Tiêm phòng trong thời gian mang thai là vấn đề được nhiều bà bầu rất quan tâm, vì mức độ quan trọng và cần thiết không thể thay thể của tiêm chủng. Tiêm phòng cho bà bầu như một tấm lá chắn bảo vệ bà mẹ mang thai và em bé khỏi những bệnh nguy hiểm. Thông tin chi tiết về các mũi tiêm cho bà bầu và lịch tiêm phòng cho bà bầu xin được giới thiệu trong bài viết dưới đây.
Nếu tạm thời phân loại thì có hai loại vắcxin: vắcxin chứa virut hay vi khuẩn sống và vắcxin chứa virut đã bất hoạt hoặc kháng nguyên giảm độc lực. Những loại vắcxin nên tiêm trước thai kì thường là những vắcxin sản xuất từ virút hay vi khuẩn sống, các loại vắcxin này không được khuyến cáo trong thai kỳ, do có thể gây nguy hại và biến chứng lên thai nhi. Các vắcxin được sử dụng trong thai kỳ được sản xuất từ virút đã bất hoạt hoặc kháng nguyên giảm độc lực.
Các mũi tiêm khi chuẩn bị mang thai
Đây là các loại vắcxin được sản xuất từ virút hoặc vi khuẩn sống, vì vậy không được tiêm trong thai kỳ. Những phụ nữ muốn tiêm ngừa các loại vắcxin này cần ngừa thai tối thiểu trong 4 tuần.
Tiêm phòng Rubella (sởi Đức)
Nhiễm trùng Rubella trong thai kỳ có thể gây những dị tật bẩm sinh nặng và để lại những di chứng lâu dài hoặc thai lưu. Những phụ nữ chuẩn bị có thai có thể xét nghiệm kháng thể kháng Rubella trong máu. Nếu đã có kháng thể Rubella IgG trong máu, không cần tiêm ngừa nữa. Nếu chưa có kháng thể, có thể tiêm ngừa 1 mũi Rubella đơn độc hoặc tiêm kết hợp với sởi và quai bị (MMR: measles, mumps, rubella). Sau khi tiêm Rubella hoặc MMR, cần ngừa thai trong vòng 1 tháng hoặc lý tưởng hơn là thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ miễn dịch trước khi quyết định để có thai.
Tiêm phòng thủy đậu
Nhiễm thủy đậu trong thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn sớm của thai kỳ, có thể làm tăng nguy cơ thai bị dị tật bẩm sinh. Nhiễm thủy đậu vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho thai phụ như viêm phổi.
Nếu chưa từng tiêm ngừa thủy đậu trước đây, nhân viên y tế có thể xét nghiệm máu để xác định tình trạng miễn dịch với bệnh này. Nếu chưa có miễn dịch, có thể được tiêm ngừa thủy đậu và ngừa thai trong vòng 1 tháng sau tiêm.
Nếu người phụ nữ chưa có miễn dịch với thủy đậu và có tiếp xúc với người bệnh trong khi mang thai, khuyến cáo đến khám càng sớm càng tốt. Bệnh nhân có thể được tiêm huyết thanh chống thủy đậu (VariZIG: varicella zoster immune globulin) để giảm nguy cơ bị nhiễm và phát bệnh. VariZIG có thể được tiêm trong vòng 10 ngày sau tiếp xúc, nhưng tốt nhất là tiêm càng sớm càng tốt.
Tiêm phòng HPV – Văcxin ngừa ung thư cổ tử cung
Vắcxin ngừa HPV được khuyến cáo cho tất cả trẻ gái và phụ nữ không mang thai từ 9 – 26 tuổi. Văcxin này bao gồm 3 mũi, kéo dài trong 6 tháng và không thể tiếp tục nếu như bạn mang thai, vì tính an toàn của vắcxin chưa được nghiên cứu trên phụ nữ có thai.
Những thai phụ nào muốn tiêm ngừa những loại vắcxin trên có thể đợi đến sau khi sinh. Việc cho con bú không phải là chống chỉ định để tiêm những loại vắcxin này sau khi sinh.
Tiêm phòng viêm gan siêu vi B
Virus này có thể lây truyền thông qua máu và dịch cơ thể. Vì vậy, phụ nữ có thể dễ dàng mắc bệnh này mà không hề hay biết. Không chỉ họ mà người chồng cũng nên tiêm phòng viêm gan siêu vi B.
Bạn sẽ được tiêm 3 liều để tạo miễn dịch với bệnh, bảo vệ mẹ và bé trước lẫn sau khi sinh. Các liều thứ 2 và 3 được tiêm vào tháng thứ nhất và tháng thứ sáu sau liều thứ nhất.
Các mũi tiêm cho bà bầu
Tiêm phòng uốn ván
Trong quá trình mang thai 100% bà bầu cần phải tiêm phòng vắcxin uốn ván. Tiêm vắcxin phòng uốn ván có tác dụng cho cả mẹ (phòng bệnh uốn ván) và con khi sinh (phòng bệnh uốn ván rốn).
– Thai phụ hoàn toàn chưa được tiêm phòng uốn ván thì hẹn tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng và trước sinh ít nhất 15 ngày. Nếu thai phụ đến đăng ký sớm thì tiêm mũi đầu vào tháng thứ 4 hoặc 5 và mũi thứ hai sau đó 1 tháng.
