Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là với phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ nhỏ. Thiếu vi chất dinh dưỡng khi mang thai có thể gây những hậu quả nghiêm trọng với bà mẹ và em bé. Bài viết sau sẽ tập trung vào những loại Vitamin và Khoáng chất thường thiếu hụt trong thai kỳ.
1, Thiếu Sắt
Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng thường hay gặp nhất ở phụ nữ mang thai. Sắt tham gia tạo huyết sắc tố Hemoglobin, tham gia tạo yếu tố miễn dịch, hô hấp tế bào và hỗ trợ khả năng nhận thức của con người. Thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Mẹ bị thiếu máu dễ bị sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản. Ngoài ra, nếu có xuất huyết hậu sản sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người mẹ.
Trẻ sinh ra bởi những người mẹ thiếu máu cũng dễ bị thiếu máu. Bên cạnh đó, trẻ còn có khả năng bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ còn có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác. Ngoài ra thiếu máu trong quá trình mang thai còn ảnh hưởng đến sự phát triển về thể lực và trí lực của trẻ, cũng như ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ sau này.
2, Thiếu Acid folic (vitamin B9)
Đây là vitamin rất cần thiết sự phát triển của bào thai. Ngoài vai trò là chất cần thiết trong quá trình tạo máu, acid folic còn giúp quá trình phân chia tế bào xảy ra bình thường, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho thai nhi. Khi thiếu acid folic trong khi mang thai, người mẹ có thể bị thiếu máu hồng cầu, dẫn đến nguy cơ sảy thai, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai. Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai không được cung cấp đầy đủ axit folic sẽ dẫn đến khiếm khuyết trong sự hình thành ống thần kinh của bào thai, thai nhi có nguy cơ bị tật nứt đốt sống (spina bifida).
3, Thiếu Canxi
Thai phụ cần 1.000 – 1.200mg Canxi mỗi ngày. Việc cung cấp đủ nhu cầu Canxi trong thai kỳ sẽ giúp tạo thành và phát triển bộ xương thai nhi mà vẫn đảm bảo toàn vẹn bộ xương bà mẹ.
Trong trường hợp Canxi thiếu do cơ thể không hấp thu đủ canxi (có thể do thiếu vitamin D) hoặc do lượng đưa vào ít thì lượng canxi bị rút ra từ xương của cơ thể người mẹ sẽ nhiều hơn, dần dần làm tiêu xương, xốp xương và dễ gãy. Việc cung cấp Canxi trong thai kỳ không đầy đủ dẫn đến thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương và các mầm răng ngay từ trong giai đoạn bào thai, gây nên những khiếm khuyết về xương và răng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ sinh ra có dấu hiệu thiếu canxi như mềm họp sọ, thóp trước và thóp sau rộng, trẻ có các cơn khóc tím tái do co thắt, thậm chí bị co giật do hạ canxi huyết. Đối với mẹ sẽ dẫn đến các triệu chứng chuột rút, đau mỏi cơ nhất là 3 tháng cuối và dẫn đến tình trạng loãng xương, hư răng sau giai đoạn thai kỳ.
4, Thiếu I ốt
I-ốt là một vi chất dinh dưỡng, mặc dù chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng đặc biệt cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh. Cơ thể sử dụng i-ốt để tổng hợp hormon tuyến giáp. Ở vùng thiếu i-ốt, giảm tổng hợp hormon tuyến giáp gây ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần. Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với tình hình thiếu hụt i-ốt, khi người mẹ mang thai, nhu cầu i-ốt tăng lên để đáp ứng nhu cầu hormon tuyến giáp cho mẹ và sự phát triển bào thai. Khi mẹ thiếu i-ốt, sự phát triển bào thai bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là bộ não của đứa trẻ. Người ta đã chứng minh, thiếu i-ốt ở mẹ từ mức trung bình đến nặng có thể gây chậm phát triển não của thai nhi và sinh ra đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm trí đần độn hoặc mang khuyết tật.
