Dinh dưỡng tốt là điều tối cần thiết cho sự sống còn, phát triển thể chất, trí tuệ, sức khỏe và hạnh phúc của cả cuộc đời qua các thời kỳ: Bào thai, sơ sinh, thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành. Đặc biệt dinh dưỡng tốt còn giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây như thừa cân, béo phì, dị ứng [34][35][36].
[toc]
1. Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh
1.1. Tiếp xúc da kề da
Cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ ngay từ những phút đầu sau khi sinh giúp tăng sự tương tác sớm giữa mẹ và con. Trẻ sẽ không bị hạ thân nhiệt, biết tìm vú mẹ sớm hơn và bú mẹ khỏe hơn.
Các nghiên cứu cho thấy các trẻ được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau sinh thì ít khóc hơn so với các trẻ được nhân viên y tế chăm sóc, các bà mẹ cũng cảm thấy dễ dàng cho con bú mẹ hơn trong những tháng đầu sau sinh, thời gian cho bú mẹ cũng lâu hơn, các bà mẹ cũng ghi nhận trẻ gần gũi với mẹ hơn. [1][2]
1.2. Kẹp và cắt dây rốn muộn giúp trẻ giảm thiếu máu và thiếu sắt
Nghiên cứu về sinh lý trẻ sơ sinh cho thấy, trong phút đầu tiên sau sinh lượng máu truyền từ bánh nhau sang trẻ sơ sinh khoảng 80 ml và có thể lên tới 100 ml trong 3 phút sau sinh. Lượng máu tăng thêm này có thể cung cấp một lượng sắt tương ứng 40-50mg/ kg cân nặng của trẻ, cùng với lượng sắt của cơ thể (khoảng 75mg/kg cân nặng) có thể ngăn ngừa được thiếu máu thiếu sắt trong năm đầu.
Các nghiên cứu cũng cho thấy nếu kẹp cuống rốn đúng thời điểm, một lượng máu từ bánh nhau qua dây nhau sẽ giúp trẻ đủ tháng không bị thiếu máu thiếu sắt trong những tháng đầu và đặc biệt ở trẻ non tháng không bị thiếu máu cũng như giảm tỷ lệ xuất huyết não do giảm prothrombin.
Tổ chức Y tế Thế Giới – WHO đã khuyến cáo nên kẹp cắt dây rốn muộn (khi dây rốn ngừng đập hoặc 1-3 phút sau sổ thai) cho tất cả các trường hợp sinh thường để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu của trẻ. Chỉ kẹp dây rốn sớm (trước 01 phút) đối với trường hợp trẻ ngạt đòi hỏi hồi sức tích cực. [1][2]
1.3. Bú mẹ sớm
Cho trẻ bú sữa mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn và không cho trẻ ăn hay uống bất cứ một thực phẩm hay thức uống nào khác.
Với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất mà bà mẹ có thể cung cấp cho trẻ, giúp trẻ tăng trưởng tối ưu, phát triển trí não và tăng cường miễn dịch. Cho trẻ bú mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh là vô cùng quan trọng, giúp trẻ giảm nhiễm trùng và giảm 22% nguy cơ tử vong sau sinh.
Sữa non có tác dụng bảo vệ trẻ sơ sinh giảm nhiễm trùng giống như một vắc-xin đầu tiên của trẻ. Sữa mẹ chứa tất cả các dưỡng chất như chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin, khoáng chất và các yếu tố vi lượng mà trẻ sơ sinh cần để phát triển khỏe mạnh với lượng cần thiết cho nhu cầu theo từng độ tuổi của bé. Hàm lượng các chất dinh dưỡng của sữa mẹ thích ứng một cách chính xác với nhu cầu của bé trong suốt quá trình phát triển.
