Khi trẻ được tròn 6 tháng, để đáp ứng được nhu cầu phát triển của cơ thể, trẻ cần được cho ăn dặm để bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ và an toàn trong khi vẫn tiếp tục bú mẹ tối đa. Sữa mẹ trong giai đoạn này vẫn rất quan trọng vì cung cấp tới 60-70% nhu cầu năng lượng cho trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu các axit béo thiết yếu và một lượng lớn các vi chất dinh dưỡng.
Sữa mẹ đặc biệt quan trọng lúc trẻ bị bệnh, khi mà trẻ không muốn ăn hầu hết các thức ăn bổ sung nhưng vẫn duy trì bú mẹ. Tiếp tục bú mẹ thường xuyên không những bảo vệ trẻ mà còn giúp bà mẹ chậm mang thai, và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở những trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Những nghiên cứu dọc ở các nước đang phát triển như Việt Nam cho thấy tiếp tục bú mẹ tối đa trong giai đoạn 6-12 tháng tuổi giúp trẻ chống chọi bệnh hô hấp cấp tính và bệnh tiêu chảy, tương tự giai đoạn dưới 6 tháng tuổi.
Trong trường hợp trẻ không đủ sữa mẹ hoặc mẹ phải đi làm từ 6 tháng thì nên chọn công thức dinh dưỡng tiếp theo phù hợp với độ tuổi của trẻ (sữa cho trẻ trên 6 tháng), ưu tiên dùng sữa công thức có đạm chất lượng [3][10][27][28][34][40] *
[toc]
Hướng dẫn nguyên tắc cho ăn bổ sung đối với trẻ còn được bú mẹ của WHO
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và giới thiệu thức ăn bổ sung khi trẻ đủ 6 tháng tuổi (đủ 180 ngày) trong khi vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ.
Tiếp tục cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu cho đến khi trẻ 2 tuổi hoặc lâu hơn.
Thực hành nuôi dưỡng đúng, áp dụng những nguyên tắc chăm sóc tâm lý với trẻ
Vệ sinh tốt và xử lý, chế biến thực phẩm an toàn, thích hợp
Từ khi trẻ được tròn 6 tháng tuổi (180 ngày tuổi) bắt đầu cho trẻ ăn dặm với một lượng nhỏ thức ăn đặc và tăng dần số lượng thức ăn cùng với sự lớn lên của trẻ trong khi vẫn duy trì cho trẻ bú mẹ thường xuyên.
Tăng dần độ đặc và tính đa dạng thức ăn, tăng dần số bữa và lượng ăn mỗi bữa để phù hợp với sự lớn lên của trẻ, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiêu hóa của trẻ.
Sử dụng thức ăn dặm bổ sung tăng cường vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ.
Tăng lượng chất lỏng khi trẻ bị bệnh, bao gồm cả bú mẹ thường xuyên hơn, khuyến khích trẻ ăn thức ăn mềm, đa dạng, ngon miệng, và những món ăn mà trẻ ưa thích. Sau khi khỏi bệnh, cho trẻ ăn thường xuyên hơn so với bình thường và khuyến khích trẻ ăn tăng thêm 1 bữa/ngày trong 1 tháng hoặc cho tới khi đạt được tăng trưởng bình thường.
Hướng dẫn nguyên tắc cho ăn dặm đối với trẻ KHÔNG còn được bú mẹ của WHO
Đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho trẻ. Do trẻ không được bú sữa mẹ nên nuôi trẻ bằng sữa công thức dinh dưỡng phù hợp lứa tuổi với đầy đủ dưỡng chất, có đạm chất lượng giúp trẻ tăng cân khỏe mạnh.
Ăn dặm: Từ từ tăng độ đặc và tính đa dạng thức ăn khi trẻ lớn hơn, đáp ứng với yêu cầu và khả năng tiêu hóa cũng như nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
Với những trẻ khỏe mạnh, cần cho trẻ ăn 3-4 bữa chính với thức ăn bổ dưỡng mỗi ngày và uống sữa. Ngoài ra còn cho trẻ ăn 1-2 bữa phụ để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
Nên sử dụng các loại thực phẩm ngũ cốc ăn dặm giàu vitamin và các khoáng chất, đặc biệt bổ sung sắt để giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.
