[toc]
1. Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh của những bà mẹ bị đái tháo đường
Hạ đường huyết hay gặp ở 25-50% những trẻ sơ sinh có mẹ bị đái tháo đường và 15-25% trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ. Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh có thể gây tử vong, do đó cần chăm sóc cẩn thận những trẻ có tiền sử mẹ bị đái tháo đường. Ngoài ra, những trẻ sơ sinh của những bà mẹ đái tháo đường còn dễ bị hạ can-xi và magne, thiếu sắt, tăng bilirubin, đa hồng cầu và suy hô hấp.
Những người mẹ bị đái tháo đường thường có thai to, dễ bị chấn thương trong quá trình sinh. Do đó, tỉ lệ mổ lấy thai ở những bà mẹ này cao hơn. Hạ đường huyết thường xảy ra trong vài giờ đầu tiên sau sinh. Mặc dù hầu hết trẻ sơ sinh không có triệu chứng, các biểu hiện có thể gặp của hạ đường huyết như trẻ kích thích, khó chịu, hoặc thờ ơ, kém ăn, giảm trương lực cơ, tiếng khóc yếu, co giật. Hạ đường huyết đòi hỏi một sự can thiệp kéo dài tới 1 tuần.
Xử trí hạ đường huyết khác nhau tùy vào trường hợp cụ thể. Nhìn chung, nếu trẻ không có biểu hiện triệu chứng và đường huyết cao hơn 35 mg/dl thì chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ sớm và theo dõi chặt chẽ đường huyết. Trẻ cần được kiểm tra đường huyết trong 1-2 giờ đầu, sau đó là mỗi 6-8 giờ. Nếu đường huyết thấp hơn 35mg/dl, có hoặc không có biểu hiện trên lâm sàng, việc truyền đường cho trẻ là cần thiết. Giảm dần lượng đường truyền khi trẻ bú được nhiều hơn.
Bú mẹ từ lâu đã được công nhận là phương pháp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kể cả với những trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị đái tháo đường. Cho con bú mẹ cũng đem lại nhiều lợi ích cho các bà mẹ bị đái tháo đường hoặc đái tháo đường thai kỳ cũng như với các con của họ, giúp giảm nguy cơ béo phì và đái tháo đường ở các trẻ sau này. Nhưng với các bà mẹ bị đái tháo đường, quyết định cho con bú là một quyết định khó khăn về tâm lý; các cán bộ y tế cần giúp bà mẹ vượt qua khó khăn này.
Trong trường hợp trẻ không được bú mẹ hoàn toàn nên giới thiệu công thức dinh dưỡng với đạm chất lượng [39][40].
[tds_note]
Những bà mẹ bị đái tháo đường thường sinh con to nên trẻ rất dễ bị hạ đường huyết trong những giờ đầu. Trẻ cần bú mẹ sớm và được phát hiện kịp thời các dấu hiệu hạ đường huyết cũng như các biểu hiện rối loạn chuyển hóa khác.
Trong trường hợp trẻ không được bú mẹ hoàn toàn nên được giới thiệu công thức dinh dưỡng với đạm chất lượng gần với sữa mẹ giúp trẻ tăng cân khỏe mạnh, phòng ngừa nguy cơ thừa cân, béo phì.
[/tds_note]
2. Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV
– Các bà mẹ được xác nhận nhiễm HIV cần được cung cấp liệu trình điều trị suốt đời bằng thuốc ARV hoặc điều trị dự phòng bằng ARV để giảm thiểu lây truyền HIV qua sữa mẹ.
– Không nuôi con bằng sữa mẹ nếu việc nuôi dưỡng bằng thức ăn thay thế được chấp nhận, khả thi, đáp ứng được, lâu dài và an toàn.
