Thời kỳ mang thai là lúc cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi và phải đối mặt với nguy cơ gặp các biến chứng trong thai. Các biến chứng trong thai kỳ nếu không được kiểm soát kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi và bà mẹ. Vì vậy các mẹ bầu cần nắm được những kiến thức cơ bản để biết cách nhận biết và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm này.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ gặp một số biến chứng trong thai kỳ
Tiền sản giật
Tiền sản giật còn được gọi là nhiễm độc thai nghén – là một biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến khoảng 5% phụ nữ mang thai. Tiền sản giật có thể xảy ra sau tuần thứ 20 thai kỳ, nó gây tăng huyết áp và các vấn đề về thận. Hầu hết các triệu chứng của tiền sản giật xuất hiện vào gần ngày sinh và bà mẹ có thể sinh con bình thường nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên tiền sản giật có thể tiến triển một cách nhanh chóng gây ra những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi.
Đối với phụ nữ mang thai từ 37-40 tuần mà có nguy cơ tiền sản giật thì bác sĩ có thể kích thích chuyển dạ sớm. Nếu sớm hơn, bác sĩ cần phải theo dõi chặt chẽ và có thể kê một số thuốc giúp kiểm soát các nguy cơ cho đến khi thai đủ tháng.
Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai nghén xảy ra khi cơ thể gặp rối loạn chuyển hóa carbonhydrat khiến lượng đường trong máu tăng cao. Theo ước tính tại Việt Nam có khoảng 5-6% thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ. Hầu hết các bà mẹ có thể kiểm soát đái tháo đường thai kỳ với chế độ ăn và luyện tập hợp lý và bệnh thường tự khỏi sau khi sinh con. Tuy nhiên cũng có một số bà mẹ cần phải sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết.
Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ thường có thai to do lượng đường dư thừa sẽ được tích lũy ở thai nhi dưới dạng chất béo. Điều này dẫn tới nguy cơ phải sinh mổ và trẻ sơ sinh có thể gặp phải một số sang chấn như gãy xương vai trong lúc sinh. Tác hại về lâu dài đối với em bé là gia tăng tỉ lệ trẻ bị béo phì, khi lớn sớm mắc đái tháo đường typ 2 và rối loạn phát triển thể chất, tâm thần, vận động.
Tiểu đường thai kỳ cũng gây ra những nguy cơ cho bà mẹ bao gồm: gia tăng tỉ lệ gặp biến chứng trong thai kỳ như: tiền sản giật, sinh non, viêm thận-bể thận, đa ối. Về lâu dài bà mẹ có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường thực sự (tỉ lệ khoảng 25-50%), béo phì và mắc bệnh tim mạch sau sinh.
Theo khuyến cáo của ACOG (Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ) thì phụ nữ mang thai cần tầm soát đái tháo đường thai kỳ vào tuần thứ 24-28, thậm chí sớm hơn nếu có nguy cơ cao.
Nghiệm pháp đường huyết được sử dụng để kiểm soát đường huyết trong thai kỳ
Sẩy thai
Thai mất trong vòng 20 tuần đầu tiên thì được tính là sẩy thai. Có khoảng 10-20% phụ nữ mang thai bị sẩy thai và 80% các ca sẩy thai xảy ra trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Nguyên nhân gây sẩy thai chủ yếu là do bất thường nhiễm sắc thể trong trứng được thụ tinh khiến thai không thể phát triển thêm được. Ngoài ra còn có các yếu tố khác bao gồm: nội tiết, vấn đề ở tử cung, bệnh lý miễn dịch, nhiễm trùng, phơi nhiễm với chất độc (rượu, caffein, thuốc, phóng xạ).
Dấu hiệu đầu tiên của sẩy thai thường là chảy máu âm đạo, vì vậy hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có dấu hiệu chảy máu khi mang thai.
