Không khí Tết đang tưng bừng ở khắp mọi nơi, ở các nẻo đường, góc phố. Trong những ngày này thì chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng và những mối bận bịu để chuẩn bị cho tết sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các bà bầu. Vì vậy đặt ra vấn đề là cần chăm sóc sức khỏe cho thai phụ trong những ngày Tết như thế nào để tốt nhất cho cả mẹ và thai nhi.
Ăn uống
Theo phong tục của người Việt Nam chúng ta thì dù trong suốt một năm chúng ta có thể ăn uống không đầy đủ, thiếu thốn. Tuy nhiên trong ba ngày Tết thì lúc nào cũng phải dư giả, có nhiều món ăn rất đặc trưng như bánh trưng, bánh tét, dưa hành củ kiệu, đặc biệt là các loại mứt… Riêng với phụ nữ mang thai thì chúng ta vẫn có thể vui với những món ăn ngày tết.
Tuy nhiên cần lưu ý, khi mang thai chế độ ăn cần diều hòa, đầy đủ các dưỡng chất chứ không ăn nhiều thức ăn thiên về ngày Tết. Những đồ ăn này sẽ khiến chúng ta thiếu nhiều dưỡng chất, đặc biệt đối với thai phụ bị tình trạng rối loạn dung nạp đường hay bị tiểu đường. Nên đối với các chị em phụ nữ có tăng cân quá nhiều hoạc đi khám bác sĩ đã chuẩn đoán bị tiểu đường thai kỳ thì chúng ta không nên ăn những thức ăn có tinh bột, thức ăn có hàm lượng đường quá cao như mứt, bánh mứt; hoặc chúng ta ăn bánh trưng bánh tét quá nhiều.
Những phụ nữ có yếu tố nguy cơ của tiền sản giật như: lớn tuổi, có cao huyết áp trong thai kỳ hoặc cao huyết áp trước đây thì chúng ta phải lưu ý không ăn những món ăn mặn như thịt kho hay món dầu mỡ quá nhiều.
Xem thêm: Bà bầu không nên ăn gì
Bổ sung các dưỡng chất thiết yếu
Khi mang bầu bạn cần lưu ý chế độ ăn đầy đủ các dưỡng chất và phải cân bằng: có đạm, có đường, có béo và lưu ý 1 số vitamin và khoáng chất thiết yếu. Phụ nữ mang thai cần bổ sung thêm DHA và omega 3 giúp phòng ngừa tiền sản giật, cao huyết áp trong thai kỳ, phòng ngừa các rối loạn về trầm cảm; đối với thai nhi giúp cho phát triển về trí não cũng như thị giác. Lưu ý cần bổ sung thêm cho bà bầu thành phần DHA từ các viên đa sinh tố vì trong thức ăn thông thường không đủ cung cấp cho nhu cầu đang tăng cao của thai nhi và mẹ bầu.
Xem thêm: Vitamin tổng hợp cho bà bầu loại nào tốt
Ngoài thức ăn hàng ngày, trong dịp Tết bạn vẫn phải lưu ý bổ sung các thuốc bổ trong thai kỳ như canxi cho bà bầu, axit folic, thuốc sắt cho bà bầu, đa sinh tố vì em bé của chúng ta hàng ngày vẫn cần chất đó. Đặc biệt là trong những ngày tết, mặc dù có nhiều món ngon nhưng chúng ta cũng nhớ không được quên bổ sung viên vitamin tổng hợp mỗi ngày.
Chế độ nghỉ ngơi vận động
Trong giai đoạn gần Tết và Tết thì các Bệnh viện thường gặp thai phụ có triệu chứng của động thai hoặc biểu hiện của dọa sinh non và sinh non rất nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này là do người phụ nữ làm công việc nội trợ, đi lại nhiều, hay đi du lịch. Khi chúng ta làm việc nhiều, đi tới những đám đông, vận động nhiều như vậy có thể gây ra động thai hoặc là dọa sảy thai, dọa sinh non. Vì vậy các chị em chú ý mặc dù vui chơi những ngày tết nhưng chúng ta phải chăm sóc cho thai kỳ của mình, chú ý không nên đi đến những chỗ đông người, thiếu oxy có thể dẫn tới tình trạng sỉu hoạc ngạt. Chúng ta cũng cần phải tiết chế lại, hoạt động quá nhiều có thể dẫn tới cơn gò tử cung, sảy thai, sinh non.
Một thái cực ngược lại, có những chị em đến ngày Tết thì chỉ nằm nghỉ và gần như nằm suốt ngày. Điều đó không phải là tốt đối với phụ nữ mang thai vì bạn cần có vận động, tập thể dục để cho máu huyết lưu thông tốt. Khi mang thai, độ keo của máu tăng lên, rất dễ xuất hiện khối máu đông ở trong lòng mạch. Nếu như người phụ nữ vận động kém hoặc nằm nhiều quá có thể dẫn tới tình trạng huyết khối và sau này khi sinh có thể dẫn tới tình trạng thuyên tắc.
