Sau một năm lao động thì Tết là thời gian mà vợ chồng con cái và cả gia đình được nghỉ cùng với nhau. Việc tận hưởng những phút giây này để đi du lịch mang lại tinh thần thoải mái, sảng khoái cho thai phụ. Vấn đề đặt ra ở đây là mẹ bầu đi du lịch thì phải lưu ý những vấn đề gì để an toàn cho cả mẹ và con? Chúng ta hãy cùng lắng nghe những tư vấn của bác sĩ về vấn đề này.
Mang thai có nên đi du lịch?
Người phụ nữ phải làm thiên chức của mình là làm vợ và làm mẹ. Khi có bầu là chúng ta làm thiên chức của mình chứ chúng ta không phải là bệnh nhân. Do đó chúng ta có cuộc sống giống như người bình thường, tuy nhiên bạn cần chú ý và quan tâm hơn một chút. Nhu cầu đi du lịch luôn có ở tất cả mọi người, có bầu vẫn được đi du lịch. Tuy nhiên các bạn biết rằng thời gian ba tháng đầu mới có bầu, thai mới bám trong tử cung và nhau mới bám vào để lấy máu nuôi thai nên bạn cần chú ý làm sao cho thai tốt, tránh động thai. ba tháng cuối thì bụng đã to, ngồi lâu hoặc đi đường dài gây mệt mỏi cho thai phụ. Nên trong y khoa hoặc trong sản khoa có lời khuyên cho các bạn là đi vào ba tháng giữa trong thai kỳ là hợp lý và an toàn nhất. Tỷ lệ ảnh hưởng tới thai như động thai, sảy thai, sinh non… là thấp nhất trong ba giai đoạn mang thai. Do vậy, khoảng từ 18-24, 25 tuần tuổi thai là thời điểm chúng ta đi du lịch tốt nhất.
Bà bầu khi đi du kịch thì nên chuẩn bị gì và chuẩn bị như thế nào?
Các bạn thấy rằng khi thực hiện một vấn đề gì đó, nếu bạn chuẩn bị càng chu đáo càng tốt bao nhiêu thì quá trình thực hiện những điều mong muốn càng tốt và dễ dàng bấy nhiêu. Với bà bầu khi đi du lịch cần chú ý một số điều sau:
Quãng đường di chuyển: muốn đi du lịch bạn phải xem quãng đường di chuyển của mình là bao xa, có phù hợp hay không để chúng ta quyết định là có đi hay không? Ví dụ chúng ta thấy rằng thai đã được 26, 27 tuần rồi, nếu đi xa quá như bay sang Mĩ chẳng hạn, lúc trở về thì cái thai quá lớn sẽ gây nguy hiểm. Hoặc là thai nhỏ hơn thì cũng không tốt, dễ bị động thai, nên mình cần chuẩn bị quãng đường phù hợp. Chọn cả quãng đường di chuyển khoảng từ 5 tiếng trở về thôi chứ không nên chọn đi xa quá.
Trang phục: mẹ bầu nên chọn trang phục thoải mái, vải mềm, hút mồ hôi và co giãn tốt.
Thực phẩm: mẹ bầu khi đi xa thì đồ ăn không thể giống như người bình thường. Chúng ta nên ăn thức ăn nóng mới nấu, hạn chế tối đa những đồ lạnh và để lâu vì sức đề kháng của phụ nữ mang thai yếu hơn người bình thường, đồ ăn lạnh và để lâu có thể nguy hiểm tới đường tiêu hóa. Bà bầu thường hay ăn vặt nên bạn cần chuẩn bị một số đồ ăn vặt mang đi theo.
Tình trạng sức khỏe: Trước khi du lịch nên đi khám bác sĩ trước, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn xem thai có ổn định và có thể đi du lịch được hay không? Với quãng đường như vậy có an toàn không và phải chú ý gì? Nhớ là khi đi du lịch phải mang theo hồ sơ khám thai phòng khi lỡ có gì xảy ra thì y tế tại nơi đó có thể dựa vào hồ sơ để giải quyết ngay cho bạn. Những thuốc vẫn đang uống như Procare, canxi nhớ mang đi và cần tiếp tục uống mỗi ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cho mẹ và bé. Khi thai hơi lớn một chút, khoảng 26-28 tuần, nếu đi bằng đường máy bay có thể bạn cần chuẩn bị giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện chứng minh rằng thai của bạn hoàn toàn khỏe mạnh và bạn có thể đi được.
Xem thêm: Bổ sung vitamin tổng hợp cho bà bầu
Bảo hiểm du lịch: mẹ bầu nhớ mua bảo hiểm du lịch để phòng chuyện không may xảy ra.