Sinh non
Trước tuần 37 của thai kỳ, các cơ quan của thai nhi như phổi và não chưa được phát triển hoàn thiện. Ở thời điểm đó nếu người mẹ xuất hiện các cơn co thắt và giãn mở tử cung thì có thể sinh non. Hậu quả của sinh non là tăng tỉ suất mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân chính là do phổi của em bé chưa trưởng thành, dẫn tới suy hô hấp, tăng áp phổi kéo dài và loạn sản phế quản – phổi. Trẻ sinh non còn có thể gặp một số biến chứng khác như: xuất huyết não thất, nhiễm trùng huyết, viêm ruột hoại tử. Đa số các trường hơp tử vong xảy ra ở trẻ sinh ra trước 28 tuần.
Khi bà mẹ có dấu hiệu của các cơn co thắt tử cung sớm, bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc để giữ thai lâu hơn trong bụng mẹ.
Tăng huyết áp trong thai kỳ
Các rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ chiếm tỉ lệ 10-22% và theo phân loại của ACOG thì được chia thành 4 nhóm: tăng huyết áp mạn tính; tăng huyết áp do thai kỳ; tiền sản giật-sản giật; tăng huyết áp mạn tính có tiền sản giật chồng lên. Tăng huyết áp xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ và không đi kèm với sự xuất hiện của protein niệu thì được gọi là tăng huyết áp do thai kỳ.
Huyết áp cao trong thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non, thậm chí sản giật dẫn đến tử vong cả mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, huyết áp cao trong thai kỳ còn có thể gây ra các biến chứng khác cho thai nhi như chết lưu, thai kém phát triển, tử vong sau sinh. Phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp cần được theo dõi chặt chẽ và đôi khi cần sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp trong thai kỳ.
Rối loạn dịch ối
Nước ối là dịch thể bao bọc xung quanh thai nhi trong tử cung mẹ. Nước ối vừa là môi trường trao đổi chất giúp thai nhi phát triển, vừa giúp thai nhi tránh khỏi các sang chấn từ bên ngoài. Các rối loạn dịch ối bao gồm dư ối (lượng nước ối nhiều hơn bình thường) và thiểu ối (lượng nước ối thấp). Cả dư ối và thiểu ối đều có liên quan đến các bất thường của thai nhi hoặc bệnh lý của bà mẹ.
Dư ối có thể làm vỡ ối sớm và sinh non do căng giãn tử cung quá mức hoặc tăng nhanh thể tích tử cung. Thiểu ối trong tam cá nguyệt thứ 2 có thể dẫn tới giảm sản phổi ở thai nhi, thậm chí thai chết lưu.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Khi có các dấu hiệu bất thường bạn cần gọi cho bác sĩ ngay lập tức
Khi xuất hiện một trong các triệu chứng dưới đây, bạn cần gọi cho bác sĩ sản khoa của mình ngay lập tức:
- Chảy máu từ âm đạo
- Cơn đau, co thắt bụng
- Sưng, phù tay hoặc mặt đột ngột
- Sốt
- Nhức đầu nặng
- Chóng mặt, mờ mắt
- Ói mửa liên tục
- Em bé đột nhiên ít di chuyển hơn bình thường trong tam cá nguyệt thứ ba.
Tóm lại: những biến chứng trong thai kỳ có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho bà mẹ và thai nhi nếu không được kiểm soát tốt. Bên cạnh việc khám thai định kỳ, các mẹ bầu cũng nên có chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý để hạn chế các nguy cơ gặp biến chứng trong thai kỳ.
BS. Minh Trí
Nguồn tham khảo:
1. Pregnancy complications. (2015, September 29). http://www.cdc.gov/reproductivehealth/maternalinfanthealth/pregcomplications.htm
2. What are some common complications of pregnancy? (2013, July 12). http://www.nichd.nih.gov/health/topics/pregnancy/conditioninfo/Pages/complications.aspx
2 thoughts on “Những biến chứng thường gặp trong thai kỳ”
bị doạ sẩy thai thì có nên ăn chè đậu đen không ạ
Chào bạn Thoan,
Chè đậu đen là món ăn bổ dưỡng, không làm tăng nguy cơ dọa sảy thai. Do đó bạn có thể ăn chè được bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!