Thực hành vệ sinh tốt và chế biến, xử lý thực phẩm thích hợp, an toàn.
Thực hành nuôi dưỡng áp dụng những nguyên tắc chăm sóc tâm lý với trẻ.
Tăng lượng chất lỏng khi trẻ bị bệnh, khuyến khích trẻ ăn thức ăn mềm, đa dạng, ngon miệng, và những món ăn mà trẻ ưa thích. Sau khi khỏi bệnh, cho trẻ ăn thường xuyên hơn so với bình thường và khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn
Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn của sổ tiềm năng giúp trẻ phát triển tối ưu. Cho trẻ ăn dặm thành công là rất quan trọng để ngăn ngừa suy dinh dưỡng. Sự tăng trưởng sút kém thường diễn ra trong giai đoạn này, khi mà thức ăn dặm bắt đầu dần thay thế sữa mẹ và tỉ lệ tiêu chảy gây ra bởi ô nhiễm thực phẩm, do cách chế biến không hợp vệ sinh là cao nhất. Nếu để xảy ra thấp còi giai đoạn này thì sau 2 tuổi rất khó đảo ngược được tình trạng dinh dưỡng này.
➤ Sử dụng bột ngũ cốc ăn dặm có chứa nhiều vi chất dinh dưỡng cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi: Bột ngũ cốc dinh dưỡng chế biến sẵn có chứa sắt, vitamin A, kẽm được khuyến cáo để cải thiện tình trạng thiếu máu và thiếu vi chất là những vấn đề thường gặp ở trẻ 6 đến 24 tháng tuổi.
➤ Bổ sung vitamin A: ở những khu vực có vấn đề về thiếu vitamin A. Ở Việt Nam hiện nay bổ sung vitamin A liều cao cho tất cả trẻ từ 6-36 tháng tuổi được tổ chức 2 lần/ năm (ngày 01/06 – ngày vi chất dinh dưỡng và kết hợp với ngày tiêm chủng của tháng 12 hàng năm) để làm giảm tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong ở trẻ em.
➤ Bổ sung sắt: nhóm trẻ nhỏ có nhu cầu sắt cao hơn các nhóm trẻ khác bởi vì cơ thể của các bé phát triển nhanh chóng. Những trẻ sinh thường thì có dự trữ sắt tốt. Tuy nhiên, ngoài 6 tháng tuổi, hàm lượng sắt trong sữa không đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và các thực bổ sung thường thiếu chất sắt khiến cho trẻ độ tuổi này dễ bị thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt.
Trẻ sinh non tháng hoặc nhẹ cân, sinh đa thai thì dự trữ sắt còn ít hơn và do đó có nguy cơ cao thiếu sắt ở độ tuổi 6 đến 24 tháng tuổi. Những nơi mà chế độ ăn uống không bao gồm thực phẩm tăng cường sắt hoặc tỉ lệ trẻ dưới 1 tuổi thiếu máu khoảng 40%, bổ sung sắt với liều 2mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày trong 03 tháng liên tục nên được áp dụng cho tất cả trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi.
Một số hành động thúc đẩy bổ sung sắt ở trẻ dưới 2 tuổi:
- Trẻ dưới 2 tuổi bị thiếu máu nên được bổ sung 3mg sắt/kg/ngày cho tới khi lượng huyết sắc tố về bình thường theo tuổi.
- Ở những vùng lưu hành sốt rét, việc bổ sung sắt nên được thực hiện kết hợp với các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị sốt rét.
- Ở những vùng có tỉ lệ mắc giun móc từ 20%, việc bổ sung sắt có hiệu quả cần gắn với việc tẩy giun định kỳ.
- Rửa tay trước khi chế biến thức ăn và trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, sử dụng hố xí hợp vệ sinh
- Bổ sung sắt vào thức ăn bổ sung là biện pháp chống thiếu máu do thiếu sắt hiệu quả.