– Nếu việc dừng bú mẹ gặp khó khăn, tham vấn cách nuôi dưỡng trẻ hợp lý nhất, chú ý khuyên cho bú mẹ hoàn toàn trong vài tháng đầu tiên [39][40]
3.Dinh dưỡng cho trẻ có nguy cơ dị ứng
Dị ứng là một rối loại quá mẫn của hệ miễn dịch. Phản ứng dị ứng xảy ra để chống lại các chất vô hại trong môi trường được gọi là chất gây dị ứng; các phản ứng này xảy ra nhanh chóng và có thể phòng ngừa được [7].
3.1. Nguy cơ dị ứng
– Nguy cơ dị ứng thấp: khoảng 15% khi trẻ sinh ra ở những gia đình không có tiền sử dị ứng (Tuy nhiên, thực tế có đến 50% số trẻ bị dị ứng được sinh ra ở những gia đình không có tiền sử dị ứng.)
– Nguy cơ dị ứng trung bình: 20-40% khi trẻ sinh ra trong gia đình có bố hoặc mẹ hoặc anh chị ruột bị dị ứng.
– Nguy cơ dị ứng cao: Nguy cơ dị ứng là 50-80% khi trẻ sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ bị dị ứng.
3.2. Các cấp độ phòng ngừa dị ứng
– Phòng ngừa cấp độ 1: Áp dụng đối với tất cả các trẻ khỏe mạnh nhằm phòng ngừa xảy ra dị ứng, phòng ngừa hình thành các chuỗi phản ứng dẫn đến dị ứng.
– Phòng ngừa cấp độ 2: Với trẻ có tiền sử bị dị ứng nhằm phòng ngừa dị ứng tái phát và tiến triển nặng hơn.
– Phòng ngừa cấp độ 3: Với trẻ đã bị dị ứng mạn tính, thường xuyên nhằm phòng ngừa dị ứng tiến triển nặng.
3.3. Nguyên tắc phòng ngừa dị ứng cấp độ 1
– Chậm tiếp xúc với dị nguyên trong 3-6 tháng đầu đời: dị nguyên ở giai đoạn này chủ yếu từ đạm trong công thức dinh dưỡng có nguồn gốc sữa bò, trứng gà. Các trẻ này sẽ nhận được nguồn dị nguyên cao gấp 106 lần so với trẻ được bú mẹ hoàn toàn.
– Bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu là phương pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa dị ứng. Trong trường hợp trẻ không được bú sữa mẹ hoặc sữa mẹ không đủ thì nên cân nhắc dùng công thức dinh dưỡng đạm whey thủy phân một phần hoặc đạm casein thủy phân toàn phần [3][7].
3.4. Dinh dưỡng phòng ngừa dị ứng trong 1.000 ngày đầu đời.
* Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn được khuyến khích đến ít nhất 6 tháng tuổi để có thể làm giảm tỉ lệ mắc bệnh viêm da dị ứng ở trẻ em dưới 2 tuổi, giảm tỉ lệ khò khè, và giảm tỉ lệ dị ứng protein sữa bò trong 2 năm đầu tiên [7].
* Với trẻ nhũ nhi có nguy cơ dị ứng trung bình và nguy cơ dị ứng cao mà không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, công thức dinh dưỡng có đạm thủy phân sẽ đem lại nhiều lợi ích, giúp phòng ngừa dị ứng và dị ứng với đạm sữa bò.
– Công thức dinh dưỡng có đạm thủy whey thủy phân một phần và công thức dinh dưỡng có đạm casein thủy phân toàn phần được được chứng minh lâm sàng có tác dụng phòng ngừa viêm da dị ứng và dị ứng đạm sữa bò nếu được sử dụng thay thế công thức dinh dưỡng có đạm sữa bò còn nguyên vẹn. Công thức dinh dưỡng đạm whey thủy phân một phần được ưu tiên chọn hơn trong phòng ngừa dị ứng cho trẻ bởi vì có mùi vị dễ uống hơn và có giá thành phù hợp hơn công thức đạm casein thủy phân toàn phần.
– Có bằng chứng cho thấy công thức đạm đậu nành không có tác dụng phòng ngừa dị ứng.