Người thân đi cùng: mẹ bầu nên đi du lịch với chồng là tốt nhất. Chồng sẽ là người chia sẻ với mình, chuẩn bị cùng mình, giúp mình trong suốt quá trình di chuyển,…
Phương tiện di chuyển: các phương tiện di chuyển như máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, xe hơi thì phương tiện nào cũng có thể thực hiện được. Nhưng một số trường hợp phải chú ý như những phụ nữ mang thai bị say se, say sóng thì chúng ta pải chuẩn bị như thế nào để đi cho an toàn? Những loại thuốc chống say xe, say sóng thì không uống ở phụ nữ mang thai, tuy nhiên chúng ta có thể dùng loại dán vào các huyệt như cổ tay, sau mang tai. Người ta đã chứng minh miếng dán say tàu xe là an toàn với thai phụ cho nên bạn có thể dùng. Bạn nên lựa chọn đi phương tiện nào mà trong thời gian 1 đến 2 giờ đồng hồ mình có thể đi lại được là tốt nhất. Người phụ nữ mang thai, máu chân dễ bị xuống và đọng ở phẩn chi. một trong những điều người ta sợ là thuyên tắc mạch có thể gây nguy hiểm. Chúng ta đi lại như vậy sẽ phòng ngừa được điều đó khiến ta an tâm hơn. Chú ý lựa chọn phương tiện là quan trọng, bạn cần ngồi ở tư thế thoải mái và nhớ cài dây an toàn theo đúng quy đình. Dây an toàn có khả năng co giãn nên sẽ không làm ảnh hưởng đến thai. Do đó, bạn chọn phương tiện nào cũng được nhưng cần có thời gian nghỉ ngơi sau mỗi 1-2h.
Các trường hợp bà bầu được khuyến cáo không nên đi du lịch
Có tiền căn bất thường trong thai kỳ trước đây hoặc là trong thai kỳ lần này, ví dụ tiền căn sảy thai, sinh non không nên đi.
Bệnh lý trong thai kỳ không nên đi xa, làm việc nặng như: nhau tiền đạo, nhau bám dưới cổ tử cung. Bình thường nhau bám ở phía trên, khi nhau bám dưới mà đi lại nhiều, đường sóc, xa, có thể hở cổ tử cung, máu ra nhiều gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và em bé. Nhau tiền đạo là một trong những bệnh lý chúng tôi phải tư vấn đầu tiên.
Bệnh cao huyết áp chúng ta cũng không nên đi. Những trường hợp như cao huyết áp nếu chẳng may khi đi mệt mỏi, múi giờ thay đổi, huyết áp tăng lên và có thể nguy hiểm.
Bệnh hở eo tử cung không được đi. Cổ tử cung bình thường nó phải đóng trong suốt thai kỳ, đến ngày sinh mới mở ra khoảng 10 phân để em bé đi ra. Một số trường hợp cơ tử cung bị yếu, 15-18 tuần tự nhiên cổ tử cung mở, thai tụt ra. Những trường hợp đó gọi là hở eo tử cung. Vì vậy hở eo tử cung không nên đi xa, có thể mẹ bầu đã khâu cổ tử cung rồi nhưng không thể đảm bảo an toàn 100% nên bạn cần tránh.
Bệnh lý khác như tim mạch, thiếu máu, tiền căn thuyên tắc cục máu đông, đa thai, đa ối, tử cung quá căng…Trong quá trình di chuyển lâu làm mẹ bầu mệt, khó thở, có thể xuất hiện các cơn gò khiến sinh non. Tóm lại các trường hợp mang thai mà có tiền căn bất thường trong giai đoạn trước đây hoặc bất thường giai đoạn này thì nên ở nhà để đảm bảo an toàn.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà – Giám đốc Y khoa bệnh viện phụ sản Mê Kông
6 thoughts on “Du lịch ngày Tết, mẹ bầu bỏ túi các lời khuyên hữu ích sau của bác sĩ”
Vợ tôi bầu 28 tuần, gần đây hai vợ chồng đều bị cảm cúm không biết có sao không thưa bác sĩ?
Chào bạn Minh Tùng,
Khi mang thai đề kháng của người phụ nữ kém hơn bình thường nên dễ bị lây bệnh. Nhưng bạn cứ yên tâm vì khi thai 28 tuần là các cơ quan của bé được thành lập đầy đủ rồi, ảnh hưởng đến em bé rất hiếm chứ không có nhiều, bạn không cần quá lo lắng. Bạn nên đưa vợ đi khám bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ sẽ khám cho bạn để biết thai như thế nào, nhau như thế nào, tình trạng thai ra sao? Bác sĩ cho thuốc, bạn yên tâm thực hiện theo toa đó vì khi bác sĩ sản cho toa thì họ biết chọn những loại thuốc chữa được bệnh mà không gây nguy hiểm cho em bé.