- Trong trường hợp suy dinh dưỡng nặng, việc bổ sung sắt có thể được hoãn lại cho đến khi các vấn đề cấp tính liên quan đến nhiễm trùng được giải quyết và trẻ tăng cân trở lại.
- Trong khi thiếu sắt là yếu tố chính gây thiếu máu, việc kiểm soát thiếu máu đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện.
➤ Bổ sung kẽm cho các trường hợp tiêu chảy: Các bà mẹ và những người chăm sóc trẻ nên cung cấp cho trẻ 20 mg kẽm nguyên tố mỗi ngày trong 10-14 ngày (10mg/ngày đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi).
➤ Bổ sung I-ốt tối ưu cho trẻ: Ở những khu vực mà tỉ lệ hộ dân được dùng muối I-ốt <20%, các trẻ em ở đó nên được bổ sung I-ốt cho đến khi muối I-ốt được sử dụng rộng rãi. Liều khuyến cáo cho trẻ từ 6-23 tháng tuổi là 90μg/ngày và được uống hàng ngày hoặc 200mg/năm với liều dầu i-ốt duy nhất. Đối với trẻ 0-6 tháng tuổi, bổ sung I-ốt nên được thực hiện thông qua sữa mẹ. Như vậy, khi trẻ được bú mẹ thì người mẹ cần được bổ sung I-ốt theo như khuyến cáo[40][41][43].
Trẻ từ 6-12 tháng: Ăn dặm
Chỉ cho trẻ bú mẹ sau bữa ăn nếu trẻ không ăn hết khẩu phần, 2 giờ trước khi ăn tuyệt đối không cho trẻ bú mẹ. Nhiều trẻ trên 6 tháng tuổi do được bú mẹ liên tục nên không còn cảm giác đói và không ăn thức ăn dặm nên bị suy dinh dưỡng (do thiếu năng lượng) và thiếu máu
Bà mẹ có thể chế biến thức ăn dặm cho trẻ bằng những chất dinh dưỡng có sẵn ở địa phương (thức ăn dặm chế biến tại nhà). Thực hiện tô màu bát bột với đầy đủ ít nhất 5 trong 8 nhóm thức ăn, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc.
Có thể chế biến bột ăn dặm cho trẻ với:
- Bột gạo hoặc bột ngũ cốc dinh dưỡng
- Thịt (gà, lợn hoặc bò) hoặc cá, cua, tôm, trứng, đậu phụ băm hoặc nghiền nhỏ ….VÀ
- Rau xanh nghiền hoặc băm nhỏ như rau ngót, bí ngô, cà rốt, rau cải, rau muống, bắp cải, su hào VÀ
- 6-10ml mỡ hoặc dầu ăn
Cho trẻ ăn ít nhất ¾ đến 1 bát mỗi bữa các thức ăn này:
- 3 bữa bột cháo /ngày nếu trẻ còn bú mẹ
- 3 bữa bột cháo / ngày nếu trẻ không còn bú mẹ và cho trẻ uống 2-3 cữ sản phẩm dinh dưỡng công thức.
Cho trẻ ăn thêm các loại trái cây (hoa quả) có sẵn tại địa phương như chuối, hồng xiêm, cam, xoài, đu đủ, táo…sau khi ăn và xen giữa các bữa chính.
Ngoài thức ăn dặm chế biến tại nhà, bà mẹ có thể cho trẻ ăn bổ sung bằng bột ngũ cốc dinh dưỡng chế biến sẵn của các công ty có uy tín trên thị trường để đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng đặc biệt là chất sắt (ví dụ như bột gạo lức trộn sữa, bột lúa mì sữa, gà hầm cà rốt, cá và rau xanh, rau xanh bí đỏ…). Với 1 chén bột ăn dặm giàu sắt và vitamin C mỗi ngày có thể cung cấp cho trẻ được 50% nhu cầu sắt mỗi ngày, từ đó giúp giảm nguy cơ thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt[3][10].
