Ngay sau thời khắc sinh nở là lúc trẻ sơ sinh rời khỏi môi trường cơ thể ấm cúng và ổn định của mẹ để tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt bên ngoài. Trong khi đó trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non chức năng điều hòa thân nhiệt còn kém nên khi nhiệt độ của môi trường thay đổi vượt quá khả năng cơ thể tự điều chỉnh thì trẻ có thể bị sốt (tăng thân nhiệt) hoặc hạ thân nhiệt.
Thân nhiệt bình thường của trẻ sơ sinh dao động từ 36,5 đến 37,40C. Tăng thân nhiệt hay hạ thân nhiệt nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.
1. Hạ thân nhiệt:
Nguyên nhân làm trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt:
- Diện tích da so với thân nhiệt trẻ sơ sinh lớn gấp 2-3 lần so với người lớn làm tăng mất nhiệt qua da nên trẻ dễ bị hạ thân nhiệt
- Trẻ sinh non tháng và nhẹ cân, lớp mỡ dưới da ít nên khả năng sinh nhiệt kém
- Trong những ngày đầu sau sinh, đáp ứng chuyển hóa của trẻ đối với hiện tượng nhiễm lạnh rất hạn chế, làm tăng nguy cơ hạ thân nhiệt kéo theo mất năng lượng và sụt cân ở trẻ.
- Nếu trẻ bị mắc bệnh, khả năng đáp ứng với lạnh kém nên càng làm cho trẻ dễ bị hạ thân nhiệt
- Trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ làm giảm sinh nhiệt, không chống được lạnh sẽ giảm trương lực cơ, giảm phản xạ bú làm trẻ bị đói; làm thành vòng xoắn thiếu dinh dưỡng, thiếu năng lượng gây hạ thân nhiệt trầm trọng khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ hạ thân nhiệt
- Dấu hiệu sớm: ít cử động, bú yếu, khóc yếu, nhiệt độ <360C
- Dấu hiệu muộn: Toàn thân lạnh, cứng bì vùng lưng, chi; trẻ lờ đờ, thở nông, không đều. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm chậm nhịp tim, hạ đường huyết, xuất huyết nội tạng, suy hô hấp,… có thể tử vong.
Xử lý cơ bản:
- Cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ, phủ áo cho mẹ, đắp thêm chăn cho trẻ
- Đảm bảo nhiệt độ phòng nuôi trẻ 36 – 380C
- Nếu sau 2h xử lý như trên thân nhiệt trẻ không đạt được 36 độ trở lên thì cho trẻ nhập viện (Chú ý giữ nguyên tư thế ủ ấm cho trẻ)
Dự phòng hạ thân nhiệt:
- Lau khô trẻ, phòng của trẻ phải đạt nhiệt độ từ 36-380C, tránh gió lùa
- Đảm bảo dinh dưỡng đủ để cung cấp năng lượng cho trẻ
- Phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý của trẻ
2. Tăng thân nhiệt
Nguyên nhân làm trẻ sơ sinh tăng thân nhiệt:
- Do trung tâm điều hòa thân nhiệt của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện nên trẻ cũng dễ bị tăng thân nhiệt
- Quấn quá nhiều tã hoặc quấn trẻ quá chặt, đặt trẻ ở phòng quá nóng
- Trong giai đoạn sụt cân sinh lý trẻ có thể bị tăng thân nhiệt
- Trẻ bị mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn.
Dấu hiệu nhận biết trẻ tăng thân nhiệt:
- Da trẻ nóng, đỏ, mẹ có cảm giác nóng đầu vú khi trẻ ngậm vú mẹ
- Trẻ quấy khóc hơn bình thường
- Cặp nhiệt độ > 37,50C
Xử lý cơ bản:
- Giảm nhiệt độ phòng của trẻ, không để nhiều người trong phòng
- Nới bớt tã lót, quần áo của trẻ, đảm bảo bú mẹ đủ
- Đưa trẻ tới cơ sở y tế tìm nguyên nhân để có hướng xử lý kịp thời.
Ngăn chặn tăng hoặc hạ thân nhiệt là biện pháp dễ dàng hơn nhiều so với việc giải quyết hậu quả của nó gây ra.
> Xem tiếp: Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh – Phần 2: Vàng da sơ sinh
Nhóm tác giả Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh –
Bệnh viên Phụ sản Trung Ương
(BSCK II. Nguyễn Ngọc Lợi, TS. Lê Minh Trác,
ThS. Trần DIệu Linh, BS. Đinh Phương Anh)