– Công thức dinh dưỡng axit amin thì cần nghiên cứu nhiều hơn.
* Khuyến nghị về ăn dặm:
– Cho trẻ ăn dặm (ăn thức ăn bổ sung) khi trẻ đã được tròn 6 tháng tuổi.
– Các dấu hiệu cho biết trẻ có thể ăn dặm: trẻ ngồi vững, tự giữ cổ thẳng, phối hợp mắt – tay – miệng tốt và có thể xoay đầu từ chối thức ăn nếu không thích.
– Nên cho trẻ ăn từng loại thức ăn một, mỗi 3-5 ngày lại cho làm quen với một loại thức ăn mới.
– Trong giai đoạn tập ăn dặm có thể bắt đầu cho ăn thêm các loại trái cây có tính axit (như dâu, cà chua, cam quýt) và rau quả. Những loại này có thể gây phát ban quanh miệng hoặc bị dị ứng nhưng chúng thường không gây ra các phản ứng toàn thân.
– Không nên sử dụng đạm sữa bò còn nguyên vẹn (sữa bò tươi hoặc sữa bột nguyên kem) làm thức uống chính cho trẻ dưới 1 tuổi, vì chúng làm quá tải chất tan ở thận và có hàm lượng sắt thấp.
– Không nên cho trẻ ăn nguyên hạt vì có nguy cơ lọt vào đường thở. Có thể cho trẻ làm quen với đậu phộng (lạc) và các loại hạt với hình thức bơ đậu phộng (bơ lạc) hoặc các chế phẩm khác.
* Những thức ăn bổ sung có tính gây dị ứng cao có thể cho trẻ tập ăn vào lúc 6 tháng tuổi, khi trẻ đã dung nạp được vài thức ăn cụ thể.
– Các dữ liệu mới cho thấy việc chậm cho trẻ làm quen với thức ăn đặc, nhất là với thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao, có thể làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn hoặc viêm da dị ứng.
– Các dữ liệu mới cho thấy việc cho trẻ làm quen với thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao từ sớm (tức là từ lúc trẻ bắt đầu ăn dặm) có thể phòng ngừa dị ứng cho trẻ nhũ nhi và trẻ em.
* Bà mẹ có thể cho trẻ làm quen với các loại thực phẩm có thể gây dị ứng cao theo cách như sau:
– Cho trẻ ăn các loại thực phẩm gây dị ứng cao sau khi trẻ đã ăn và dung nạp được một số thức ăn bổ sung khác.
– Cho trẻ làm quen với hương vị ban đầu của các thực phẩm có thể gây dị ứng tại nhà, không nên thực hiện tại nhà trẻ hoặc nhà hàng
-Lưu ý: Tư vấn cho cha mẹ trẻ biết một số loại thực phẩm như đậu phộng nếu có phản ứng dị ứng thì thường xảy ra trong lần ăn đầu tiên.
– Tăng dần số lượng thực phẩm gây dị ứng cao nếu không có phản ứng
– Làm quen với các thức ăn khác với tốc độ một loại thức ăn mới trong mỗi 3-5 ngày, nếu không có phản ứng dị ứng xảy ra[3][7].
Theo Tài liệu Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời dành cho Nhân viên Y Tế – Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Phụ Sản Việt Nam, Viện Dinh Dưỡng Nestlé Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
[3] Bộ Y Tế – Viện dinh dưỡng Quốc gia (2016). Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
[7] Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội sản phụ khoa và SĐCKHVN (2014). Phòng ngừa ban đầu (cấp độ 1) tiến trình dị ứng thông qua dinh dưỡng. Hướng dẫn dành cho nhân viên y tế.
[39] WHO | Archived: Guidelines on HIV and infant feeding 2010. WHO. http://www.who.int/maternal_child_adolescent/documents/9789241599535/en/. Accessed January 15, 2017.
[40] WHO | Essential Nutrition Actions. WHO. http://www.who.int/nutrition/publications/infantfeeding/essential_nutrition_actions/en/. Accessed January 16, 2017.