Trẻ từ 12-24 tháng
Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, không nên cho trẻ bú trước bữa ăn 2 giờ
Cho trẻ ăn phối hợp các loại thức ăn sau: Cháo đặc, hoặc cơm nát, hoặc bún phở, mỳ với:
- Thịt (gà, lợn, bò…) ninh nhừ hoặc băm hay thái nhỏ hoặc cá tôm, trứng,… VÀ
- Rau xanh băm nhỏ như rau ngót, rau cải, rau muống, bắp cải, su hào,…VÀ
- 6-10ml mỡ hoặc dầu
Cho trẻ ăn thức ăn 3 bữa/ngày, ít nhất 1 bát/bữa
Cho trẻ ăn các loại trái cây (hoa quả) có sẵn ở địa phương như chuối, hồng xiêm, cam, xoài, đu đủ…
Bổ sung sữa dành cho bé đang tăng trưởng khi lượng sữa mẹ không cung cấp đủ cho trẻ (Growing up Milk)
Không cho trẻ bú sữa bằng bình mà nên sử dụng cốc (thìa) hợp vệ sinh [3][10].
[tds_note]
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời giúp trẻ đạt tăng trưởng và phát triển tối ưu, giảm nguy cơ thừa cân, béo phì, tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ dị ứng.
Từ 6 tháng, để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và phát triển, trẻ nên được nhận các thực phẩm dinh dưỡng bổ sung (ăn dặm) đầy đủ và an toàn trong khi vẫn tiếp tục được bú mẹ đến 2 tuổi hoặc hơn.
Trong những trường hợp trẻ không được bú mẹ hoàn toàn thì sản phẩm dinh dưỡng công thức có đạm chất lượng gần với sữa mẹ (hàm lượng đạm vừa đủ, chất lượng đạm cao, đạm Whey thủy phân một phần) sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, tăng cường sức đề kháng, tăng cân khỏe mạnh và phòng ngừa thừa cân, béo phì cũng như giúp giảm nguy cơ dị ứng. Thức ăn dặm cho trẻ cần phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng với ít nhất 5 nhóm trong 8 nhóm thức ăn – bắt buộc phải có nhóm chất béo – chế biến phải hợp vệ sinh.
Bà mẹ có thể chế biến bột ăn dặm cho trẻ tại nhà bằng nguồn thức ăn sẵn có hay sử dụng bột ngũ cốc chế biến sẵn được bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng – đặc biệt là chất sắt nhằm giúp giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt
[/tds_note]
Theo Tài liệu Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời dành cho Nhân viên Y Tế – Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Phụ Sản Việt Nam, Viện Dinh Dưỡng Nestlé Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
[3] Bộ Y Tế – Viện dinh dưỡng Quốc gia (2016). Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
[10] Văn phòng IMCI Trung ương (2016). Hướng dẫn lồng ghép chăm sóc các bệnh thường gặp ở trẻ em: các hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ.
[27] Home Fortification of Foods With Multiple Micronutrient Powders for Health and Nutrition in Children Under Two Years of Age (Review). PubMed Journals. https://ncbi.nlm.nih.gov/labs/articles/23878126/. Accessed January 20, 2017.
[28] Homepage. 1,000 Days. http://thousanddays.org/. Accessed February 1, 2017.
[34] The 1,000-day Window of Opportunity: Technical Guidance Brief. https://www.usaid.gov/whatwe-do/global-health/nutrition/1000-day-window-opportunity. Accessed January 15, 2017.
[40] WHO | Essential Nutrition Actions. WHO. http://www.who.int/nutrition/publications/infantfeeding/essential_nutrition_actions/en/. Accessed January 16, 2017.
[41] WHO | Evidence on the long-term effects of breastfeeding. WHO. http://www.who.int/maternal_child_adolescent/documents/9241595230/en/. Accessed January 20, 2017.
[43] WHO | Global Nutrition Targets 2025: Breastfeeding policy brief. WHO. http://www.who.int/ nutrition/publications/globaltargets2025_policybrief_breastfeeding/en/. Accessed January 20, 2017.