Sinh mổ là một cuộc phẫu thuật lớn phía bụng dưới và tử cung của người mẹ để lấy em bé ra. Quá trình lành vết rạch phụ thuộc vào sức khỏe của người phụ nữ và thường chỉ 3 tháng sau sinh là lành hoàn toàn. Tuy nhiên, vết sẹo này liên quan mật thiết với việc mang thai và sinh con lần tới.
Cụ thể là vết sẹo này có thể bị bục trong quá trình mang thai và khi chuyển dạ. Nguy cơ bục vết sẹo tử cung sẽ tăng cao ở những phụ nữ sinh chỉ định bằng phương pháp mổ đẻ, đặc biệt là mổ đẻ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ và khoảng cách giữa lần sinh trước với lần mang thai này ít hơn 2 năm. Ngoài nguy cơ bục vết sẹo tử cung, những người mổ đẻ nhiều lần dễ gặp những bất thường nhau thai như khả năng nhau bong non, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.
Những nguy cơ sau lần sinh mổ đầu tiên
– Nguy cơ của mổ lấy thai thường do tai biến gây tê, gây mê, chảy máu, nhiễm trùng, tai biến trong khi phẫu thuật như:
- tổn thương bàng quang,
- rách vết mổ tử cung.
- băng huyết, cắt bỏ tử cung.
-Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau.
-Tai biến xa cho mẹ như:
- lạc nội mạc tử cung,
- dính ruột, tắc ruột,
- tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nhau bong non,
- thai ngoài tử cung.
Đối với thai nhi nếu chỉ định sinh mổ đúng sẽ giúp giảm tỉ lệ tai biến cho thai nhi. Tuy vậy, mổ lấy thai cũng là nguyên nhân gây tai biến như:
- dao mổ đụng vào thai nhi (1 – 9%),
- trẻ sinh non tăng,
- trẻ dễ bị hội chứng suy hô hấp cấp…
- tai biến tử vong nhi
- suy giảm khả năng miễn dịch hơn trẻ sinh thường do phải mất sáu tháng mới có hệ vi khuẩn đường ruột như trẻ sinh thường.
Thai bám sẹo mổ cũ
Thai bám sẹo mổ cũ là tình trạng thai làm tổ tại vị trí đã được mổ trước đây trên cơ tử cung. Có hai dạng thai bám sẹo mổ cũ:
- Thai làm tổ ở vết mổ cũ, nhưng phát triển chủ yếu trong buồng tử cung;
- Thai hoàn toàn làm tổ và phát triển thành túi thai ngay vị trí vết mổ cũ cấy sâu vào trong lớp cơ và phần mô sợi của tử cung ở vị trí vết sẹo mổ lấy thai cũ, lấn sâu vào bàng quang.Nếu không được can thiệp kịp thời thì khi thai phát triển lớn hơn lan sang bàng quang gây tổn thương bàng quang, mặt khác khi thai phát triển lớn làm vết mổ phình to khiến cơ tử cung mỏng nguy cơ vỡ tử cung, băng huyết, không thể cầm máu và người bệnh sẽ phải cắt tử cung. Và nguy hiểm nhất có thể gây tử vong.
Thai thường không thể phát triển hoặc phát triển thành nhau cài răng lược, đây là một tình trạng rất nguy hiểm trong sản khoa. Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp bị thai bám sẹo mổ cũ nhưng thai phụ không hề biết do không có triệu chứng cụ thể. Chỉ đến khi thai phụ thấy đau bụng, bị ra máu kéo dài, đi khám mới phát hiện bị thai bám vào sẹo mổ.
Những thai phụ đã từng mổ lấy thai cần đi khám thai ngay khi trễ kinh, đặc biệt khi có tình trạng ra huyết âm đạo cho dù rất ít.
Khi nghi ngờ thai bám sẹo mổ cũ, các chuyên gia siêu âm sẽ tìm kiếm các dấu hiệu đặc trưng bằng hình ảnh. Bằng các kỹ thuật can thiệp đa dạng như hủy thai, hút thai, đặt bóng foley, mổ nội soi hay mổ hở… các bác sĩ sẽ lấy khối thai ra nhằm bảo vệ tính mạng cho người mẹ.
Các kỹ thuật này tương đối phức tạp, cần được thực hiện tại cơ sở y tế có phòng mổ và có máu dự trữ để cứu sống bệnh nhân trong trường hợp mất máu nhiều.
Nhau cài răng lược
Ngoài thai dính vết mổ cũ, nhau cài răng lược là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm cho cả bà mẹ và em bé, nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong mẹ và con rất cao. Nhau cài răng lược là tình trạng bánh nhau bám chặt bất thường vào lớp cơ tử cung của thai phụ.
Tùy vào mức độ xâm lấn của bánh nhau mà chia làm 3 mức độ:
- mức độ nhẹ là nhau bám chặt và xâm lấn một phần cơ tử cung;
- mức độ trung bình là nhau xâm lấn sâu vào cơ tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung;
- mức độ nặng là tình trạng bánh nhau xuyên qua khỏi lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như bàng quang và ruột. Đây là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm đối với các sản phụ. Nếu không xử trí kịp thời, sẽ nguy kịch tính mạng cho mẹ và con.
Nhau cài răng lược thường thấy ở người bị nhau tiền đạo không kèm theo sẹo mổ cũ trên thân tử cung; thai phụ có tiền căn sẹo mổ trên tử cung; người có tiền căn hút nạo buồng tử cung; thai phụ lớn tuổi và thai phụ nhiều lần sinh con.
Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, các chuyên gia sức khỏe sinh sản khuyến cáo những phụ nữ đã mổ đẻ lần đầu chỉ nên mang thai lần 2 từ sau 2 năm tính từ lúc sinh mổ lần đầu.
Ngoài ra, cần chú ý đến các dấu hiệu đau ở vết mổ cũ như: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này, thai phụ cần đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất để được theo dõi.
Lưu ý cho các bà mẹ đã từng sinh mổ
– Không có câu trả lời chính xác cho số lần sinh mổ tối đa, tuy nhiên số lần sinh mổ càng tăng thì nguy cơ biến chứng do phẫu thuật sau mổ càng tăng lên. Với những phụ nữ khỏe mạnh và lần sinh mổ trước không có biến chứng thì có thể sinh mổ an toàn với khoảng 3 – 4 lần.
– Số lần sinh mổ càng nhiều thì càng có nguy cơ gây biến chứng. Biến chứng sau mổ thường gặp là viêm dính tử cung với các tạng trong ổ bụng, dính ruột có thể gây tắc ruột…
– Khoảng cách an toàn giữa 2 lần sinh mổ không sớm hơn 2 năm.
Theo Sức khỏe & Đời sống