Một sự cố nho nhỏ đó là sự ra kinh hàng tháng theo chu kỳ hay còn gọi những ngày “đèn đỏ”. Những ngày “đèn đỏ” như thế vẫn có thể dời qua những ngày khác mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
[toc]
Dẫu công việc có bộn bề vất vả, ai ai cũng cố gắng để trở về với gia đình trong những ngày Tết ấm cúng. Người thành phố về quê, thăm hỏi họ hàng nội ngoại, lễ bái gia tiên. Người ở nước ngoài thì về nước thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tìm hiểu cơ hội trở về quê hương góp sức dựng xây. Và đầu năm cũng không ít những chuyến xuất hành cầu tài, cầu lộc. Trên những chuyến hành trình ấy, không ít những phụ nữ có “sự cố nho nhỏ”, mặc dù không ảnh hưởng lớn nhưng sẽ tạo cảm giác mất đi niềm vui và niềm hân hoan chào đón năm mới. Một sự cố nho nhỏ đó là sự ra kinh hàng tháng theo chu kỳ hay còn gọi những ngày “đèn đỏ”. Những ngày “đèn đỏ” như thế vẫn có thể dời qua những ngày khác mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Chu kỳ kinh nguyệt hình thành như thế nào?
Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là sự ra huyết âm đạo hàng tháng do thay đổi nội tiết tố estrogen và progesteron. Mỗi chu kỳ kinh kéo dài trung bình 28 ngày và được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn tăng trưởng hay còn gọi giai đoạn trước trứng rụng, giai đoạn chế tiết hay còn gọi giai đoạn sau trứng rụng.
Mỗi giai đoạn có đặc điểm khác biệt nhau. Ở giai đoạn tăng trưởng, dưới tác dụng của estrogen do buồng trứng tiết ra, nội mạc tử cung bắt đầu tái tạo và tăng trưởng các ống tuyến trong nội mạc tử cung to và dài ra với nhiều hình ảnh phân bào, cho đến ngày thứ 14 của chu kỳ kinh. Sang giai đoạn chế tiết kể từ ngày thứ 15 trở đi, dưới tác dụng của estrogen cộng lực với progesteron, cả hai nội tiết tố do buồng trứng tiết ra, các tuyến trong nội mạc tử cung phát triển rất nhanh, trở nên ngoằn ngoèo và hoạt động chế tiết glycogen. Nội mạc ngày càng dày lên, vào ngày thứ 24 của chu kỳ kinh đạt mức tối đa khi đo bề dày của nội mạc tử cung khoảng 10mm.
Vào ngày thứ 14, hiện tượng rụng trứng xảy ra. Sau trứng rụng, nếu không có sự thụ tinh, nội tiết tố estrogen bắt đầu giảm đột ngột, cùng với sự phóng thích tại chỗ của prostaglandin F2 alpha làm cho các mạch máu ở nội mạc tử cung co thắt gây hoại tử, làm cho lớp nội mạc tử cung bong tróc và chảy máu, tạo nên hiện tượng hành kinh ở thời điểm ngày thứ 28 của chu kỳ kinh. Chấm dứt một chu trình, chu trình kế tiếp sẽ được tính vào ngày thứ 1 của hiện tượng hành kinh. Và cứ như thế, chu kỳ kế tiếp lại được hình thành tiếp nối với thời gian.
Cách dời ngày kinh như thế nào?
Dời ngày kinh là phương cách giúp cho phụ nữ chủ động ngày “đèn đỏ” tạo thuận tiện hơn với mọi điều ưng ý nhất. Hiện tượng ra kinh là do giảm đột ngột nồng độ nội tiết tố estrogen và progesteron trong máu. Muốn cho không có ra kinh, thì ta duy trì nồng độ estrogen và progesteron trong máu với chỉ số nhất định để không làm phóng thích prostaglandin F2 alpha, đồng thời không có hiện tượng co thắt mạch máu ở nội mạc tử cung. Muốn vậy, ta phải đưa nội tiết tố vào cơ thể bằng viên thuốc tránh thai uống hàng ngày.
Cách sử dụng viên tránh thai hàng ngày để dời ngày kinh
Đối với những phụ nữ đang uống thuốc tránh thai việc dời ngày kinh thật dễ dàng. Trường hợp uống thuốc loại 21 viên, thay vì nghỉ 7 ngày, ta không nghỉ mà tiếp tục uống luôn vỉ tiếp theo. Khi nào thuận tiện, ta tạm ngưng uống thì sau 3 – 5 ngày sau, hiện tượng ra kinh bình thường. Trường hợp uống thuốc loại vỉ có 28 viên thì trong đó có 7 viên khác màu, đó là viên thuốc bổ sắt, ta không nên uống mà tiếp tục uống vỉ tiếp theo.
Đối với những phụ nữ không uống thuốc tránh thai việc dời ngày kinh hay nhất là uống ngay từ lúc có kinh ngày đầu tiên và uống liên tục mỗi ngày 1 viên vào 1 giờ nhất định trong vòng 3 tuần, loại vỉ 21 viên. Sau đó, uống tiếp luôn 1 tuần nữa, việc dời ngày kinh sẽ được như ý. Sau khi ngưng uống thuốc, hiện tượng ra kinh sẽ xảy ra sau đó vài ngày.
Trường hợp phụ nữ trẻ chưa lập gia đình, không để ý việc theo dõi ngày kinh bây giờ muốn dời ngày kinh, mà thời điểm hành kinh qua rồi, thì ta vẫn có thể uống viên tránh thai vào thời điểm trước có kinh 2 tuần, mỗi ngày uống 1 viên loại vỉ 21 viên và uống liên tục trong 3 tuần rồi ngưng.
Thuốc tránh thai uống để dời ngày kinh không dùng cho các đối tượng
Bệnh suy gan, bệnh huyết khối động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, tăng huyết áp độ II – III, bệnh Lupus ban đỏ, bệnh ung thư vú, tăng sản nội mạc tử cung, xuất huyết âm đạo chưa xác định nguyên nhân, bệnh tăng lipoprotein huyết, thiếu máu hình cầu liềm, thiếu máu tán huyết mãn tính.
Uống thuốc tránh thai có những tác dụng không mong muốn
Buồn nôn, nhức đầu, lên cân nhẹ, căng ngực, thay đổi tâm tính, có thể ra huyết âm đạo ít ở giữa thời điểm uống thuốc. Khi uống thuốc tránh thai để dời ngày kinh, không nên uống chung các loại thuốc sau: thuốc chống co giật, barbiturate, tetracycline, rifampicin, than hoạt, một số thuốc nhuận trường, các thuốc trị đái tháo đường vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống