Chuột rút xảy ra trong thời kì mang thai sẽ khiến bà bầu đau đớn, mệt mỏi, thiếu ngủ, ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Cần phải biết xử lý kịp thời và cách ngăn ngừa chuột rút xảy ra giúp giảm thiểu những khó chịu cho thai kỳ của bạn. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách ngăn ngừa chuột rút hiệu quả nhất qua bài viết này nhé.
[toc]
Chuột rút ở bà bầu
Chuột rút là những cơn co thắt cơ xảy ra đột ngột và kéo dài tầm vài phút thường xuất hiện ở bàn chân, bắp chân, đùi, cơ bụng. Hiện tượng này gây đau nhói rất khó chịu và thường không biết phải làm gì thay vì nằm bất động cho qua cơn đau.
Trong thai kỳ, chuột rút thường xảy ra ở khu vực bắp chân và rơi vào tam cá nguyệt thứ hai và tam cá nguyệt thứ ba.
Đặc biệt gây những khó chịu cho mẹ bầu khi chuột rút lại xảy ra vào ban đêm nhiều hơn khiến bạn thức giấc và cần gấp sự trợ giúp của người thân. Do những cảm giác khó chịu đau cơ vùng bị đau, sau đó chuyển sang cảm giác bồn chồn lo lắng và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Chứng chuột rút là hiện tượng bình thường ở thai kỳ và nó sẽ biến mất sau khi em bé của bạn chào đời.
Xem thêm: Cẩm nang sức khỏe bà bầu
Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị chuột rút
Nguyên nhân của chuột rút thai kỳ chưa rõ ràng nhưng có một số yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút ở bà bầu.
Trọng lượng của cơ thể tăng
Cơ bắp của bạn đang chịu trọng lượng ngày càng tăng của em bé. Em bé càng lớn sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch chính từ chân của bạn nhất là khi bạn nằm ngửa. Tử cung cũng lớn dần nên chèn vào tĩnh mạch chủ khiến máu không thể về tim, gây ứ trệ nhiều tại chi dưới cơ thể gây co cơ.
Cũng chính vì lý do này mà bạn sẽ gặp chuột rút nhiều hơn khi thai lớn hơn nhất là những tháng cuối của thai kỳ.
Sự thay đổi hormone trong thai kỳ
Mất cân bằng nội tiết tố khi mang thai cũng có thể khiến mẹ bầu bị chuột rút. Cụ thể là hormone progesterone tăng cao ảnh hưởng đến sự săn chắc của cơ bắp ở chân. Nhất là khi hormone progesterone thường tăng cao nhất trong ba tháng cuối, mẹ bầu chuột rút bị nhiều hơn ở giai đoạn này.
Vitamin ngăn chứng chuột rút ở bà bầu
Vitamin B12: Thiếu vitamin B12 có thể liên quan đến huyết áp thấp, co thắt và yếu cơ, góp phần làm co thắt hoặc co giật cơ. Ngoài ra vai trò của vitamin B12 rất cần thiết cho sức khỏe như hình thành các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, tổng hợp DNA và dẫn truyền thần kinh.
Vitamin B6: Các vấn đề về cơ xương như chuột rút có thể là do thiếu vitamin B6 do đây là một trong những vitamin cần thiết cho hoạt động co cơ. Vitamin B6 rất quan trọng đối với một số phản ứng hóa học trong cơ thể, bao gồm việc vận chuyển glucose vào trong tế bào cơ.
Vitamin D: Bà bầu bị thiếu vitamin D cũng có thể gây ra chứng chuột rút. Thiếu vitamin D cũng liên quan với ung thư xương, tăng huyết áp và đái tháo đường. Thiếu vitamin D cũng làm giảm hấp thu phốt pho và canxi. Cách dễ dàng nhất để có được vitamin D là để da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời buổi sáng.
Vitamin E: Thiếu vitamin E có thẻ gây ra chuột rút do lưu thông tuần hoàn máu không tốt. Vitamin E giúp các mạch máu giãn nở, thúc đẩy tuần hoàn tốt hơn.
Thiếu hụt một số khoáng chất
Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai bị chuột rút có thể là do sự thiếu hụt calcium, photpho, magnesium, kali hay mất cân bằng điện giải.
Canxi: lượng canxi trong máu thấp có thể dẫn đến nguy cơ bị các cơn tetani, gây chuột rút và đau cơ. Điều này thấy rõ nhất vào những tháng cuối thai kỳ, thai nhi cần nhiều canxi để phát triển hệ xương. Nếu không đáp ứng đủ, cơ thể người mẹ sẽ tự rút bớt canxi để truyền cho bé, dẫn đến sự thiếu hụt canxi ở mẹ, điều này sẽ góp phần gây ra những cơn co cứng ở người mẹ.
