Tuyến giáp là một tuyết nhỏ nằm ở dưới thanh quản, khu vực cổ. Vai trò của tuyến giáp đối với cơ thể đã được chỉ rõ trong hoạt động bình thường của tuyến giáp. Tuyến giáp sản xuất hormone quan trọng là T3, T4 có vai trò thiết yếu đối với mọi hoạt động chuyển hóa của cơ thể.
Hoạt động của tuyến giáp
Hormon tuyến giáp sản xuất ra có hai loại được gọi là T3 (Triiodothyronine) và T4 (Tetraiodothyronine) dựa vào số phân tử Iod trong công thức cấu tạo. Nhìn vào đó chúng ta có thể thấy, Iod là thành tố không thể thiếu trong quá trình sản xuất hormone tuyến giáp.
Quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp bắt đầu từ khi cơ thể được bổ sung thêm Iod (từ nguồn thức ăn, thuốc bổ sung…) qua chuyển hóa thành dạng Iodur, hấp thu vào ruột và vận chuyển vào trong tuyến giáp, rồi trở lại dạng Iod bình thường. Dưới tác dụng của hormone tuyến yên, tuyến giáp sản xuất hormone T4 và một lượng nhỏ T3. Hormon tuyến giáp T4 sau đó giải phóng 1 phân tử Iod chuyển thành dạng hoạt động là T3.
Trong quá trình lưu thông trong máu, hormone T3 và T4 được tồn tại ở hai dạng là dạng tự do và dạng gắn vào protein vận chuyển. Dạng T3, T4 tự do có tác dụng ức chế ngược lại hoạt động tuyến giáp. Do đó, để kiểm tra tình trạng hoạt động của tuyến giáp, người ta thường định lượng hormone T3, T4 dạng tự do.
Vai trò của hormone tuyến giáp với phát triển cơ thể
Năm vai trò chính của hormone tuyến giáp là
- Tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sinh trưởng phát dục.
- Kích thích hoạt động của tim, tăng cường sự co bóp.
- Tác động chức năng hoạt động tuyến sinh dục và tuyến sữa.
- Điều hòa quá trình tạo nhiệt, làm tăng đường huyết.
- Kích thích sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh ngay từ khi còn trong bào thai.
Bệnh lý tuyến giáp
Hai bệnh lý chính thường gặp liên quan tới tuyến giáp là Cường giáp và Suy giáp, có liên quan tới mức độ hoạt động của tuyến giáp.
Cường giáp
Nguyên nhân
– Rối loạn nội tiết: Bệnh Basedow: thường gặp ở phụ nữ từ 30 ->50 tuổi ( 80% )
– Sử dụng quá liều Iod: thường do bổ sung quá nhiều thuốc chứa iod trong quá trình trị bệnh.
Triệu chứng: Gầy mặc dù ăn nhiều, uống nhiều, huyết áp tăng, tay run, da ấm và ẩm, đổ nhiều mồ hôi. Mạc nhanh và tăng lưu lượng tim. Tuyến giáp phì đại, mắt lồi.
Hậu quả của Cường giáp với bà mẹ và thai nhi: Cường giáp khi mang thai sẽ ảnh hưởng tới cả bà mẹ và thai nhi.
- Ảnh hưởng tới bà mẹ: Sinh non, nguy cơ tiền sản giật, suy tim do tim hoạt động quá sức.
- Ảnh hưởng tới thai nhi: thai chết lưu, sẩy thai, thai chậm phát triển, dị tật bẩm sinh.
Cách khắc phục: ngưng sử dụng các loại thuốc chứa iod, điều trị đặc hiệu nhưng có thể gây nguy hiểm cho thai nhi do các thuốc điều trị dễ dàng vào nhau thai và sữa mẹ. Trong ba tháng giữa thai kỳ, bà bầu bị cường giáp có thể được phẫu thuật nhưng cần rất thận trọng và ngay cả khi điều trị thành công thì những đứa trẻ sinh ra vẫn có nguy cơ phát triển cường giáp khó hồi phục.
Suy giáp
Nguyên nhân: Bệnh tự miễn, người bệnh bị cắt bỏ tuyến giáp, thiếu iod, sử dụng thuốc kháng giáp trạng hoặc do sự thay đổi nội tiết tố.
