Bổ sung sắt cho bà bầu thế nào cho đúng?
Mẹ bầu thấy da xanh, nhợt nhạt, mệt mỏi thường nghĩ tới nguyên nhân là do thiếu máu. Mà thiếu máu thì nghĩ ngay tới việc bổ sung thuốc sắt cho bà bầu. Thậm chí, chỉ cần có dự định mang thai hay vừa biết tin có thai là mẹ bầu lập tức bổ sung thêm sắt từ thuốc uống để phòng trừ thiếu sắt. Liệu lối suy nghĩ và cách làm đó đúng hay sai?
[toc]
1. Sắt – vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của sắt đối với cơ thể. Sắt cần thiết để tạo Hemoglobin – là thành phần quan trọng của máu. Hemoglobin mang oxy đến khắp cơ thể người mẹ và thai nhi, giúp cho quá trình phát triển diễn ra suôn sẻ và thông suốt. Thiếu sắt thì không thể tạo ra Hemoglobin dẫn đến thiếu máu, mệt mỏi, khó thở….
Sắt còn giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn vì sắt cũng là thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch, sắt giúp biến đổi Betacaroten thành Vitamin A, giúp tạo ra Colagen (chất này gắn kết các mô cơ thể lại với nhau)…
Tuy nhiên, tình trạng da xanh, nhợt nhạt, mệt mỏi, hoa mắt mà mẹ bầu gặp phải chưa hẳn đã là do thiếu máu thiếu sắt. Để xác định chính xác, mẹ bầu cần tới thăm khám bác sĩ và làm xét nghiệm máu cụ thể.
Xem thêm: Thiếu máu và thiếu máu thiếu sắt khi mang thai
2. Nguồn cung cấp sắt
Sắt là vi chất dinh dưỡng cần thiết nhưng cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất ra. Cách duy nhất là cung cấp từ thức ăn hoặc dùng thuốc bổ sung.
Trong thực phẩm tồn tại 2 dạng sắt là: sắt Heme và sắt không Heme. Thức ăn động vật chứa cả hai dạng này với tỉ lệ trung bình thường gặp là 40% sắt Heme và 60% sắt không Heme. Thức ăn thực vật chỉ chứa sắt không Heme.
Trong một khẩu phần ăn bình thường, tỉ lệ sắt Heme thường là 10%. Tức là 90% sắt trong khẩu phần ăn là từ sắt không Heme. Dù ít hơn, nhưng tỉ lệ hấp thu của sắt Heme là 25%, trong khi tỉ lệ hấp thu của sắt không Heme chỉ 10%.
Sắt còn được cung cấp dưới dạng thuốc uống bổ sung, để giành cho những trường hợp thiếu sắt do chế độ ăn nghèo nàn, mất máu, nhu cầu tăng cao (phụ nữ mang thai). Hiện nay, có vô vàn các chế phẩm bổ sung sắt trên thị trường, không khó để bạn có thể mua về bổ sung. Tuy nhiên, chính sự tiện lợi này đôi khi làm người dùng mất cảnh giác, dẫn tới những tác hại không đáng có do tự ý bổ sung sắt không phù hợp với nhu cầu.
3. Nhu cầu sắt ở bà bầu
Nhu cầu sắt ở mỗi giai đoạn một khác: 3 tháng đầu, nhu cầu cung cấp sắt chưa cao, thậm chí còn giảm đi do thời gian này mẹ không bị mất máu do kinh nguyệt. Từ 3 tháng giữa trở đi, cùng với sự phát triển của thai nhi, nhu cầu sắt mới bắt đầu tăng và lên đến đỉnh điểm ở giai đoạn 6-8 tuần cuối thai kỳ.
Việc bổ sung sắt với 1 liều lượng duy nhất trải đều trong suốt quá trình mang thai sẽ không đem lại hiệu quả tối ưu. Điều cần thiết là xác định đúng nhu cầu và lựa chọn liều lượng bổ sung thích hợp cho mỗi giai đoạn thai kỳ: bổ sung liều thấp ở giai đoạn trước – trong 3 tháng đầu, liều tăng lên ở những tháng tiếp theo.
Theo bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của người Việt Nam năm 2016. Nếu có chế độ ăn >90gam thịt, cá/ngày thì mẹ bầu chỉ cần bổ sung trung bình khoảng 27,1mg sắt nguyên tô/ngày (bao gồm từ thức ăn và thuốc bổ sung) là đủ.
Nhiều mẹ bầu lo sợ không bổ sung đủ cho con dẫn tới tâm lý ưu tiên lựa chọn sản phẩm cung cấp sắt hàm lượng cao cho yên tâm. Việc làm này vô tình đẩy cơ thể vào tình trạng dư thừa sắt.