Magiê: Magie có vai trò quan trọng trong việc củng cố chức năng cơ bắp, là dưỡng chất cần thiết giúp cơ hoạt động hiệu quả. Bà bầu bị thiếu magie dễ bị chuột rút cơ bắp.
Kali: là một trong những chất điện giải quan trọng của cơ thể, thiếu hụt khoáng chất này sẽ kéo theo hoạt động kéo hiệu quả của hệ thần kinh, cơ bắp và hệ thống tim mạch. Ngay cả khi mẹ bầu đã ăn đầy đủ chất chứa kali thì cơ thể có thể vẫn bị thiếu hụt, do càng ăn nhiều natri thì cơ thể càng thải ra nhiều kali.
Natri: Mất cân bằng natri có thể dẫn đến chứng chuột rút. Uống nhiều nước, đổ mồ hôi nhiều, hoặc có rối loạn chức năng thận có thể gây thiếu hụt natri và co thắt cơ. Nếu ăn quá nhạt, bà bầu nên tăng thêm lượng muối trong thực phẩm.
Tuy nhiên nếu bổ sung các chất này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Xem cụ thể: Những lưu ý quan trọng khi bổ sung canxi cho bà bầu
Dấu hiệu của chuột rút thai kỳ
Dấu hiệu của chuột rút thai kỳ cũng giống như chuột rút ở người bình thường đó là:
Đau như nào: Cơn đau đột ngột khiến mẹ bầu phải nằm bất động. Cụ thể là cơn co mạnh, đau và thắt chặt các cơ, thường đến đột ngột và kéo dài từ vài giây cho đến vài phút.
Thời gian: Với chuột rút thai kỳ có thể xảy ra cả ban ngày và ban đêm. Tuy nhiên đặc biệt lưu ý vào ban đêm, chuột rút thường xuất hiện ngay khi vừa bắt đầu giấc ngủ hoặc vừa tình giấc.
Chuột rút thường gặp từ tháng thứ ba của thai kỳ và các cơn đau ngày càng xuất hiện thường xuyên khi thai nhi lớn dần.
Vị trí xuất hiện: Chuột rút chân khi mang thai thường gặp ở vị trí bắp chân, đùi, bàn chân, đặc biệt là ở bắp chân. Ngoài ra, có thể gặp ở tay, thân mình. Bên cạnh cơn đau đột ngột, mẹ bầu cũng có thể sờ thấy hoặc nhìn thấy một khối mô cứng bên dưới da tại vị trí đau.
Trong tam cá nguyệt thứ hai, một trong những vị trí phổ biến của chuột rút là đau dây chằng tròn. Dây chằng tròn là một cơ nâng đỡ tử cung, và khi nó căng ra, bạn có thể cảm thấy đau nhói, hoặc đau âm ỉ ở bụng dưới. Riêng trong trường hợp chuột rút ở vùng bụng này cần chú ý, vì có thể nhầm sang dấu hiệu của triệu chứng khác có thể liên quan đến sảy thai.
Trường hợp nếu mẹ bầu bị chuột rút kèm theo các triệu chứng như ra máu, đau mạnh ở bụng hay trên đỉnh vai, thân nhiệt tăng hoặc đau dữ đội ở phần bị đau, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Cách xử trí nhanh giảm cơn do chuột rút tức thì
Bạn đã từng bị chuột rút bạn biết cơn đau đến đột ngột và vừa đau quặn và kéo dài khiến bạn nhăn nhó. Khi mang thai chuột rút lại xuất hiện thường xuyên hơn và bạn cần phải biết cách xử trí kịp thời để giảm thiểu sự khó chịu này. Dưới đây là mẹo nhỏ được các mẹ bầu truyền tai nhau để vượt qua các cơn đau do chuột rút thai kỳ.
Khi bạn bị chuột rút, hãy lập tức kéo căng cơ, xoa bóp cơ bị đau cụ thể:
Chuột rút ở chân, bắp chân, bàn chân, đùi
Mang thai mẹ bầu hay gặp chuột rút ở chân nhất đặc biệt là bắp chân. Khi bị chuột rút vùng này bạn có thể thực hiện như sau:
Nếu tự làm một mình:
- Cố gắng duỗi thẳng chân nhẹ nhàng co các ngón chân về phía mũi. Lúc đầu có thể hơi đau nhưng nó sẽ làm dịu cơn co thắt và giúp cơn đau biến mất. Đừng uốn cong các ngón chân của bạn xuống phía dưới, vì điều này sẽ khiến tình trạng chuột rút của bạn trở nên tồi tệ hơn.
- Hoặc bạn có thể cố gắng nâng cao chân lên, kê lên chiếc gối gần nhất nếu bạn đang nằm trên giường. Nếu có thể nữa hãy lắc lắc bắp thịt chỗ bị chuột rút sẽ thấy đỡ đau hơn.
