Cùng do vi-rút gây ra và lây truyền qua đường hô hấp, tuy nhiên cảm cúm và cảm lạnh lại rất khó để nhận biết bởi các triệu chứng “na ná” nhau. Đặc biệt với phụ nữ đang mang thai, cần phân biệt rõ 2 loại cúm này để phòng trừ các biến chứng gây hại cho sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
CẢM CÚM
1. Đặc điểm bệnh cúm và phương thức lây truyền
Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm tấn công hệ hô hấp của người bệnh. Nguyên nhân của bệnh cúm là do virus cúm (Influenza virus), virus này liên tục biến thể với các chủng mới xuất hiện thường xuyên.
Cúm thông thường sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi cúm và các biến chứng nghiêm trọng của nó có thể gây nguy hại đến mẹ bầu và em bé. Cụ thể là virus cúm khi tấn công vào cơ thể mẹ bầu sẽ khiến sự trao đổi chất bị rối loạn và sản sinh ra các độc tố ảnh hưởng tới thai nhi: gây ra dị tật tim bẩm sinh, sứt môi, não tụ huyết, dị dạng đầu nhỏ,…Bên cạnh đó, triệu chứng sốt cao và ho nhiều của cúm cũng có thể kích thích tử cung co bóp, làm tăng nguy cơ dọa sảy, sảy thai, sinh non,…
Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Virus vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.
Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.
2. Triệu chứng
Ban đầu triệu chứng của cảm cúm dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường: sổ mũi, hắt hơi và đau họng. Tuy nhiên chúng ta có thể phân biệt bằng cách dựa vào các triệu chứng, cảm lạnh thường phát triển chậm, trong khi cảm cúm có xu hướng xuất hiện đột ngột.
Các triệu chứng điển hình của bệnh cúm bao gồm:
– Ho khan, ho nhiều
– Sốt từ vừa phải đến cao
– Viêm, rát họng
– Nghẹt mũi và chảy nước mũi
– Ớn lạnh, chảy (vã) mồ hôi
– Miệng đắng, da khô nóng, buồn nôn, táo bón
– Đau nhức toàn thân, đau cơ, đau xương khớp
– Mệt mỏi kéo dài đến hai tuần.
3. Điều trị và cách phòng bệnh
Để hạn chế tác hại của cúm, mẹ bầu cần nghỉ ngơi đầy đủ và thường xuyên theo dõi thân nhiệt. Nếu sốt cao trên 39 độ hoặc sốt kéo dài 3 ngày thì cần đến ngay bệnh viện để khám và chữa trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, nên bổ sung nhiều vitamin C từ các loại trái cây như cam, chanh, bưởi, dâu tây,…
Quá trình mang thai có nhiều khả năng phát triển các biến chứng cúm, đặc biệt là trong 6 tháng sau của thai kỳ. Vì vậy mẹ bầu nên tiêm phòng vắc xin cúm trước khi có thai 1 tháng hoặc định kỳ hàng năm
Rửa tay đúng cách và thường xuyên là một cách hiệu quả để phòng ngừa cảm cúm và nhiều bệnh nhiễm trùng thông thường.
Che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho, nên ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào khu vực bên trong khuỷu tay, không nên dùng lòng bàn tay để che.
Tránh đám đông vì bệnh cảm cúm lây lan dễ dàng ở nơi tụ tập đông người.
CẢM LẠNH
1. Đặc điểm của cảm lạnh
Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó Rhinovirus chiếm phần lớn, riêng virus này lại có tới hơn 100 chủng khác nhau. Các loại virus khác cũng gây cảm lạnh có thể kể đến là: Enterovirus, Coronavirus…
2. Triệu chứng
Cảm lạnh thông thường bắt đầu với sự mệt mỏi, toàn thân rã rời, cảm giác lạnh toàn thân, hắt hơi, đau đầu kéo dài trong vài ngày, sau đó là chảy mũi và ho. Các triệu chứng có thể bắt đầu sau 16 giờ mắc bệnh, đỉnh điểm 2-4 ngày sau khi khởi phát. Các triệu chứng thường chấm dứt sau 7-10 ngày nhưng một số có thể kéo dài tới 3 tuần.
Các triệu chứng điển hình của bệnh cảm lạnh bao gồm:
– Rét run, cảm giác ớn lạnh
– Đau đầu, mệt mỏi
– Đau họng, ho có đờm xanh hoặc vàng
– Hắt hơi, sổ mũi nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
– Đau nhức cơ bắp nhẹ, ăn không ngon miệng.
3. Điều trị và cách phòng bệnh
Cảm lạnh là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, mẹ bầu chỉ cần điều trị triệu chứng, nâng cao thể lực, sức đề kháng và chờ bệnh tự khỏi. Cảm lạnh thông thường hầu như không gây ảnh hưởng gì tới thai nhi nếu không có triệu chứng sốt hoặc ho nhiều.
Vì thế mẹ bầu không cần quá lo lắng, mẹ chỉ cần uống nhiều nước lọc và tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C như: cam, chanh, bưởi, dâu tây,… để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó, mẹ hãy chú ý giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi điều độ, hàng ngày vệ sinh răng miệng bằng dung dịch nước muối.
Theo Procarevn.vn