5, Thiếu Kẽm
Kẽm rất cần thiết trong việc tạo ra các enzym để chuyển hóa Glucid, Protein, acid Nucleic. Việc thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng tới hooc môn tăng trưởng, gây chuyển dạ kéo dài hoặc chảy máu lúc sổ rau do có thể làm quá trình tổng hợp chất prostaglandins bị suy giảm. Thiếu kẽm cũng có thể gây sẩy thai tự nhiên do bong rau non, dị dạng bẩm sinh và suy dinh dưỡng bào thai, thai vô sọ, nứt đốt sống.
6, Thiếu Magie
Magie rất quan trọng trong việc tạo xương, chuyển hóa protein và các axit béo. Đồng thời, Magie cũng tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh cơ. Magie còn giúp xây dựng và sữa chữa các mô tế bào, hỗ trợ phát triển bào thai đang lớn. Tác dụng của Magie trên cơ bắp đặc biệt quan trọng với cổ tử cung, giúp ngăn ngừa chuyển dạ sớm, giảm nguy cơ sinh non. Magie hoạt động song song với Canxi: trong khi Canxi kích thích cơ bắp co thắt thì Magie giúp cơ thư giãn. Khi khẩu phần bị thiếu Magie lâu ngày sẽ dẫn tới các triệu chứng sau: nhạy cảm thần kinh, dễ bực bội, stress, rối loạn vận mạch, run. Phụ nữ có thai dễ bị chứng tiền sản giật, sản giật, rất nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và thai nhi. Do đó khi mang thai, phụ nữ cần lưu ý không để thiếu Magie. Nếu xảy ra các triệu chứng của tiền sản giật như phù chân tay, tăng huyết áp, protein nước tiểu… thì phải đi khám ngay để xử lý kịp thời.
7, Thiếu Vitamin D
Vitamin D cần thiết cho sự hấp thu Canxi, Phospho qua đường ruột và sự bám của Canxi, Phospho vào xương, răng…trong cơ thể. Thiếu Vitamin D sẽ dẫn tới tình trạng nhuyễn xuowng, co giật, loãng xương. Nguồn cung cấp vitamin D quan trọng, dồi dào nhất cho cơ thể (80%) là do sự tổng hợp trong da dưới tác dụng của của ánh sáng mặt trời.
Sau khi khảo sát mức độ vitamin D trong máu của hơn 3.200 thai phụ sinh non và sinh con đủ tháng, các nhà khoa học tại ĐH Pittsburgh (Mỹ) nhận thấy, nguy cơ sinh non gia tăng ở những bà bầu có lượng vitamin D thấp. Cụ thể, thai phụ có lượng vitamin D thấp, nguy cơ sinh con trước 37 tuần mang thai lớn hơn 11% những trường hợp có đủ vitamin D.
Nhóm nghiên cứu còn nhận thấy, thiếu hụt vitamin D trong quá trình mang thai sẽ khiến bà bầu có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, tiền sản giật (huyết áp cao và protein dư thừa trong nước tiểu), nhiễm trùng âm đạo và thậm chí là khiến sinh non hoặc thai nhi tử vong vì thiếu chất. Đối với bào thai trong bụng, khi bà mẹ bổ sung thiếu vitamin D, bé sau này có khả năng bị nhẹ cân, sâu răng, gia tăng bệnh hen suyễn và viêm nhiễm đường hô hấp, làm mềm hộp sọ ở trẻ sơ sinh. Do đó, trong thai kỳ, bà bầu nên lưu ý bổ sung vitamin D cho cơ thể bằng cách ăn uống và bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
8, Thiếu Vitamin C
Vitamin C hay còn gọi là axit ascorbic, là “thành viên” không thể thiếu trong quá trình hình thành các mô liên kết ở da, xương, đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương của cơ thể. Đối với phụ nữ mang thai, những người có hệ miễn dịch bị suy yếu, vitamin C giúp xây dựng “bức tường” bảo vệ cơ thể chống sự tấn công của các loại vi khuẩn. Ngoài ra, vitamin C còn giúp mẹ bầu hấp thu hiệu quả canxi và sắt trong thực phẩm.
