Trong thời kỳ mang thai, lượng hồng cầu của người mẹ tăng lên đáng kể. Nếu chế độ dinh dưỡng của người mẹ thiếu các yếu tố tạo máu, người mẹ rất dễ bị thiếu máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh, tổn thương bẩm sinh, thậm chí tử vong của mẹ và bé. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa thiếu máu ở phụ nữ mang thai như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Ảnh minh họa: Thiếu máu ở phụ nữ mang thai
Nhận biết dấu hiệu thiếu máu khi mang thai?
Xem thêm: Phân biệt thiếu máu và thiếu máu thiếu sắt khi mang thai
Khi tình trạng thiếu máu nhẹ, thai phụ có thể không có bất kì triệu chứng nào. Thai phụ cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu, chóng mặt, tuy nhiên, đây là những triệu chứng mà hầu hết phụ nữ mang thai nào cũng trải qua dù có thiếu máu hay không. Nhưng cơ bản một số triệu chứng thiếu máu có thể dễ nhận thấy là:
- Da tái xanh, yếu ớt và không khoẻ như bình thường.
- Mệt mỏi bất thường, uể oải, không có khả năng chịu đựng như bình thường.
- Cảm thấy khó chịu, dễ bực tức.
- Dễ bị nhiễm bệnh.
- Khó thở, cảm giác như leo cầu thang cao hoặc đi bộ thật nhanh mà không được nghỉ để lấy hơi.
- Nhức đầu, xỉu. Bệnh nhân thiếu máu thường cảm thấy đau đầu.
- Phần niêm mạc trong mi mắt dưới sẽ hồng nếu lượng hồng cầu bình thường và sẽ nhợt nhạt nếu thiếu máu.
- Một số phụ nữ thiếu máu nặng khi mang thai thích ăn những thứ không ăn được như đất sét, cát, phấn… là vì cơ thể họ quá thiếu sắt trong khi những chất này liên quan đến quá trình hấp thu sắt và có thể giải quyết phần nào.
Xét nghiệm máu là cách duy nhất để biết tình trạng thiếu máu khi mang thai
Nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu máu khi mang thai?
Nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai là do chế độ ăn chưa cung cấp đủ nhu cầu. Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh tiến hành điều tra cho thấy lượng sắt và acid folic trong khẩu phần ăn của nhiều phụ nữ mang thai chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu khuyến nghị. Ngoài ra, có một số nguyên nhân dẫn đến thiếu máu khi mang thai như:
- Nồng độ huyết sắc tố trong máu ở mẹ có thể giảm rất đột ngột do nhu cầu tăng trưởng của bé.
- Sự gia tăng thể tích máu trong thai kì cũng gây thiếu máu vì nồng độ huyết sắc tố giảm do bị pha loãng so với bình thường.
- Chế độ ăn uống ít chất sắt. Thực đơn ăn kiêng hà khắc, hoặc chỉ ăn các loại thức ăn năng lượng thấp đều có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến thiếu máu.
- Bà bầu nhẹ cân khi bắt đầu mang thai hoặc bà bầu nghén nặng sẽ có nguy cơ thiếu máu cao hơn những bà bầu khác.
- Các loại mất máu như doạ sẩy thai, xuất huyết trước sinh hoặc các loại xuất huyết khác đều có thể là nguyên nhân của thiếu máu.
- Nguy cơ thiếu máu cao hơn nếu mang đa thai.
- Thời gian để nguồn sắt dự trữ tái bổ sung sẽ không đủ nếu thai kì lần này quá gần lần sảy thai trước.
- Các bệnh lý mạn tính có liên quan đến máu cũng là nguyên nhân gây ra thiếu máu.
3, Ảnh hưởng tiêu cực của thiếu máu đến sức khỏe của mẹ và bé?