Giai đoạn cận Tết và Tết này nhiều thai phụ than thở là mình bị căng thẳng, áp lực và stress. Các công việc chuẩn bị cho tết nhiều cho nên stress là 1 trong những yếu tố mà các bà bầu rất ngại trong giai đoạn này. Khi mang thai và trong thời gian đầu sau khi sinh, người phụ nữ có rất nhiều thay đổi về nội tiết. Điều đó khiến người phụ nữ dù không có bất cứ 1 áp lực gì bên ngoài cũng đã thay đổi về tâm tính và hay bị Stress rồi. Hơn nữa những áp lực về công việc ở cơ quan ngày cuối năm, về nhà thì phải chuẩn bị các công việc của gia đình, công việc chuẩn bị Tết khiến người phụ nữ mang thai có rất nhiều áp lực dễ dẫn tới tình trạng cáu gắt, hoặc nặng hơn là rối loạn về trầm cảm trong thời kỳ mang thai. Do vậy, cho dủ công việc bận như thế nào thì chúng ta cũng phải lưu ý dành thời gian cho bản thân mình để tập thể dục, tập hít thở, tập Yoga cho bà bầu.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền – Tổng thư ký hội Sản Phụ khoa TP Hồ Chí Minh – Phó Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Hạnh phúc
10 thoughts on “Tết đến diện đồ ra phố, mẹ bầu đừng quên bí kíp chăm sóc sức khỏe cho mình”
Làm sao để hạn chế Tiền sản giật và những dấu hiệu nhận biết Tiền sản giật là gì?
Chào bạn Thanh Nga,
Những yếu tố nguy cơ Tiền sản giật như: mang thai trên 35 tuổi, đã có bệnh lý về tim mạch, bệnh lý mãn tính về mạch máu và tiền sử gia đình có người bệnh lý tiền sản giật, hoặc tiểu đường. Với trường hợp đó khi đi khám cần chú ý, ở tuần 11-13 khi siêu âm bác sĩ đo dopper động mạch, nếu thấy kháng trở động mạch tử cung mà tăng thì tiên lượng có thể có dối loạn cao huyết áp và tiền sản giật. Tiền sản giật là 1 trong các dối loạn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như gây tử vong của mẹ, thai nhi. Để phát hiện và phòng ngừa thì chúng ta cần đi khám thai định kỳ để bác sĩ có thể phát hiện và cho điều trị đặc hiệu. Và phụ nữ mang thai cần lưu ý không ăn mặn. Nếu hàm lượng muối quá mặn có thể dẫn tới tình trạng cao huyết áp. Bổ sung đầy đủ DHA, omega, canxi là yếu tố đã được khoa học chứng minh là nó có thể phòng ngừa được cao huyết áp và tiền sản giật.
Chúc bạn nhiều sức khỏe
Tôi 48 tuổi, cả năm nay đường kinh nguyệt không đều, khoảng 1 đến hai lần một năm. Hiện giờ tôi không thấy nữa. Không biết tôi đã đến tuổi mãn kinh chưa?
Chào chị Lựu,
46 tuổi cũng là độ tuổi tiền mãn kinh rồi. Kinh nguyệt bắt đầu giãn ra như vậy là 1 trong những dấu hiệu của tiền mãn kinh. Tiền mãn kinh sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng người. Có người đi vào mãn kinh rất nhẹ nhàng, kinh nguyệt chỉ thưa dần và mất hẳn. Được gọi là mãn kinh khi trong vòng 1 năm mà không có kinh. Trường hợp của chị có thể là rối loạn tiền mãn kinh thôi. Nếu có triệu chứng khác như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm nhức đầu hoặc là đau nhức, đau xương có thể ảnh hưởn tới chất lượng cuộc sống thì chị nên đi khám để bác sĩ tư vấn và cho một số thuốc nội tiết hỗ trợ để chúng ta cải thiện những rối loạn ở giai đoạn tiền mãn kinh gây ra: loãng xương, bệnh lý tim mạch, cao huyết áp,…
Chúc chị nhiều sức khỏe!
Em đi khám thai, bác sĩ cho siêu âm, thử nước tiểu và thử lượng đường thì đường huyết cho kết qủa bình thường. Nước tiểu cho kết quả 13 thông số thì có albumin cao tới 150, bác sĩ hẹn ba ngày thử nước tiểu lại. Do em ở xa nên bác sĩ hẹn 1 tuần kiểm tra lại. Khi đó bác sĩ mới nói là nước tiểu có vấn đề nhưng không nói rõ là có vấn đề gì nên em thấy lo lắng. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp?