Sự thiếu hụt vitamin C trong thời gian dài có thể gây chảy máu chân răng do kết cấu của các mao mạch dưới da bị phá vỡ. Liên tục trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
9, Thiếu Vitamin B6
Viamin B6 là loại vitamin tan trong nước (thông thường sẽ phải bổ sung hàng ngày). Tuy vậy, khác với các loại vitamin khác, vitamin B6 được cơ thể tích trữ trong các mô cơ. Có ba dạng Vitamin B6 được gọi là ’pyridoxal’, ‘pyridoxine’ và ‘pyridoxamine’. Cả ba dạng này đều cần thiết để có thể giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể (protein và chất béo) diễn ra tốt hơn, kích thích quá trình tạo ra tế bào mới + hồng cầu mới ở thai nhi, chống lại bệnh thiếu máu. Vitamin B6 cũng giúp cơ thể tạo ra bạch cầu (để bổ sung cho hệ miễn dịch của cơ thể). Vitamin B6 được coi là có ảnh hưởng tới quá trình nhận thức của não. Tuy vậy, sử dụng quá liều Vitamin B6 trong tam cá nguyệt đầu (12 tuần đầu tiên – hơn 100mg/ngày) có thể dẫn tới việc chân, tay và hệ thần kinh của thai nhi sẽ phát triển không bình thường.
10, Thiếu Vitamin A
Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu, tích lũy trong các mô ở cơ thể. Vitamin A đặc biệt quan trọng cho mắt, hệ miễn dịch và sự phát triển của các tế bào vùng miệng, lưỡi, dạ dày, nội tạng, phổi, tử cung. Cơ thể mẹ cần có một lượng vitamin A dự trữ đủ để cung cấp cho con và tăng sức đề kháng cho mẹ. Nhu cầu vitamin A của phụ nữ mang thai cao hơn so với bình thường, 800 µg/ngày. Tuy nhiên nếu phụ nữ mang thai tiêu thụ quá nhiều vitamin A có thể gây quái thai. Đặc biệt, đưa vitamin A liều lượng cao vào cơ thể thai phụ trong tam cá nguyệt đầu (12 tuần đầu) rất dễ gây ra sảy thai hoặc làm hỏng mắt, khuôn mặt, não, xương sống của trẻ. Do vậy, thai phụ cần phải được sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa với bấy kỳ loại thuốc nào có chứa vitamin A (ngay kể cả các loại kem bôi mặt có chứa nhiều vitamin A) để tránh tác dụng xấu cho thai nhi.
Dạng bổ sung an toàn của Vitamin A là Beta caroten, đây là tiền chất của Vitamin A, khi đưa vào cơ thể, Beta caroten sẽ được chuyển hóa dần thành Vitamin A theo nhu cầu của cơ thể, không gây tình trạng tích lũy vitamin A quá mức cho bà mẹ và thai nhi. Phụ nữ mang thai khi bổ sung Vitamin A nên chọn sản phẩm cung cấp dưới dạng tiền chất Beta caroten để an toàn hơn.
Tóm lại: nhu cầu mỗi loại chất dinh dưỡng khác nhau, chỉ cần một hàm lượng nhỏ mỗi ngày những lại có vai trò vô cùng quan trọng, nếu thiếu hụt các vi chất này trong thời gian mang thai sẽ gây nhiều ảnh hưởng, biến chứng tiêu cực tới cả mẹ và thai nhi. Thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày có thể chưa cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bà mẹ và thai nhi. Do đó, ngoài 4 nhóm thực phẩm chính là đạm, bột đường, chất béo và rau, thai phụ cần bổ sung thêm nhiều loại vi chất dinh dưỡng khi mang thai để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh, góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh trong xã hội hiện nay.
DS. Minh Ninh
2 thoughts on “Thiếu vi chất dinh dưỡng khi mang thai”
E bị rối loạn noi tiết tố khi mang thai ở tháng đầu tiên vậy có sao không bác sĩ.
Chào bạn,
Khi mang thai nội tiết tố có nhiều thay đổi, đặc biệt là với sự gia tăng của hormon HCG, progesteron, estrogen. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển của thai nhi, nếu thay đổi phù hợp thai nhi sẽ phát triển tốt, và ngược lại có thể khiến thai kỳ gặp nguy hiểm. Không rõ tình trạng rối loạn nội tiết của bạn thế nào? Để xác định rõ và có biện pháp khắc phục kịp thời thì bạn cần tới bác sĩ để được thăm khám và cho lời khuyên cụ thể.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!