60% các bà mẹ đang mang thai đều gặp trình trạng suy giãn tĩnh mạch. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng suy giãn tĩnh mạch lại gây khó chịu, lo sợ và làm cho sức khỏe mẹ bầu kém đi.
[toc]
Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Suy giãn tĩnh mạch là hiện tượng mạch máu sưng gồ lên, chằng chịt và ngoằn nghèo như những đường gân xanh, tím, xuất hiện trên các vùng da như bắp chân, âm hộ hoặc ở những nơi khác.
Ngoài mạng lưới chằng chịt nổi trên da này, bạn sẽ cảm nhận được sự nặng nề và đau nhức ở chân cũng như ở vùng da xung quanh gây khó chịu, thậm chí mất ngủ.
Các triệu chứng tăng dần hơn vào cuối ngày, đặc biệt sau những ngày bạn phải đứng hoặc đi bộ nhiều.
Nếu bạn đã bị suy giãn tĩnh mạch trước khi mang thai, tình trạng này có xư hướng nặng hơn trong thai kì.
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch khi mang thai?
Thai nhi phát triển gây cản trở máu chảy về tim
Khi em bé trong bụng bạn càng phát triển, tử cung lớn lên sẽ càng chèn ép tĩnh mạch lớn ở bên phải cơ thể (tĩnh mạch chủ dưới), tăng áp lực trong tĩnh mạch chân. Việc giảm lưu thông máu do sự chèn ép của tử cung cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ suy giãn tĩnh mạch hơn.
Sự gia tăng của hóc- môn khi mang thai
Lượng progesterone tăng lên dẫn đến tình trạng giãn, sưng các tĩnh mạch, hình thành các tĩnh mạch hình sợi hay tĩnh mạch dạng mạng nhện.
Ngoài ra, sự rối loạn của các nội tiết tố phụ nữ trong thời kỳ mang thai cũng làm dãn thành của tĩnh mạch, góp phần vào sự ứ trệ tuần hoàn và làm máu về tim khó khăn hơn
Di truyền
Khả năng bị suy giãn tĩnh mạch sẽ cao hơn nếu các thành viên khác trong gia đình bạn mắc bệnh này.
Ngoài ra, nếu bạn đã bị suy giãn tĩnh mạch, tình trạng của bạn có xu hướng trở nên nặng hơn với mỗi lần mang thai và khi bạn lớn tuổi hơn.
Đa thai
Mang song thai, đa thai, tăng cân quá mức trong thai kì hoặc thường xuyên đứng trong thời gian dài cũng có thể khiến mẹ bầu có nhiều khả năng bị suy giãn tĩnh mạch.
Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Suy giãn tĩnh mạch có thể ngứa hoặc đau, trông xấu xí với những đường lằn chằng chịt gồ lên, nhưng chúng thường vô hại với mẹ bầu và với sự phát triển của bé. Mọi việc điều trị, nếu cần thiết, thường có thể được hoãn lại cho đến sau khi bé đã chào đời.
Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ những người bị suy giãn tĩnh mạch có thể phát triển các cục máu nhỏ gần bề mặt da (huyết khối tĩnh mạch nông), khiến tĩnh mạch có thể cứng, giống như dây thừng, khu vực xung quanh trở nên đỏ, nóng và đau.
Ngoài ra, nếu không được điều trị kịp thời thì thai phụ sẽ bị máu ứ trệ trong lòng của tĩnh mạch chân, tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch và thoát dịch ra ngoài gây phù. Càng gần đến ngày sinh thì sẽ bị phù nhiều hơn và các van tĩnh mạch cũng như hệ thống tĩnh mạch chi dưới bị suy giãn ra, đóng không kín, thành tĩnh mạch đã bị giãn và không hồi phục ngay cả sau khi sinh.
Vì vậy, hãy đến bác sĩ để được tư vấn ngay nếu bạn thấy xuất hiện tình trạng nhiễm trùng quanh khu vực này, khi chân bạn sưng nặng, khi vùng da gần tĩnh mạch đổi màu, hoặc bất kỳ khi bạn cảm thấy không an tâm về tình trạng của mình.
Tin vui là chứng giãn tĩnh mạch có xu hướng cải thiện sau khi bạn sinh con, do giảm đáng kể áp lực trong ổ bụng làm cho máu chảy về tim dễ dàng hơn. Khi đó, mọi khó chịu đều biến mất.
Điều trị và phòng ngừa suy giảm tĩnh mạch khi mang thai
Bạn có thể giảm thiểu và ngăn ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai bằng các biện pháp sau:
Tăng cân hợp lý, tránh bồi dưỡng nhiều làm thai phát triển quá to, không những gây suy giãn tĩnh mạch mà còn khó khăn trong việc sinh nở.
Không đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, nên thường xuyên đứng dậy, vận động để máu huyết lưu thông.
Không ngồi bắt tréo chân, vì tư thế này giảm lưu thông máu ở chân.
Gác chân trên bục thấp (khoảng 15-20cm) giúp lưu thông máu dễ dàng hơn.
Tập thể dục thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ, phù hợp với tình trạng thai kì
Nằm nghiêng sang trái để giảm áp lực lên tĩnh mạch lưu thông mang máu từ chân lên đến tim.
Việc sử dụng các loại thuốc làm bền và tăng trương lực của thành mạch mặc dù không có hại gì cho người mẹ và thai nhi, nhưng đây vẫn là biện pháp sử dụng rất hạn chế do lo ngại tác dụng phụ đến thai nhi.
Một số trường hợp có thể sử dụng các loại tất Y khoa theo chỉ định của bác sĩ. Tác dụng của vớ là tăng tác động cơ học lên thành tĩnh mạch, giảm đường kính của các tĩnh mạch chân và làm cho các van tĩnh mạch luôn áp sát vào nhau, giúp cho sự lưu thông máu theo một chiều từ ngoại vi về tim được dễ dàng.
Theo Procarenv.vn