– Thai phụ đã tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi trước đây thì hẹn tiêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5.
– Thai phụ khi còn nhỏ đã được tiêm chủng mở rộng 3 mũi bạch hầu, ho gà, uốn ván thì tiêm thêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5.
– Thai phụ đã được tiêm phòng 3-4 mũi uốn ván từ trước, lần tiêm cuối cùng đã trên 1 năm thì tiêm thêm 1 mũi nhắc lại.
– Thai phụ đã được tiêm 5 mũi uốn ván. Không cần tiêm bổ sung, vì với 5 mũi khả năng bảo vệ trên 95%. Nhưng nếu mũi thứ 5 đã trên 10 năm thì nên tiêm nhắc lại.
Như vậy, dù đã tiêm 4-5 mũi từ trước thì lần có thai sau đã quá 1 năm vẫn cần tiêm nhắc lại, bạn cần tiêm một mũi nữa. Thai nhi được 26 tuần tuổi là thời điểm thích hợp để tiêm vacxin này. Bạn có thể đến các trạm y tế phường để tiêm theo lịch của chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia.
Tiêm phòng Cúm (bất hoạt)
Tất cả phụ nữ sẽ mang thai (bất kỳ tháng nào) trong mùa cúm đều nên đi tiêm ngừa vắc-xin này để phòng bệnh trong suốt thai kỳ. Vắcxin từ virút cúm đã bất hoạt (Influenza IIV) được sử dụng trong thai kỳ. Chống chỉ định sử dụng vắcxin từ virút cúm sống (Influenza LAIV) trong thai kỳ. Những thai phụ mắc bệnh cúm có thể bị những bệnh lý rất nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến trẻ. Các biến chứng từ nhiễm cúm bao gồm: sinh non, trẻ nhẹ cân so với tuổi thai và tử vong. Thai phụ có thể tiêm ngừa cúm vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Ngoài ra, vì trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa thể tiêm ngừa cúm, những người chăm sóc trẻ cũng nên tiêm ngừa bệnh lý này. Tất cả mọi người đều có thể tiêm ngừa cúm mỗi năm để bảo vệ bản thân và gia đình.
Các mũi tiêm sau khi sinh
Các bác sĩ sản khoa có thể đề nghị bạn nên tiêm một số vắcxin ngay sau khi sinh. Tiêm phòng sau sinh sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi bị bệnh và bạn sẽ truyền một số kháng thể cho bé thông qua sữa mẹ. Tiêm phòng sau khi mang thai đặc biệt quan trọng nếu bạn không nhận được một số vắcxin trước hoặc trong khi mang thai.
Các mũi tiêm cho bà bầu cần có chỉ định của bác sĩ
Đối với một số trường hợp như bà bầu có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng cao, hoặc các tình huống đặc biệt khác cần phải tiêm thêm vắcxin, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại vắcxin như sau:
Viêm gan A – Viêm gan A là một virus có thể gây ra bệnh nặng ở phụ nữ có thai và có thể được truyền sang bào thai. Vắcxin không mang lại rủi ro nào cho sự phát triển của thai nhi nên được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai có nguy cơ bị bệnh.
Viêm gan B – Virus gây viêm gan B là một nhiễm trùng nghiêm trọng gây viêm gan. Vắcxin viêm gan B được khuyến cáo cho phụ nữ có thai có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B cao khi mang thai (ví dụ những phụ nữ chưa có kháng thể với virus gây viêm gan B ở cùng với người mắc bệnh viêm gan B) và cho phụ nữ chưa chủng ngừa trước đây bây giờ muốn trước khi mang thai.
Phế cầu là những vi khuẩn gây ra bệnh viêm phổi hàng đầu và một số bệnh nhiễm trùng khác, gồm viêm tai giữa và viêm màng não. Phụ nữ có nguy cơ cao nhiễm khuẩn phế cầu cần được chủng ngừa phế cầu. Lý tưởng nhất là nên chủng ngừa trước khi mang thai. Tuy nhiên, vắcxin phòng phế cầu dường như an toàn khi dùng trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba (không có đủ thông tin về sự an toàn của thuốc chủng trong tam cá nguyệt thứ nhất).
Các loại chủng ngừa khác : Các loại vắcxin chống lại một số bệnh nhiễm trùng khác như bệnh tả, viêm màng não cầu khuẩn, bệnh dại, viêm não Nhật Bản, thương hàn và viêm màng não do Haemophilus influenzae B. Bà bầu nên hỏi bác sĩ có thể xác định nguy cơ phơi nhiễm với những bệnh này và cân nhắc việc chỉ định để chích ngừa trong thai kỳ.
Lưu ý chung khi tiêm phòng cho bà bầu
Bạn cần thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn trong thời gian quy định cho từng loại vắcxin đã tiêm. Nếu bị vỡ kế hoạch cần tham khảo bác sĩ.
– Nên tiêm phòng trước khi mang thai.
– Khi mang đa thai hay thai có nguy cơ sinh non, bạn cần tiêm vắc – xin phòng uốn ván sớm hơn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tiêm thuốc hỗ trợ phổi cho bé nhé.
– Nếu trong thai kỳ, bà bầu bị sốt cao hay các bệnh khớp, thận thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng.
– Cần theo dõi cơ thể trong vòng 24 – 48h sau tiêm phòng.
Theo Bác sĩ Nguyễn Khánh Linh