Những giọt sữa mẹ đầu tiên được gọi là sữa non (4-5 ngày đầu sau khi sinh) có thành phần khác hơn so với sữa chuyển tiếp (từ ngày thứ 5 đến 2 tuần sau sinh) hoặc sữa trưởng thành (sau hai tuần). Sữa mẹ giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn vì chứa nhiều đạm whey (60%-70%), loại đạm hòa tan dễ tiêu hóa, dễ hấp thu; trong khi đó, sữa bò chứa thành phần đạm casein cao nên khó tiêu hóa.
Ngoài ra sữa mẹ còn cung cấp kháng thể giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ: Khi cho trẻ bú sữa mẹ, bà mẹ đã chia sẻ với trẻ một phần hệ miễn dịch của mẹ thông qua các kháng thể có trong sữa mẹ. Đây là điều tuyệt vời cho trẻ vì hệ thống phòng vệ tự nhiên của trẻ chưa hoàn thiện và chưa được huấn luyện đầy đủ khi mới sinh. Ngoài các dưỡng chất cần thiết giúp bảo vệ trẻ, sữa mẹ còn chứa các vi sinh vật có lợi probiotics (bifidobacteria và lactobacilli), rất quan trọng cho sự phát triển của hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch của trẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một bước cần thiết cho sự phát triển và tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của trẻ ngay từ những ngày đầu tiên khi chào đời. Ngoài ra, trẻ được bú sữa mẹ kéo dài còn giảm nguy cơ thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch và một số bệnh chuyển hóa như đái tháo đường.
Tuy nhiên, với những trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoặc không đủ sữa mẹ do nhiều nguyên nhân khác nhau, sữa từ ngân hàng sữa mẹ hoặc sữa công thức dinh dưỡng với đạm chất lượng (hàm lượng đạm vừa đủ, chất lượng đạm cao, đạm whey thủy phân một phần) có thể giúp trẻ có được dinh dưỡng tối ưu, giúp trẻ tăng cân khỏe mạnh, giảm nguy cơ thừa cân, béo phì và và phòng ngừa nguy cơ dị ứng sau này [1][2][9][18][38] [41][48][49].
Sữa mẹ không những chứa các dưỡng chất đã được biết đến như chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng – là những chất cần thiết cho sự tăng trưởng của cơ thể – mà còn chứa một thành phần hấp dẫn khác, được gọi là “Các Oligosaccharide trong Sữa mẹ” hay HMOs (Human Milk Oligosaccharides).
Các HMOs này là thành phần chất rắn nhiều thứ 3 trong sữa mẹ, chiếm đến 15% lượng chất khô, bao gồm các cấu trúc đa dạng có tính trung tính hoặc có tính axit và một số dạng được sialyl hóa hoặc fucosyl hóa nhưng thật đáng ngạc nhiên là chúng không cung cấp năng lượng!
Trẻ nhũ nhi nhận một lượng lớn các HMOs từ sữa mẹ với tiềm năng cao tác dụng tại chỗ trong đường tiêu hóa và các chức năng hệ thống. Trong phân và nước tiểu của trẻ có HMOs và các sản phẩm thoái biến, điều này phản ánh một phần loại oligosaccharide đặc hiệu cho sữa mẹ.
Các HMOs rất đa dạng, có hoạt tính sinh học giúp điều hòa một cách có lợi hệ vi sinh đường ruột, thúc đẩy sự phát triển của ruột ở trẻ nhũ nhi. HMOs bảo vệ trẻ nhũ nhi khỏi các bệnh nhiễm trùng như: Giảm tiêu chảy nhiễm trùng, giảm nhiễm trùng đường hô hấp dưới cũng như giảm sử dụng kháng sinh và làm chậm khởi phát chàm dị ứng ở trẻ sinh mổ.
HMOs còn kích thích sự trưởng thành của hệ miễn dịch và có khả năng phát triển thần kinh.