- Nếu cách này không hiệu quả, hãy thử ra khỏi giường và đi lại với lực đè lên gót chân của bạn trong vài phút. Hiệu quả hơn với việc bạn đi chân trần trên nền nhà.
Tuy nhiên việc này là rất khó khi bạn thực hiện một mình trong tình trạng bị đau và bụng bầu thì lớn.
Hãy nhờ chồng giúp đỡ như sau:
- Xoa bóp chân: Mẹ bầu hãy nằm trên giường, hoặc ngồi duỗi thẳng chân, dựng gót chân của bạn lên trước. Nói chồng thực hiện nhẹ nhàng uốn cong cổ chân và các ngón chân lên về phía mặt bạn. Ban đầu có thể đau nhưng dần dần sẽ hết đau. Tiếp tục massage chân, xoa bóp cơ cho đến khi hết đau.
- Chườm nóng: Hãy nhờ chồng hỗ trợ lấy chai nước nóng hay túi chườm nóng đặt vào vị trí bị chuột rút. Trong trường hợp chưa thể chuẩn bị ngay các thứ trên bạn có thể chà sát 2 lòng bàn tay vào nhau cho nóng lên và xoa bóp vùng cơ bị chuột rút. Việc này giúp thư giãn các mạch mạch, dây thần kinh và khối cơ. Giúp làm dịu cơn đau tức thì.
Chuột rút ở vùng bụng, mông
Khác với ở chân, chuột rút vùng bụng mông này thường mẹ bầu nằm bất động, không thể cử động được bạn cần đến sự trợ giúp của người khác. Muốn hết đau nhanh chóng, cần thực hiện một vài thao tác bao gồm dừng vận động và cố gắng thư giãn vùng cơ bụng đang bị co rút. Hãy nhờ chồng chườm ấm ngay tại chỗ đau. Làm ấm là cách hiệu quả để loại bỏ sự căng cơ và đau. Sử dụng một miếng đệm nóng hoặc chai nước nóng áp vào chỗ bị chuột rút.
Chuột rút lại thường xuất hiện vào ban đêm, hãy ghi nhớ lại cách xử trí trên để thực hiện khi chuột rút xuất hiện nhé. Đừng để chuột rút làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Thông tin tham khảo: Những điều cần biết khi mang thai
Cách phòng tránh chuột rút ở bà bầu
Câu hỏi đặt ra là có thể ngăn ngừa được tình trạng chuột rút này được không? Một số phụ nữ thấy hiệu quả là tránh ngồi hoặc đứng ở một vị trí quá lâu và không bắt chéo chân khi ngồi. Tuy nhiên để hiệu quả hơn bạn có thể thực hiện thêm các lời khuyên sau đây để tránh tình trạng chuột rút.
Massage chân
Hãy nhờ chồng massage chân để giảm thiểu tình trạng chuột rút. Việc này cũng giúp bạn thư giãn nghỉ ngơi giảm bớt những khó chịu của thai kỳ. Bạn cần chuẩn bị tư thế ngồi thoải mái để thực hiện. Hãy chọn một chiếc ghế không quá cao, sao cho chân của mẹ bầu có thể chạm được đất.
Thực hiện các động tác massage lòng bàn chân, gót chân, mắt cá chân. Di chuyển ngón tay thành hình vòng tròn theo hướng lên xuống và hai bên. Hãy massage chân bắt đầu từ phía trên đầu ngón chân sau đó trượt ra phía sau bàn chân rồi đi lên phía mắt cá chân.
Cùng với đó bạn thực hiện thêm các động tác kéo duỗi chân hay xoay tròn cổ chân để giúp chân được thư giãn và giúp giảm độ cứng giữa các khớp bàn chân rất tốt cho mẹ bầu.
Bên cạnh việc massage chân bạn cũng nên chườm nóng ở các bắp thịt hay bị chuột rút để làm giảm ảnh hưởng.
Vận động căng cơ
Bạn có thể tập các bài tập cơ chân để giảm thiểu tình trạng chuột rút chân. Tuy nhiên với mẹ bầu, bạn cần hết sức lưu ý đến tư thế và vị trí tập phù hợp.
Bạn đừng ngồi hay đứng quá lâu ở một tư thế. Hãy đi bộ nhẹ nhàng để tăng lưu lượng máu ở chân. Và hạn chế ngồi ngồi khoanh chân vì điều này sẽ làm giảm lưu thông ở chân.
Thực hiện bài tập căng cơ bắp chân phù hợp với bà bầu:
- Kéo căng cơ bắp chân vài lần trong ngày bằng cách nhón gót lên rồi lại đi xuống.