Hiện đang có dịch sốt xuất huyết với dấu hiệu sốt giống như cảm vậy, nếu sốt cao tới hai ngày thì nên tới bệnh viện để thử sem có phải do vi khuẩn sốt xuất huyết hay không? Sốt có do bệnh gì đặc biệt hay không và có thể nếu nghi ngờ zika thì có thể phát hiện được. Bạn nên đi khám bác sĩ luôn chứ không nên để lâu bạn nhé!
Chúc gia đình bạn nhiều sức khỏe!
Tôi 46 tuổi sống độc thân. Từ 40 tuổi tôi mất kinh, giờ có cảm giác nóng trong người vô cùng khó chịu, không biết tôi bị làm sao thưa bác sĩ?
Chào bạn Thanh Hoàng,
Các bạn biết rằng, người phụ nữ có được thân hình phụ nữ, giọng nói phụ nữ, tất cả hoạt động khác trong cơ thể của phụ nữ là nhờ hoạt động của buồng trứng. Buồng trứng tiết ra nội tiết tố nữ là Estrogen và Progesterol. Nội tiết đó giúp cho chúng ta là phụ nữ. Khi buồng trứng không còn nang noãn và không tiết ra nội tiết đó nữa thì chúng ta sẽ bị các triệu chứng giống như chị tả là bị nóng bừng bừng, ở mặt gọi là bốc hỏa, nóng cả sau lưng, cả ở tay, chân… y như bị nước sôi để gần bên. Lúc thì đổ mồ hôi, sau một hồi lại thấy lạnh, nóng lạnh thất thường. Các triệu chứng nóng, mất ngủ, đổ mồ hôi rồi đau nhức khắp người, từ đỉnh đầu tới các ngón chân, chỗ nào cũng đau. Từ đó chúng ta hiểu, cả một quá trình mấy chục năm nhờ nội tiết tố nữ chúng ta phát triển bình thường và cơ thể chúng ta đã bị phụ thuộc vào nội tiết tố đó, giờ đến tuổi nội tiết tố đó không tiết ra nữa khiến chúng ta như người bị thiếu thuốc.
Để giảm bớt triệu chứng đó bạn nên đến bác sĩ sản phụ khoa để được thăm khám. Bác sĩ sẽ đo lượng nội tiết cho bạn xem thiếu ở mức độ nào và cho bù bằng thuốc thích hợp. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp như bạn, mãn kinh sớm rất khó chịu, kèm thêm loãng xương nữa. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các bạn để được nội tiết giống như trước kia, nhưng sau chúng tôi sẽ giảm liều từ từ để bạn quen dần. Tuy nhiên bạn không thể tự mua thuốc để dùng mà cần sự theo dõi của bác sĩ. Vì đây không phải là thuốc bổ, cần có theo dõi của bác sĩ xem vú có u hay không? Niêm mạc tử cung có dày không bởi vì một trong các tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra ung thư nội mạc tử cung hay nó gây bùng phát ung thư vú. Do đó chúng ta có thể dùng thuốc an toàn nhưng với điều kiện phải có theo dõi của bác sĩ.
Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Tôi 28 tuổi, có thai bé thứ hai được 16 tuần. Đi khám thấy bị động thai 5% từ 4 tuần tới giờ. Bác sĩ cho hỏi như vậy có ảnh hưởng gì tới bé. Chế độ ăn uống như thế nào để tốt cho thai nhi?
Chào bạn Hoàng Vi,
Bạn yên tâm vì tỷ lệ bong của túi thai 5% thì rất là ít. Trường hợp máu tụ sau túi thai đó có thể rất nhiều tuần sau mới tiêu hết nên khi bạn siêu âm vẫn thấy còn. Nếu không bị ra huyết, đặc biệt là huyết đỏ tươi, nghĩa là không có bong thêm thì bạn không có gì phải lo lắng. Theo như sản khoa, bong từ 5% trở xuống thì tương đương như bình thường. Mỗi lần đi khám bạn có thể hỏi thêm bác sĩ để bác sĩ giải thích thêm và hỗ trợ khi cần thiết. Ăn uống thì bạn cần chú ý một số đồ ăn có chất gây co tử cung như: đu đủ xanh có mủ, rau răm, rau bồ ngót, thơm, khóm là 5 món ăn trong dân gian có thành phần gây co thắt tử cung, do đó bạn không nên ăn. Đi xa và làm việc nặng là không nên.
Chúc bạn nhiều sức khỏe