Triệu chứng: Giảm nhu động ruột, nhịp tim, tuần hoàn, trầm cảm,
Hậu quả của Suy giáp đối với bà mẹ và thai nhi:
- Ảnh hưởng tới bà mẹ: thai phụ có thể bị tiền sản giật, bất thường bánh nhau, chảy máu nhiều sau sinh
- Ảnh hưởng tới thai nhi: trẻ sinh ra bị đần độn, kém phát triển về thể chất, trí tuệ, nhẹ cân.
Tuyến giáp của thai nhi chỉ bắt đầu hoạt động một phần từ tuần thứ 10->12 của thai kỳ do đó trong thai kỳ thứ nhất cho nên trong 3 tháng đầu tiên thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hormone tuyến giáp của mẹ. Do đó, khi người mẹ gặp trục trặc về tuyến giáp thì thai nhi cũng sẽ chịu những hậu quả từ những bất thường đó.
Với vai trò quan trọng của tuyến giáp và hormon tuyến giáp trong hệ thống chuyển hóa toàn cơ thể, sự hoạt động, hình thành, phát triển hệ thần kinh thì việc kiểm tra hormon tuyến giáp trong thời kỳ mang thai là rất cần thiết nhằm phát hiện sớm các vấn đề người mẹ gặp phải và xử lý kịp thời.
Hoài Phương
52 thoughts on “Vai trò của tuyến giáp và bệnh lý thường gặp”
Em 17 tuổi bị bưu tuyến giáp Thuỳ phải đã cắt .cắt Thuỳ phải tuyến giáp là bướu lành .cho em hỏi khi cắt Thuỳ phải như thế có ảnh hưởng đến phát triển chiều cao không .em 17 tuổi và là NAm. cho em hỏi thêm: khi nào thì dừng uống thuốc disthyrox . Điều kiện để dừng uống thuốc là gì ?
Chào bạn Anh Dương,
Tuyến giáp là một trong những bộ phận quan trọng của cơ thể, nó sản xuất ra hormon giáp trạng là T3 và T4 tham gia vào hầu hết các quá trình chuyển hóa, tăng trưởng và phát triển của con người. Hormon tuyến giáp có ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cơ thể. Khi bị cắt một phần tuyến giáp, hormon giáp trạng không được sản xuất đầy đủ, quá trình phát triển sẽ chậm lại. CHính vì vậy, để đảm bảo lượng hormon tuyến giáp của cơ thể vẫn ở mức độ ổn định thì bạn được chỉ định dùng hormon thay thế disthyrox từ thuốc. Nếu bổ sung đúng và đủ, hormon tuyến giáp trong cơ thể duy trì ở mức độ bình thường, tương đương với khi tuyến giáp vẫn nguyên vẹn chưa phải phẫu thuật, thì bạn vẫn phát triển bình thường, không có vấn đề gì về sức khỏe hay sự phát triển chiều cao. Quan trọng là bạn cần thực hiện thăm khám định kỳ và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ bạn nhé!
Chúc bạn mạnh khỏe!
Tôi vừa mổ và cắt toàn bộ tuyến giáp. Hiện nay tôi đang uống 1 viên Tamidan hàng ngày. Vậy xin hỏi bác sĩ như vậy có ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe và có hại gì không? Tôi rất lo lắng và mong bác sĩ tư vấn sớm nhất cho tôi. Tôi chân thành cảm ơn!
Chào bạn,
Tuyến giáp là một tuyến nằm ở cổ, có hình dạng con bướm, đóng vai trò là cột đèn tín hiệu điều khiển trao đổi chất trong cơ thể. Tuyến giáp là một trong những bộ phận quan trọng của cơ thể, nó sản xuất ra hormon tuyến giáp là T3 và T4 tham gia vào hầu hết các quá trình chuyển hóa, tăng trưởng và phát triển của con người.
Vì một lý do nào đó mà bạn phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp thì nhất thiết bạn cần điều trị bằng liệu pháp hormon tuyến giáp thay thế để mọi hoạt động của cơ thể được duy trì bình thường. Bạn đã và đang dùng Tamidan là một sản phẩm cung cấp hormon tuyến giáp thay thế. Để hạn chế tối đa các nguy cơ có thể gây ra thì bạn cần thực hiện dùng thuốc đều đặn, thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu thực hiện đúng và đầy đủ thì không cần quá lo ngại bạn nhé!
