Bên cạnh niềm vui có con, nhiều người mẹ hiện đang phải đối mặt với hội chứng trầm cảm sau sinh với những thay đổi lớn về tâm lý, sinh lý. Chứng trầm cảm sau sinh sẽ gặm nhấm tinh thần của người mẹ, nếu không phát hiện kịp thời có thể gây những hậu quả đáng tiếc lên sức khỏe, tinh thần và thể chất của người mẹ.
[toc]
Nguyên nhân chính của trầm cảm sau sinh
Trong thai kỳ, nội tiết tố thay đổi nhiều có thể gây ra những rối loạn cảm xúc và tinh thần. Ví dụ, việc tăng tiết quá độ nội tiết tố tuyến giáp thyroxin có thể làm một người bình thường căng thẳng và dễ bị cáu gắt… Nội tiết tố làm tăng cảm xúc của thai phụ mạnh hơn, thai phụ sẽ nhạy cảm hơn với những vấn đề xảy ra.
Bên cạnh đó, các yếu tố tâm lý xã hội không thuận lợi như:
- mang thai ngoài ý muốn, làm mẹ đơn thân.
- sự khó khăn thiếu thốn về vật chất, kinh tế khi mang thai.
- thiếu sự quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ từ gia đình, chia sẻ của người chồng, quan niệm cổ hủ xem chuyện sinh đẻ là của phụ nữ, phải tự lo.
- vất vả khi nuôi con: con khóc đêm, mất ngủ, thiếu sữa nuôi con, không được đi đâu, bị bắt kiêng khem nhiều
- vẻ ngoài xuống sắc
… cũng là những yếu tố thúc đẩy phát sinh các rối loạn tâm thần kinh cho phụ nữ trước và sau sinh.
Các dấu hiệu trầm cảm sau sinh thường gặp
Stress: Phụ nữ sau sinh dễ bị stress hơn so với người khác, với nhiều biểu hiện như buồn phiền, mất ngủ, chán ăn, không muốn giao tiếp…
Rối loạn trầm cảm: biểu hiện như quá lo lắng về tương lai làm mẹ của mình, cảm thấy khó chịu với mọi thứ xung quanh, gặp vấn đề về giấc ngủ, mộng du, ác mộng, bbuồn dai dẳng, suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử…
Trầm cảm nhẹ: sau khi sinh con khoảng 3 – 4 ngày, người mẹ thường khóc lóc không rõ nguyên nhân, mệt mỏi.
Trầm cảm nặng: lúc đầu người mẹ cảm thấy lo lắng, sau trở nên buồn rầu, cáu gắt vô cớ, có những hành vi kỳ quặc đối với người con mới đẻ.
Rối loạn hành vi: thường sau 2 tuần sau sinh, sản phụ thường buồn rầu, khóc lóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, lo lắng quá mức vì sợ mắc bệnh hiểm nghèo, ít chú ý đến vệ sinh cá nhân, ăn mặc lôi thôi, hành vi thô bạo, xúc phạm người xung quanh. Nặng hơn, người mẹ có thể bỏ mặc con, hành hạ con thậm chí giết hại hoặc tự sát.
Lú lẫn, hoang tưởng cấp: thường xảy ra trong khoảng 20 ngày đầu sau đẻ. Tiến triển nhanh từ ngày thứ ba, đột ngột xuất hiện tình trạng lú lẫn, hoang tưởng (có thể cả mê mộng) tăng về chiều tối. Hoang tưởng bị hại tập trung vào đứa con (cho là đứa con sinh ra không phải của mình) đôi khi kèm theo trầm cảm – lo âu.
Người ngoài thường chỉ thấy bệnh nhân rối loạn giấc ngủ, hay bực tức, giận dữ, mệt mỏi, thần sắc, khí sắc giảm. Người bệnh trầm cảm dù nặng hay nhẹ vẫn tỉnh táo, khôn ngoan, biết đúng sai, nên người bệnh không phát hiện ra, người mẹ thường không chia sẻ do sợ sự kỳ thị của những người xung quanh, người xung quanh càng khó nhận biết hơn. Vì vậy cần hết sức nhạy cảm và quan tâm đến người mẹ để có thể kịp thời phát hiện và hỗ trợ.
Trường hợp mâu thuẫn nhiều, không được giải quyết căn nguyên, yếu tố nguy cơ, bệnh sẽ nặng hơn, nên quan trọng cần phải xác định rõ khúc mắc, lo lắng trong lòng người mẹ để cùng giải quyết.
Vượt qua chứng trầm cảm sau sinh
Người mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh rất cần được chồng và người thân quan tâm, theo dõi, động viên.
Gia đình nên tạo điều kiện để người mẹ được nghỉ ngơi thoải mái, làm việc nhẹ nhàng, tập thể dục và thư giãn hợp lý.
Thông thường, những người bị trầm cảm nhẹ nếu được khuyên giải, động viên, nâng đỡ thì phần lớn sẽ trở lại bình thường.
Nếu phát hiện có có các rối loạn tâm thần, cần được đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Những trường hợp trầm cảm nặng và có rối loạn hành vi cần được đưa vào các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được điều trị.
Khi bệnh đã tạm ổn định, gia đình cần đối xử khéo léo, nhẹ nhàng, tránh cho người mẹ cảm thấy mặc cảm.
Về phần người mẹ, nên chủ động giải quyết trầm cảm bằng thảo luận và chia sẻ để cùng giải quyết mâu thuẫn và nhận được nhiều hơn sự quan tâm từ người thân.
Sau sinh nếu không mệt mỏi, tại chỗ mình có thể sử dụng các động tác nhẹ nhàng phù hợp với mình. Sau thời gian hậu sản 42 ngày, nếu người mẹ bố trí được thời gian, vẫn có thể đi tập luyện. Đi tập luyện còn có thể giúp người mẹ giao lưu, chia sẻ bên ngoài, thoải mái đầu óc rất nhiều. Có thể chọn tập yoga để chia sẻ cùng bạn bè, giảm stress cho bà mẹ, giúp cơ thể mềm dẻo khỏe khoắn hơn.
Trầm cảm sau sinh không đơn thuần chỉ là một chứng bệnh mà người mẹ phải đối mặt và tự giải quyết, đây là bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Sự quan tâm và tình yêu thương từ người chồng, từ những người thân là công cụ phát hiện bệnh hiệu quả và cũng là phương thuốc chữa lành bệnh nhanh chóng.
Theo Procarevn.vn