Chào bạn Hồng Ngọc,
Albumin là 1 thành phần của đạm trong nước tiểu, khi xét nghiệm có đạm trong nước tiểu thì có rất nhiều tình huống có thể xảy ra. Đối với phụ nữ mang thai thì điều đầu tiên là nghĩ tới xem có bị tiền sản giật hay không? Nếu có đạm thì lưu ý theo dõi huyết áp xem huyết áp có cao không? Và khi thử nước tiểu thấy có đạm thì cần phải thử lại nhiều lần để xác định chính xác và có thể phải xét nghiệm nước tiểu 24h. Tức là chúng ta sẽ lấy nước tiểu trong 24 tiếng đồng hồ và đem đi thử để xác định nồng độ đạm trong nước tiểu như thế nào. Hoặc có thể do tình trạng nhiễm trùng đượng tiểu gây xuất hiện đạm trong nước tiểu. Hoặc là do khi lấy nước tiểu chúng ta vệ sinh hoặc lấy không đúng cách, lấy nước tiểu giữa dòng thì đôi khi chúng ta có thể thấy xuất hiện có 1 ít đạm, bạch cầu, và máu thì không sao hết.
Lấy nước tiểu đúng cách tức là phải vệ sinh đường tiểu, đường sinh dục trước khi đi tiểu. Sau đó đi tiểu cần bỏ dòng nước tiểu đầu tiên sau đó lấy nước tiểu giữa dòng. Lưu ý không đụng vào những mô xung quanh thì đó mới là lấy đúng cách. Nhiều khi chúng ta tới bệnh viện, số lượng bệnh nhân rất đông nên chúng ta không được tư vấn cách lấy chính xác. Nếu chúng ta lấy nước tiểu chưa đúng cách như vậy thì đôi khi có thể cho ra nhưng thông số không đúng.
Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Tôi 61 tuổi, khi ngồi cảm tưởng tử cung như lọt ra ngoài. Phải đợi để đứng dậy khoảng 1 phút mới bước đi được. Không biết tôi bị làm sao?
Chào cô Mỹ Dung,
Theo mô tả thì cô bị sa vùng chậu, tình trạng bị giãn vùng chậu do lớn tuổi, sinh đẻ nhiều lần khiến cơ vùng sàn chậu bị nhão dẫn tới sa bọng đái, sa tử cung, sa trực tràng. Đối với trường hợp như vậy thì cần phải đi khám để xem mức độ như thế nào. Nếu nhẹ thì cần tập vật lý trị liệu hoặc chúng ta sử dụng một sóng để tập. Đối với những trường hợp nặng, sa nhiều kèm rối loạn về đi tiểu như són tiểu thì cần phẫu thuật để nâng bọng đái, nâng tử cung và nâng trực tràng lên. Nếu không điều trị sau này dẫn tới tình trạng són phân và són nước tiểu.
Chúc cô nhiều sức khỏe
Con dâu tôi mới mất kinh mười mấy ngày, đau bụng, đi khám thì phát hiện thai chết ở ngoài tử cung. Nằm bệnh viện 10 ngày mà chưa uống thuốc hay tiêm gì cả, bác sĩ nói là để tự ra. Như vậy là sao thưa bác sĩ?
Chào cô Minh Hương,
Khi mang thai thì thai phải nằm ở trong buồng tử cung mới phát triển được đến 9 tháng 10 ngày và sinh ra em bé. 1 số trường hợp thai không nằm trong tử cung mà nằm ở những vị trí ngoài tử cung như vòi trứng, buồng trứng, trong ổ bụng. Đối với các trường hợp đó thì thai không thể phát triển tới 9 tháng 10 ngày để sinh ra em bé mà trường hợp đó cần phải chấm dứt thai kỳ. Khi đã chuẩn đoán thai ngoài tử cung thì bắt buộc phải điều trị, vì nếu không điều trị thì nó có thể vỡ ra gây chảy máu và nguy hiểm đến tính mạng. Có nhiều cách điều trị khác nhau tùy thuộc vào tuổi thai, kích thước khối thai và nồng độ HCG, tức là thai đó phát triển như thế nào ở ngoài tử cung. Nếu khối thai quá lớn và đang phát triển thì phải bắt buộc pải mổ. Chúng ta có thể mổ nội soi. Nếu khối thai không to lắm và nhau không phát triển thì có thể sẽ được cho chích thuốc bằng 1 hóa chất để làm teo cái thai đó đi. Nếu trong trường hơp thai tự thoái triển. Tức là thai nằm bên ngoài tử cung nhưng không phát triển thì chỉ cẩn theo dõi thôi và thời gian thường khá lâu, vài ngày chúng ta cần thử máu 1 lần để xác định nồng độ HCG. Đến khi nào nồng độ HCG bằng 0 chứng tỏ thai đã hủy hoàn toàn thì lúc đó mới ngưng theo dõi. Như vậy đối với trường hợp con dâu của cô đã theo dõi 10 ngày rồi mà vẫn tiếp tục theo dõi thì có thể là nằm trong tình huống thứ 3, nghĩa là thai tự thoái triển và bác sĩ đang theo dõi nồng độ HCG trong máu.
Chúc gia đình cô nhiều sức khỏe!