Tuy với một lượng rất nhỏ, được xếp vào hàng nguyên tố vi lượng, nhưng sắt lại là một trong những thành phần cơ bản tạo nên hồng cầu, tham gia vào sự vận chuyển ôxy, sự hô hấp tế bào, quá trình miễn dịch của tế bào, thúc đẩy hoạt tính của men sinh học, kích thích sự chuyển hoá của cơ thể, cần thiết cho sự phát triển thể lực cũng như phát triển hệ thần kinh trẻ em…
Thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Mẹ bị thiếu máu dễ bị sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản. Ngoài ra, nếu có xuất huyết hậu sản sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người mẹ. Trẻ sinh ra bởi những người mẹ thiếu máu cũng dễ bị thiếu máu. Bên cạnh đó, trẻ còn có khả năng bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ còn có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác. Thiếu máu có nhiều dạng khác nhau, thông thường, thiếu máu tập trung vào nhóm thiếu các chất dinh dưỡng như Sắt, Acid Folic, Vitamin B12. Thiếu mỗi chất trên lại có thể gây ra những vấn đề sức khỏe cho mẹ và bé khác nhau, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là thiếu acid folic khi mang thai, có thể gây dị tật ống thần kinh và ảnh hưởng vĩnh viễn tới đứa trẻ sau này.
4, Cách phòng ngừa thiếu sắt, thiếu máu cho phụ nữ mang thai:
Để kiểm soát và phòng ngừa tình trạng thiếu máu khi mang thai, các bác sĩ khuyên thai phụ cần:
- Bổ sung sắt dạng thuốc, thực phẩm bổ sung, thực phẩm với liều khuyến cáo (30mg/ngày).
- Bổ sung axit folic liều 400mcg – 600mcg/ngày suốt từ khi chuẩn bị mang thai tới khi ngừng cho con bú.
- Bổ sung vitamin B12 dạng viên hoặc bổ sung qua chế độ ăn. Nguồn dinh dưỡng nhiều B12 là các thực phẩm như trứng, thịt và sữa.
- Bổ sung vitamin C cũng cần thiết cho quá trình hấp thu sắt. Thức ăn là nguồn cung cấp vitamin C lý tưởng. Tuy nhiên, vitamin C sẽ tan trong nước chứ không dự trữ lâu trong cơ thể. Nếu chọn phương pháp bổ sung vitamin C qua chế độ ăn, bạn nên đảm bảo ngày nào cũng có thực phẩm giàu vitamin C trong bữa ăn.
- Tăng cường sắt qua chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại thực phẩm giàu sắt. Thịt đỏ như thịt bò, thịt bê, thịt cừu là lựa chọn tốt nhất, nhưng thịt gia cầm cùng với các loại thịt khác và các loại sò, hến cũng là những nguồn cung cấp sắt dồi dào. Các loại thức ăn giàu sắt có nguồn gốc thực vật bao gồm đậu, đậu hũ, nho khô, chà là, mận khô, mơ, khoai tây nguyên vỏ, bông cải, củ cải đường, các loại rau xanh, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và các loại ngũ cốc tăng cường sắt.
- Nếu người mẹ thiếu máu nặng, có thể bổ sung sắt bằng cách tiêm hoặc đôi khi phải truyền máu, nhưng phải có chỉ định của bác sỹ. Phụ nữ trước khi mang thai bị thiếu máu nặng thường được khuyên là không nên mang thai để tránh các biến chứng phức tạp cho mẹ và bé cho tới khi bổ sung đầy đủ cho cơ thể.
Tóm lại: Trong suốt thời kỳ mang thai, trước khi mang thai và khi cho con bú, người phụ nữ cần đặc biệt lưu ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các chất tạo máu như đạm, sắt, folic acid, Vitamin B12. Chế độ ăn thông thường đối với phụ nữ mang thai có thể không đủ để cung cấp các dưỡng chất trên cho cơ thể thì các bà mẹ hãy bổ sung thêm từ nguồn thuốc, thực phẩm bổ sung để đảm bảo nhu cầu sắt mỗi ngày đạt 30mg, acid folic là 400mcg, Vitamin B12 là 2.6mcg.