Các mẹ bầu thường có tâm lý chọn thuốc bổ sung sắt liều lượng cao cho an tâm, rất nguy hiểm
Đa số các viên cung cấp sắt riêng lẻ thông thường đều chứa hàm lượng sắt cao. Những sản phẩm này phù hợp trong điều trị thiếu máu thiếu sắt bệnh lý. Việc dùng thuốc liều cao cần phải có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Bổ sung sắt không tương ứng theo nhu cầu trước hết sẽ gia tăng tác dụng phụ trên đường tiêu hóa do sắt không được hấp thu như: táo bón hoặc tiêu chảy, đi ngoài phân đen, đầy bụng khó tiêu, chán ăn. Ngay cả khi sắt được hấp thu vào cơ thể thì nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn vẫn thường trực nếu bạn luôn bổ sung sắt ở mức cao, dư thừa.
4. Cơ thể có khả năng tự đào thải sắt dư thừa ra ngoài không?
Câu trả lời rất tiếc là KHÔNG. Cơ thể không thể tự tăng cường đào thải sắt nếu gặp tình trạng dư thừa. Sắt chỉ được đào thải một lượng nhỏ ra khỏi cơ thể (khoảng 1mg/ngày) và sự đào thải đó là hằng định.
Sắt sau khi được hấp thu vào cơ thể sẽ được sử dụng khoảng 75% để tạo hồng cầu, phần còn lại tạo cơ, enzym, dự trữ ở gan, lách, tủy… và thải trừ ra ngoài qua đường tiêu hóa. Sự thải trừ là hằng định ở lượng nhỏ chỉ ~ 1mg mỗi ngày. Điều đó cho thấy, nếu bạn nạp quá nhiều sắt thì tình trạng dư thừa sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thông thường của cơ thể mà không có cách tự nhiên nào để giải quyết.
Với trường hợp dư thừa sắt quá mức, bác sĩ sẽ phải chỉ định “Chích máu tĩnh mạch” để lấy bớt máu ra khỏi cơ thể; hoặc dùng thuốc tạo phức để đưa sắt ra ngoài cơ thể qua phân, nước tiểu. Biện pháp này gây nhiều nguy cơ nên không khuyến khích dùng khi mang thai.
Khi dư thừa, sắt lắng đọng tại các cơ quan trong cơ thể. Sắt tích lũy ở vùng nào sẽ gây tổn thương cho cơ quan tại vùng đó:
- Tại gan: có thể gây xơ gan – sẹo vĩnh viễn ở gan
- Tại tụy: có thể gây ra thay đổi nồng độ Insulin, dẫn đến tiểu đường
- Ứ đọng sắt ở tim: gây rối loạn nhịp tim, các vấn đề về tuần hoàn có thể dẫn đến suy tim
- Viêm khớp do lượng sắt làm tổn thương các mô, phá hủy lớp bao phủ xương
- Thừa sắt khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sạm da.
- Thừa sắt dẫn tới tăng nồng độ sắt tự do và tăng nồng độ huyết sắc tố trong máu người mẹ, làm cản trở quá trình cung cấp máu từ mẹ sang con, tăng nguy cơ sinh non, trẻ thiếu cân, tử vong cho sản phụ…
Xem thêm: Bổ sung sắt ĐÚNG – ĐỦ cho bà bầu
5. Cần bổ sung sắt cho bà bầu như thế nào?
Để bổ sung sắt đúng cách, trước hết mẹ bầu cần tăng cường chế độ ăn giàu sắt bởi sắt từ thực phẩm dễ hấp thu đồng thời không gây ra các tác dụng phụ như dùng thuốc. Hơn nữa, tăng cường chế độ ăn nghĩa là bạn cung cấp nhiều dưỡng chất cho con chứ không phải chỉ có sắt.
Thực phẩm giàu sắt
Khi nhu cầu tăng cao mà chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ thì bạn cần bổ sung sắt từ thuốc. Nên dùng liều thấp nhất có thể mà thôi. Liều lượng bổ sung sắt từ thuốc càng thấp càng giảm thiểu tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra.
Chỉ cung cấp sắt liều cao hơn khuyến cáo khi có chỉ định của bác sĩ trong trường hợp cơ thể bị thiếu máu thiếu sắt mà thôi. Việc bổ sung liều cao này cũng chỉ nên thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Sau đợt điều trị cần tới thăm khám xét nghiệm để đánh giá lại, đồng thời điểu chỉnh liều dùng nếu cần.
Xem thêm: 3 giải pháp bổ sung sắt hiệu quả cho bà bầu
Theo Procarevn