Chúc bạn mạnh khỏe!
Chị tôi bị cắt tuyến giáp, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không vậy chuyên gia. Vui lòng tư vấn giúp tôi
Chào bạn Duy Khánh,
Tuyến giáp sản xuất ra hormon tuyến giáp là T3 và T4 tham gia vào hầu hết các quá trình chuyển hóa, tăng trưởng và phát triển của con người. Tuyến giáp liên quan đến hầu hết các tuyến nội tiết khác vì vậy nó có vai trò quan trọng và ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động của cơ thể.
Vì một lý do nào đó mà bạn phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp thì nhất thiết bạn cần điều trị bằng liệu pháp hormon tuyến giáp thay thế để mọi hoạt động của cơ thể được duy trì bình thường. Nếu không được cung cấp phù hợp, thiếu các loại hormone này có thể dẫn tới hàng loạt bệnh hoặc không giảm được trọng lượng dù đã dùng mọi biện pháp như ăn kiêng hay tập luyện chuyên cần. Thiếu hormone tuyến giáp, cơ thể sẽ giữ nước, muối và protein; lượng cholesterol trong máu tăng; da, tóc và móng tay phát triển chậm. Những người suy giảm chức năng tuyến giáp thường mệt mỏi và lờ đờ, chậm chạp trong nhận thức. Tuyến giáp còn liên quan chặt chẽ tới các yếu tố của hệ thống hormone như các tuyến điều khiển khả năng tình dục. Nam giới bị suy giảm tuyến giáp có thể bị liệt dương. Còn phụ nữ sẽ gặp các vấn đề liên quan tới kinh nguyệt…
Do đó, bạn cần thực hiện dùng thuốc và thăm khám định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ bạn nhé!
Chúc bạn mạnh khỏe!
Xin chào các chuyên gia, thời gian gần đây tôi đọc báo và thấy thông tin: móng tay không có vòng cung màu trắng là gặp bệnh lí về tuyến giáp. Tay tôi ngoài ngón cái ra thì các ngón khác không có. Lên mạng đọc thông tin về tuyến giáp, tôi thấy vai trò của tuyến giáp có liên quan đến sinh sản nên rất lo lắng. Không biết có phải vì lí do này mà tôi đã bị thai ngoài tử cung không? Xin cảm ơn.
Chào bạn Chi Chi,
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thai ngoài tử cung đứng hàng đầu là nguyên nhân làm viêm nhiễm vòi trứng, trong đó nạo phá thai nhiều lần, viêm nhiễm vùng chậu là nguyên nhân thường gặp nhất. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: khối u phần phụ như u nang buồng trứng, những phẫu thuật được thực hiện trước đó đến vòi trứng,… Tuyến giáp có vai trò quan trọng đối với mọi hoạt động của cơ thể, kể cả cơ quan sinh sản. Tuy nhiên, không thể kết luận nguyên nhân gây thai ngoài tử cung nếu không thực hiện thăm khám trực tiếp và tình hình tiền sử trước đó của bạn. Cũng như không thể chỉ dựa vào biểu hiện móng tay không có vòng cung màu trắng mà kết luận rằng tuyến giáp có vấn đề. Mọi kết luận đều cần dựa vào kết quả thăm khám, xét nghiệm, tình hình bệnh sử,… Chính vì vậy, để giảm thiểu tối đa rủi ro cho lần mang thai tới thì bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám trước khi mang thai bạn nhé!
Chúc bạn mạnh khỏe!
Có phải móng tay không có vệt trắng hình trăng khuyết thì tuyến giáp kém không chuyên gia
Chào bạn,
Có rất nhiều thông tin khác nhau về việc không có vết trắng hình trăng khuyết ở móng tay như: chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, cơ thể mệt mỏi suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, bất thường về hệ tiêu hóa, tim mạch, tuyến giáp,… Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở khoa học chính thức để khẳng định điều đó. Việc chuẩn đoán bệnh cần dựa vào kết quả thăm khám trực tiếp bệnh nhân và các kết quả xét nghiệm khác. Chính vì vậy, nếu có nghi ngờ mình có vấn đề gì bất thường thì tốt hơn hết là bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám trực tiếp bạn nhé!
Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!