Chúng ta đã thấy rằng HMOs là thành phần độc nhất vô nhị trong sữa mẹ, thật đáng ngạc nhiên là HMOs hiện diện với số lượng lớn trong sữa mẹ nhưng không cung cấp năng lượng, điều này khiến chúng ta tự hỏi vậy vai trò thực sự của HMOs là gì? Cách đây không lâu, các nhà khoa học – những người trước đó đã né tránh bí ẩn này – nay đã tiết lộ rằng HMOs đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ, nhờ vậy mà bảo vệ được trẻ trong giai đoạn rất dễ bị tổn thương, khi chức năng của hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. HMOs giúp huấn luyện hệ miễn dịch phát triển để hoàn thiện chức năng.
Vậy thì HMOs có vai trò gì?
HMOs giúp tăng cường miễn dịch theo 4 cách:
- Thiết lập & phát triển hệ vi sinh đường ruột
- Ngăn chặn các tác nhân gây bệnh
- Tăng cường chức năng của hàng rào niêm mạc ruột
- Huấn luyện hệ miễn dịch phát triển. [52]
[tds_note]Với những trẻ sơ sinh khỏe mạnh, hãy kẹp rốn muộn (khi dây rốn đã ngừng đập hoặc 1-3 phút sau sinh, cho trẻ tiếp xúc với da kề da với mẹ ngay sau sinh trong ít nhất 1 giờ đầu và khuyến khích bà mẹ nhận biết các dấu hiệu sẵn sàng bú mẹ của trẻ. Cho trẻ bú sữa mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn và không cho trẻ ăn hay uống bất cứ một thực phẩm hay thức uống nào khác. Cán bộ y tế có thể giúp đỡ bà mẹ cho trẻ bú mẹ nếu cần thiết; bà mẹ uống 1 liều vitamin A 200.000IU trong vòng 1 tháng sau sinh. [/tds_note]
2. Dinh dưỡng cho trẻ từ 1 đến dưới 6 tháng
Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có tác dụng bảo vệ tối đa cho trẻ, giúp phòng ngừa suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong. Những trẻ bú mẹ hoàn toàn sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh có thể gây tử vong như tiêu chảy, nhiễm trùng tai, bệnh lý mũi họng và viêm phổi.
Trong 6 tháng đầu trẻ chỉ cần bú mẹ hoàn toàn mà không cần phải bổ sung bất kỳ chất lỏng, sữa hay các thức ăn khác kể cả nước. Sữa mẹ là tất cả những gì một đứa trẻ cần để tồn tại và tối ưu hóa sự phát triển. Ngoài ra, việc cho trẻ uống nước, chất lỏng hoặc các loại thực phẩm khác có thể mang mầm bệnh cho trẻ, làm cho trẻ giảm bú sữa mẹ, dẫn đến bệnh tật và suy dinh dưỡng.
Cần cho trẻ bú mẹ thường xuyên, liên tục, cả ngày lẫn đêm theo nhu cầu của trẻ, ít nhất 8 cữ mỗi ngày. Không nên cho trẻ sử dụng bình bú cũng như các núm vú nhân tạo
Đối với trẻ từ 4 đến dưới 6 tháng tuổi, chỉ cho ăn thêm khi thấy trẻ:
+ Vẫn còn đói sau mỗi bữa bú hoặc
+ Không tăng cân theo chuẩn tăng trưởng của Tổ Chức Y tế Thế giới WHO
* Nếu vì lý do nào đó mà trẻ không được bú mẹ hoàn toàn, có thể cho trẻ uống sữa công thức dinh dưỡng khởi đầu phù hợp với độ tuổi của trẻ (từ 0-6 tháng tuổi), ưu tiên dùng sữa công thức đạm chất lượng (hàm lượng đạm gần với sữa mẹ, chất lượng đạm cao (tỉ lệ đạm whey/casein là 70/30 hay 60/40 như trong sữa mẹ) giúp trẻ dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, tăng cường sức đề kháng, tăng cân khỏe mạnh từ đó giúp trẻ phòng ngừa nguy cơ thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, việc sử dụng sữa công thức dinh dưỡng đạm whey thủy phân một phần giúp có thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ dị ứng sau này, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện, khỏe mạnh dài lâu [3][13][40].
