Nuôi con bằng sữa mẹ có thể có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi bị béo phì sau này bằng cách giảm bớt tốc độ tăng trưởng và hạn chế mô mỡ trong thời kì nhũ nhi. Do quá trình tăng trưởng trong thời kì nhũ nhi có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe lâu dài nên cần phải hiểu yếu tố nào có tác động đến quá trình tăng trưởng ở trẻ nhũ nhi. Câu hỏi đặt ra là liệu người mẹ bị béo phì/ thừa cân có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ nhũ nhi hay không, và liệu sữa công thức có hàm lượng protein thấp có tác động đến sự tăng trưởng của trẻ hay không?
Béo phì là vấn đề ngày càng phát triển trên toàn thế giới, thu hút rất nhiều mối quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa. Vì béo phì có thể khởi đầu từ bào thai và thời kỳ nhũ nhi nên những can thiệp ngay từ đầu đời ngày càng được chú ý. Nếu giai đoạn nhũ nhi trẻ tăng trưởng quá nhanh thì có thể liên quan đến hiện tượng bị thừa cân và béo phì sau này.
Nhiều nghiên cứu quan sát đã cho thấy trẻ được nuôi bằng sữa mẹ được bảo vệ khỏi bị béo phì sau này trong cuộc sống. Điều đó chứng tỏ chắc chắn rằng trẻ bú sữa mẹ tăng trưởng chậm hơn trẻ được nuôi bằng sữa công thức, và những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ được cho là gầy hơn những trẻ được nuôi bằng sữa công thứ.
Do đó, người ta cho rằng nuôi con bằng sữa mẹ có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi bị béo phì sau này bằng cách làm chậm tốc độ tăng trưởng và hạn chế các mô mỡ trong thời kỳ nhũ nhi. Niềm tin mạnh mẽ rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ cải thiện được sức khỏe sau này khiến WHO thiết lập chuẩn tăng trưởng mới dựa trên số liệu từ những trẻ được nuôi hầu hết bằng sữa mẹ trong năm đầu tiên.
Vì vậy, người ta cho rằng cần tránh tăng trưởng quá mức trong thời kỳ nhũ nhi và tin rằng điều này sẽ khiến trẻ có sức khỏe tốt khi lớn lên. Những trẻ sơ sinh có mẹ bị thừa cân/béo phì đều có tốc độ tăng trưởng nhanh trong năm đầu tiên, thậm chí cả khi chúng được nuôi bằng sữa mẹ. Và hiện tượng tăng trưởng nhanh được biết là tiền đề của bệnh béo phì sau này.
Trẻ có mẹ bị thừa cân hoặc béo phì thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm đầu tiên, kể cả khi bé được bú sữa mẹ. Ảnh hưởng của việc mẹ bị béo phì được thấy rõ nhất trong sáu tháng đầu sau khi sinh, trùng với thời gian sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ. Điều này chứng tỏ sự béo phì của người mẹ có thể đã được chuyển đến con qua con đường trung gian là thành phần hoặc số lượng sữa mẹ.
Số liệu từ ba nghiên cứu được thực hiện gần đây đã được thu thập và phân tích để trả lời câu hỏi liệu con của những người mẹ thừa cân/béo phì được nuôi bằng sữa mẹ có biểu hiện tăng trưởng nhanh hay không. Kết quả cho thấy những trẻ này có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với chuẩn của WHO và chúng tăng trưởng nhiều hơn đáng kể so với những trẻ có mẹ gầy.
Các sữa công thức truyền thống dành cho trẻ nhũ nhi lớn hơn ba tháng tuổi thường có hàm lượng protein nhiều hơn mức cần thiết. Các sữa công thức có hàm lượng protein thấp, gần hơn với thành phần trong sữa mẹ có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của những trẻ có mẹ bị thừa cân hoặc béo phì, và giảm nguy cơ béo phì trong tương lai.
Câu hỏi liệu những trẻ tăng trưởng nhanh có tăng trưởng chậm lại hay không nếu được nuôi bằng sữa công thức có hàm lượng protein thấp cũng đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy các sữa công thức có hàm lượng protein nhỉnh hơn sữa mẹ một chút giúp trẻ tăng trưởng bình thường và làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng nhanh.
Theo Procarevn tổng hợp