Xem thêm: Hướng dẫn bổ sung sắt khi mang thai
Hoài Phương
6 thoughts on “Thiếu máu ở phụ nữ mang thai”
Bài viết hay
Cần tư vấn kĩ
E mang thai 34w bác sỉ bảo đa ối nhueng k can thiệp uống thuốc, khoang sâu nhất 85mm, vậy có s k ạ? Làm s để trở nên bình thường, và có phải sinh mổ k ạ?
Chào bạn Thu Gấm,
Đa ối là do sự sản xuất quá mức nước ối hoặc do rối loạn tái hấp thu của nước ối. Đa ối khiến tử cung to, chèn ép vào cơ hoành gây khó thở, thậm chí có thể dẫn đến suy hô hấp cho mẹ. Biến chứng hay gặp khi sinh là là chảy máu do đờ tử cung, rau bong non, ngôi thai bất thường làm tăng chỉ định các thủ thuật can thiệp… Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng diễn biến của đa ối.
Khi bị đa ối, việc thăm khám định kỳ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ là điều cần thiết. Dựa vào mức độ qua mỗi lần thăm khám mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp. Ngoài ra, bạn nên tăng cường nghỉ ngơi, ăn ít muối. Nếu xuất hiện khó thở, đau bụng hoặc đi lại khó khăn thì cần nhập viện ngay. chỉ định sinh mổ hay sinh thường phụ thuộc vào sức khỏe thai kỳ của bạn, mức độ đa ối và diễn biến cuộc sinh. Bạn nên tin tưởng và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông!
Xin chào bác sĩ!
E mang bầu được 11 tuần. Đi khám thai thì bác sĩ cho uống kết hợp 1 viên ironic 200 với 1 viên blue mom uống 1 ngày 1 lần. E áp dụng cho đến nay là 1 tháng rồi ạ. Không biết có phải do thuốc hay không mà khi đi ngoài e bị bón có cả mũi nữa ạ. Và mỗi khi e thay đổi tư thế là bị chóng mặt, trước mặt thì tối đen e phải bám vào 1 vật gì đó sau 1 lúc mới trở lại bình thường. Triệu chứng như vậy có ảnh hưởng gì tới thai nhi không ạ.mong bác sĩ tư vấn giúp e. Chân thành cảm ơn bác sĩ!
Chào bạn Hương Lan,
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hoa mắt, chóng mặt ở bà bầu. Khi mang thai, lượng máu của cơ thể tăng lên khiến nhip tim tăng lên, tốc độ bơm máu cũng tăng; một khi các sự điều chỉnh này không diễn ra kịp thời sẽ gây ra hiện tượng chóng mặt. Thay đổi tư thế đột ngột làm tụt huyết áp cũng gây choáng váng, chóng mặt; việc ăn uống thiếu dưỡng chất gây tụt đường huyết gây chóng mặt, hoa mắt, thậm chí ngất xỉu. Và thiếu máu do thiếu sắt cũng là một nguyên nhân chính dẫn tới máu không cung cấp đủ lên não khiến mẹ bầu chóng mặt đau đầu. Ngoài ra việc tập luyện quá mức hay lo lắng dẫn đến việc thở quá nhanh cũng gây hoa mắt, chóng mặt… Để giảm bớt bạn nên ăn uống đủ chất, tránh thay đổi tư thế đột ngột, uống nhiều nước, tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, giữ tâm trạng thoải mái,…
Bác sĩ đã cho bạn bổ sung sắt hàm lượng cao để điều trị thiếu máu thiếu sắt. Với liều cao như vậy thì việc bạn gặp hiện tượng táo bón là khó tránh khỏi. Để giảm bớt táo bón bạn nên uống nhiều nước, tăng cường ăn nhiều rau quả để bổ sung chất xơ và các dưỡng chất cần thiết khác.
Do đã điều trị 1 tháng mà hiện tượng chóng mặt vẫn còn và khá nặng như vậy thì bạn nên đi khám lại để bác sĩ kiểm tra và có hướng điều trị thích hợp. Bản thân hiện tượng chóng mặt không ảnh hưởng tới thai nhi, nhưng nguyên nhân gây ra hiện tượng đó thì có thể gây ảnh hưởng không tốt tới thai kỳ. Vì vậy, bạn hãy đi khám lại luôn bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!