúp giảm đau vai gáy khi mang thai.
Để tìm ra tư thế yoga phù hợp nhất cho bạn, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước và tìm một lớp học yoga trước khi sinh với huấn luyện viên yoga đã có nhiều kinh nghiệm. Ngoài yoga, một số hoạt động thể chất hàng ngày khác, như đi bộ hoặc bơi lội cũng rất có lợi cho việc giảm đau.
Tuy nhiên cần nhớ rằng, luôn hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục mới nào trong thai kỳ.
Thực hiện vài động tác kéo giãn đơn giản hàng ngày
Một số bài tập giảm đau vai gáy dưới đây là cách hiệu quả giúp ngăn ngừa và giảm bớt các cơn đau mỏi vai gáy:
1. Bài tập giảm đau vai.
– Căng ngực ở ngưỡng cửa: Đứng trong khung cửa và đặt hai tay lên khung cửa sao cho ngang với vai, khuỷu tay tạo thành góc 90 độ. Đặt một chân lên phía trước rồi nhẹ nhàng đổ người về phía trước cho tới khi cảm thấy có một lực căng vừa phải ở trước ngực và sau vai. Giữ tư thế trong 30 giây và lặp lại 3-5 lần, thực hiện nhiều lần trong ngày.
– Thu hồi cơ ngực: Sau khi bạn đã kéo căng cơ ngực như động tác ở trên, hãy giữ cho cánh tay thả lỏng ở hai bên hông và nhẹ nhàng chụm hai bả vai lại với nhau, như thể bạn đang cố gắng giữ một cây bút chì giữa chúng. Giữ trong 5 giây và sau đó thư giãn. Lặp lại 20-30 lần, thực hiện nhiều lần trong ngày.
2. Bài tập giảm đau cổ, gáy:
– Xoay cổ. Ngồi thẳng trên sàn và nhìn về phía trước. Sau đó từ từ quay đầu sang bên trái hết mức có thể, giữ nguyên tư thế trong khoảng 15 giây. Sau đó, từ từ quay đầu về vị trí ban đầu. Tiếp tục quay đầu sang phải, giữ nguyên tư thế này khoảng 15 giây rồi từ từ quay đầu về vị trí ban đầu. Thực hiện mỗi bên 3-5 lần.
– Chin tuck. Ngồi thẳng lưng, mắt nhìn về phía trước, tai thẳng với vai. Đặt một ngón tay lên cằm rồi từ từ kéo cằm và đầu thẳng ra sau cho đến khi cảm thấy một lực căng ở gốc đầu và đỉnh cổ. Giữ tư thế trong 5 giầy rồi đưa cằm về phía trước. Thực hiện động tác 10 lần hoặc tùy theo mức độ bạn có thể làm.
Ban đầu, khi chưa quen với động tác này, bạn có thể lấy ngón tay làm điểm tham chiếu. Khi động tác đã trở nên thoải mái hơn, có thể không cần thiết phải giữ ngón tay lên cằm nữa.
Chườm nóng hoặc lạnh
Nếu bạn bị đau vai gáy khi mang, chườm nóng hoặc lạnh cũng là một trong những cách giúp giảm đau hiệu quả.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng không nên chườm quá 15 phút mỗi lần và đảm bảo phải có lớp đệm thích hợp giữa da và túi chườm để tránh bị bỏng hoặc kích ứng da.
Mát-xa
Mát-xa cũng là một trong những cách giúp giảm đau vai gáy khi mang thai hiệu quả. Bạn có thể nhờ chồng hoặc người thân xoa bóp nhẹ nhàng khu vực vai gáy hoặc tìm tới một số trung tâm mát-xa dịch vụ chuyên nghiệp trước khi sinh.
Bạn cũng có thể nói chuyện với bác sĩ của mình về việc sử dụng vật lý trị liệu . Chuyên gia vật lý trị liệu có thể đánh giá để xác định chính xác các yếu tố cụ thể góp phần gây ra chứng đau vai gáy của bạn, từ đó thiết kế một chương trình tập cá nhân hóa để giải quyết các nguyên nhân của bạn, giúp bạn giảm đau hiệu quả hơn.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Mặc dù hầu hết các cơn đau vai gáy khi mang thai là bình thường, nhưng trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế nghiêm trọng.
Vì thế, bạn nên đi khám bác sĩ, nếu:
- Cơn đau vai gáy không thuyên giảm khi đã thực hiện các cách trên
- Cơn đau đi kèm với đau đầu, tê hoặc ngứa ran
- Cơn đau lan xuống cánh tay hoặc chân
Bạn cần cấp cứu, nếu:
- Có cơn đau vái gáy dữ dội
- Yếu cánh tay hoặc chân, khó đi lại, cầm nắm
- Sốt cao
Kết luận
Cơ thể bạn đang thay đổi để thích ứng với điều kỳ diệu của việc sinh nở. Tuy nhiên điều này cũng có thể gây ra một số vấn đề như đau vai gáy, xương khớp,… Tuy nhiên đừng quá lo lắng, tình trạng đau mỏi này có thể được cải thiện bằng một số phương pháp đơn giản. Nếu nó không cải thiện, bạn nên liên hệ với bác sĩ.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc!