Tăng cân ở bà bầu là chuyện hết sức bình thường nhưng tăng cân khi mang thai như thế nào là hợp lý thì không phải ai cũng biết. Tăng cân quá nhiều hay quá ít đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thai nhi và bà mẹ, thậm chí làm tăng nguy cơ sinh non, đái tháo đường ở bà mẹ và em bé…
Tăng cân hợp lý sẽ tốt cho cơ thể bà mẹ và thai nhi
Thừa cân hoặc thiếu cân khi mang thai ảnh hưởng thế nào?
Những bà mẹ tăng cân quá nhiều trong thai kì thường có thai to và có thể đối mặt với một số biến chứng. Các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ tăng cân khi mang thai vượt quá mức khuyến cáo có nguy cơ phải sinh mổ hoặc sinh non. Đồng thời cũng rất khó giảm cân sau khi sinh ở những bà mẹ này và trong lần sinh con tiếp theo cân nặng lại có xu hướng tăng thêm. Nghiên cứu của Kathleen và cộng sự năm 2009 cũng chỉ ra nếu thừa cân khi mang thai, bạn dễ gặp phải các biến chứng bao gồm tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật.
Ngoài ra, những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì khi mang thai thường có chất lượng sữa kém và đứa trẻ sinh ra có nhiều khả năng thừa cân, béo phì và đái tháo đường.
Đối với những phụ nữ thiếu cân trước khi mang thai hoặc tăng cân không đủ trong quá trình mang thai lại có nguy cơ cao bị sinh non và sinh con nhẹ cân (dưới 2,5kg). Sinh non có thể gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe, thậm chí em bé có thể tử vong nếu đươc sinh ra quá sớm.
Kiểm soát tốt cân nặng giúp phòng tránh được nhiều nguy cơ khi mang thai
Tăng cân khi mang thai như thế nào là hợp lý?
Trọng lượng cần tăng khi mang thai phụ thuôc vào cân nặng và chiều cao của bạn trước khi mang thai. Mối quan hệ giữa chiều cao và cân nặng được thể hiện qua chỉ số BMI. Dưới đây là mức tăng cân chuẩn theo khuyến cáo của Viện Y học Hoa Kì (IOM):
- Đối với người có cân nặng bình thường (chỉ số BMI là 18,5-24,9): nếu cân nặng trước khi mang thai của bạn bình thường, bạn nên tăng từ 11 đến 16 kg trong cả thai kì. Tăng 0,5-2kg trong ba tháng đầu và khoảng 0,5kg trong mỗi tuần còn lại của thai kỳ sẽ tối ưu hóa sự phát triển của thai nhi.
- Thiếu cân (BMI dưới 18,5): nếu bạn bị nhẹ cân so với chiều cao của mình, bạn cần tăng 13 đến 18kg trong cả thai kì.
- Thừa cân (BMI từ 25 đến 29.9): nếu bị thừa cân so với chiều cao, bạn nên tăng từ 7 đến 11kg trong cả thai kì.
- Béo phì (chỉ số BMI là 30 hoặc cao hơn): bạn nên tăng từ 5 đến 9kg trong cả thai kì.
- Mang thai đôi: nếu mang thai đôi bạn nên tăng thêm 17-24kg trong thai kì nếu trước đó bạn có cân nặng bình thường, 14-23kg nếu bạn bị thừa cân, và 11-19kg nếu bạn bị béo phì.
Kiểm soát cân nặng hợp lý trong thai kì
Theo báo cáo của Kathleen, khoảng 50% phụ nữ không đạt được cân nặng như khuyến cáo trong quá trình mang thai. Bạn hãy lưu ý những điểm dưới đây để đảm bảo cân nặng trong thai kì, giúp em bé được phát triển một cách tốt nhất và hạn chế nguy cơ đái tháo đường thai kì, tiền sản giật nhé:
- Chế độ ăn uống lành mạnh là điều quan trọng nhất trong quá trình mang thai. Theo IOM, trong tam cá nguyệt thứ nhất, hầu như bạn không cần tăng thêm calo trong chế độ ăn, bởi khi đó em bé của bạn vẫn còn rất nhỏ và dinh dưỡng cần cung cấp không đáng kể. Khi em bé lớn hơn, bạn cần bổ sung lượng calo nhiều hơn. Trong tam cá nguyệt thứ hai, bạn cần bổ sung 340 calo một ngày và trong tam cá nguyệt thứ ba là 450 calo một ngày.
Chế độ dinh dưỡng trong thai kì là rất quan trọng
- Tập các bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hay bơi sẽ rất có lợi cho sức khỏe và cân nặng của bạn. Tuy nhiên bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước và không nên thực hiện những động tác mạnh hoặc khó.
- Thường xuyên theo dõi cân nặng để có sự điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lí trong qua trình mang thai.
- Nếu bạn đang thừa cân: không nên ăn kiêng mà hãy tìm một chế độ ăn hợp lí hơn với ít đồ ăn gây tích lũy chất béo, và quan trọng là vẫn phải đủ các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu như sắt, canxi, acid folic, DHA, EPA… cho em bé phát triển. Kết hợp với chế độ thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn giảm được nguy cơ mắc đái tháo đường và tiền sản giật.
- Nếu bạn đang thiếu cân: tam cá nguyệt thứ nhất là giai đoạn mà nhiều bà mẹ gặp tình trạng ốm nghén. Sợ thức ăn khi ốm nghén sẽ khiến bạn mất đi nguồn dinh dưỡng từ thức ăn cần cho cơ thể mình và em bé. Lời khuyên cho các bà mẹ thiếu cân là hãy ăn thành các bữa nhỏ trong ngày, ít nhất là 6 bữa. Việc ăn các bữa ăn nhỏ như vậy sẽ giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn, giảm cảm giác buồn nôn, đồng thời giúp duy trì mức đường huyết và năng lượng trong suốt cả ngày.
- Trong trường hợp bạn không thể ăn đủ chất, hãy tìm đến các chế phẩm bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất. Các mẹ cũng cần lưu ý lựa chọn những chế phẩm có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng từ những thương hiệu uy tín.
Như vậy, tăng cân hợp lý khi mang thai sẽ giúp bạn có một thai kì khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ sinh con non, nhẹ cân, đái tháo đường…Để đảm bảo cân nặng trong quá trình mang thai, các mẹ cần có một chế độ ăn lành mạnh kết hợp với việc tập thể dục thường xuyên. Sử dụng viên uống bổ sung khi chế độ ăn uống bị thiếu hụt hoặc mất cân bằng dinh dưỡng là cần thiết để em bé phát triển tốt, phòng tránh các dị tật cũng như đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ.
DS. Nguyễn Quỳnh