Không nên cho trẻ bú sữa bằng bình bú mà nên sử dụng cốc thìa (ly, muỗng) hợp vệ sinh.
[tds_note]Trẻ nhũ nhi từ 1 đến 6 tháng tuổi cần được bú mẹ hoàn toàn để được tăng trưởng tối ưu, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Nếu trẻ không được bú mẹ hoàn toàn thì sản phẩm dinh dưỡng công thức có đạm chất lượng gần với sữa mẹ (hàm lượng đạm vừa đủ, chất lượng đạm cao, đạm Whey thủy phân một phần) sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, tăng cường sức đề kháng, tăng cân khỏe mạnh và phòng ngừa thừa cân, béo phì cũng như giúp giảm nguy cơ dị ứng. [/tds_note]
Theo Tài liệu Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời dành cho Nhân viên Y Tế – Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Phụ Sản Việt Nam, Viện Dinh Dưỡng Nestlé Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ Y Tế – Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (2014). Hướng dẫn chuyên môn chăm sóc chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ.
[2] Bộ Y Tế – Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (2016). Hướng dẫn chuyên môn chăm sóc chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai.
[3] Bộ Y Tế – Viện dinh dưỡng Quốc gia (2016). Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
[9] Tổ chức Y tế Thế giới- Văn phòng khu vực tây Thái Bình Dương (2014). Chăm sóc sơ sinh thiết yếu, cẩm nang thực hành lâm sàng bỏ túi.
[13] Action – 10 tips on proper nutrition for period 2013–2020 (Vietnamese: 10 Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020) – Dietary goals and food-based dietary guidelines – All population groups|Infants and young children|Preschool-age children (Pr… | Global database on the Implementation of Nutrition Action (GINA). https://extranet.who.int/nutrition/gina/en/node/24412. Accessed January 16, 2017.
[18] Breast Milk Protein | First 1000 Days Nutrition | SMA Baby. https://www.smababy.co.uk/breastmilk-protein-and-first-1000-days/. Accessed January 16, 2017.
[34] The 1,000-day Window of Opportunity: Technical Guidance Brief. https://www.usaid.gov/whatwe-do/global-health/nutrition/1000-day-window-opportunity. Accessed January 15, 2017.
[35] The first 1,000 days. Nutricia Research. http://www.nutriciaresearch.com/early-life-nutrition/ thousand-days/. Accessed January 16, 2017.
[36] Thurow, R. (2016). The First 1,000 Days: A Crucial Time for Mother and Children — And The World. New York: Publi- cA airs.
[38] Walker A. Breast Milk as the Gold Standard for Protective Nutrients. J Pediatr. 2010;156(2):S3- S7.
[40] WHO | Essential Nutrition Actions. WHO. http://www.who.int/nutrition/publications/infantfeeding/essential_nutrition_actions/en/. Accessed January 16, 2017.
[41] WHO | Evidence on the long-term effects of breastfeeding. WHO. http://www.who.int/maternal_child_adolescent/documents/9241595230/en/. Accessed January 20, 2017.
[48] WHO | Newborn nutrition. WHO. http://www.who.int/maternal_child_adolescent/topics/newborn/nutrition/en/. Accessed February 1, 2017.
[49] WHO | Short-term effects of breastfeeding: a systematic review on the benefits of breastfeeding on diarrhoea and pneumonia mortality. WHO. http://www.who.int/maternal_child_adolescent/documents/breastfeeding_short_term_effects/en/. Accessed January 20, 2017.
[52] The Nest 40: Human Milk Oligosaccharides https://www.nestlenutrition-institute.org/resources/ publication-series/publications/article/human-milk-oligosaccharides