- Các động tác duỗi chân hay gập bàn chân, xoay cổ chân, ngọ nguậy ngón chân cũng có tác dụng căng các cơ ở chân giảm tình trạng chuột rút ở chân.
- Thực hiện bài tập căng bắp chuối: Đứng thẳng cách tường khoảng một mét, giơ thẳng hai tay chống vào tường, rồi nghiêng người về phía trước, căng cơ ở bắp chuối ra, giữ ở tư thế này khoảng 10-30 giây, lặp lại khoảng 5 lần. Thực hiện bốn lần một tuần trong tuần đầu, sau đó mỗi ngày hai lần trong các tuần tiếp theo.
Nên làm những bài tập này trước khi đi ngủ để hạn chế chuột rút.
Duy trì vận động và tập thể dục
Thiếu vận động trong thai kỳ cũng khiến cơ thể mẹ ì ạch thiếu linh hoạt và còn khiến tình trạng chuột rút diễn ra nhiều hơn. Hãy tập thể dục thường xuyên bằng những vận động nhẹ nhàng như đi bộ hay tập yoga. Việc này cũng mang lại nhiều lợi ích như nâng cao sức khỏe tổng thể, tăng độ linh hoạt và cải thiện sức cơ.
Tư thế ngủ
Hãy ngủ với tư thế thoải mái và rộng rãi có không gian để chân di chuyển xung quanh. Kê chân cao hơn bằng chiếc gối để giảm bớt tình trạng chuột rút.
Uống đủ nước
Mẹ bầu nên uống đủ nước, khoảng từ 8 đến 20 cốc nước mỗi ngày, tương đương 2 đến 2,5 lít nước. Nếu bạn lo lắng về việc phải thức dậy trong đêm để đi đi vệ sinh, hãy hạn chế gần như không uống gì trong một hoặc hai giờ trước khi đi ngủ.
Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất
Bạn cần bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất để tránh những thiếu hụt dẫn đến bị chuột rút. Các nguồn vitamin và khoáng chất bạn có thể tìm bổ sung qua thực phẩm như:
Vitamin:
- Vitamin B12 có trong sữa, trứng, thịt và cá.
- Vitamin B6 có trong rau bina, quả óc chó, chuối, cá hồi.
- Vitamin D có trong các thực phẩm như gan, cá béo và sữa.
- Thực phẩm giàu vitamin E như hạt dẻ, rau cải xanh, rau bina, quả bơ, đu đủ…
Khoáng chất:
- Canxi có nhiều trong các thực phẩm như phô mai, sữa chua, sữa, rau cải xoăn, đậu phụ, ngũ cốc dinh dưỡng, nước tăng lực…
- Magie có nhiều trong các loại rau lá xanh như bông cải xanh, cải bắp, rau dền, rau diếp.
- Kali có nhiều trong khoai lang, khoai tây, cà chua, mơ, bí ngô, củ dền, dưa hấu, sữa chua…
- Natri: Bạn có thể tăng thêm chút muối trong các món ăn nếu bạn đang ăn quá nhạt.
Bên cạnh việc bổ sung vitamin từ thực phẩm bạn cũng nên tìm đến viên đa vi chất bổ sung để đảm bảo đủ định lượng cần cho bà bầu không lo thiếu hụt hay dư thừa.
Tắm nước ấm trước khi đi ngủ
Nước ấm có thể giúp cơ bắp được thư giãn. Tắm nước ấm trước khi đi ngủ rất hiệu quả trong việc thư giãn cuối ngày và hạn chế được tình trạng chuột rút. Bạn cũng có thể ngâm chân nước ấm thêm chút muối nếu tình trạng chuột rút xuất hiện nhiều hơn ở những tháng cuối thai kỳ.
Tránh stress
Giữ tinh thần thoải mái, đừng lo lắng. Tâm trạng căng thẳng quá độ có thể dẫn đến chuột rút do nó có thể khiến cho hoóc môn trong cơ thể mất cân bằng, nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng cao.
[tds_warning]Nếu tình trạng chuột rút không hết, cơn đau tiếp diễn kèm theo đau và sưng chân, chạm vào có cảm giác nóng thì bà bầu không nên chủ quan mà cần phải đến bác sĩ thăm khám ngay, vì đó có thể là dấu hiệu bà bầu bị đông máu chứ không phải bị chuôt rút. Riêng trường hợp chuột rút ở bụng bà bầu cần chú ý hơn vì có khả năng sảy thai. Vì vậy, hãy báo ngay cho bác sĩ biết nếu mẹ bầu thấy có bất kì dấu hiệu bất thường nào[/tds_warning]
Tài liệu tham khảo:
- https://www.pregnancybirthbaby.org.au/leg-cramps-during-pregnancy
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/phong-ngua-chuot-rut-khi-mang-thai-3-thang-cuoi/