Mặc dù kỹ thuật siêu âm chẩn đoán đã phát triển rất mạnh, tuy nhiên, để có thể nắm được quá trình phát triển thể chất của thai nhi khi còn trong bụng vẫn còn là thách thức của các thầy thuốc trên toàn cầu. Một số thông tin khái quát sau sẽ giúp bạn hình dung được những thay đổi sinh lý thai nhi khi còn trong bụng mẹ như thế nào và một số cảm giác mà bà bầu có thể cảm nhận được trong quá trình mang thai, tương ứng với sự phát triển của em bé trong bụng.
Sinh lý nhau thai
- Nhau thai có một số chức năng, bao gồm chuyển các chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ đến thai, bài tiết các chất thải của thai nhi, tổng hợp các protein và các hormone.
- Nhau thai được phân loại là màng nội mô mạch máu-màng đệm, vì nó chỉ có ba lớp tế bào tách tuần hoàn mẹ và thai nhi: lớp nguyên bào nuôi của thai, lớp đệm có nhung mao, và lớp nội mô mao mạch. Nhung mao nằm giữa các khoảng giữa nhung mao chứa đầy máu từ mẹ.
- Nhung mao tạo ra một tỷ lệ diện tích bê mặt cao, tổng diện tích bề mặt lúc thai đủ tháng khoảng 10m2
- Sự vận chuyển các chất qua nhau xảy ra do khuếch tán (oxy, carbonic, điện, đường đơn), vận chuyển tích cực (sắt, vitamin C), hoặc khuếch tán có hỗ trợ (globulin miễn dịch).
- Nhau có khả năng dự trưc lớn; 30%-40% số lượng nhung mao (nhau thai) có thể mất mà không có bằng chứng của suy nhau thai.
Nhau thai là nơi thai nhi được tiếp nhận dinh dưỡng, oxy, trao đổi chất khi ở trong bụng mẹ
Sinh lý thai nhi
Dinh dưỡng
- Phôi bao gồm gần như hoàn toàn là nước. Tuy nhiên, sau 10 tuần, thai nhi phụ thuộc vào chất dinh dưỡng từ tuần hoàn của mẹ qua nhau.
- Thai nhi trung bình cân nặng 3,400 g (3.4kg). Cân nặng lúc sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chủng tộc, tình trạng kinh tế-xã hội, con lần thứ mấy, yếu tố di truyền, bệnh đái tháo đường, hút thuốc lá, giới tính thai nhi. Khi thai gần đủ tháng, thai nhi tăng khoảng 30g/ngày.
Hệ tim mạch
- Tim thai bắt đầu đập khi tuổi thai 4-5 tuần.
- Lượng máu trong tuần hoàn nhau thai là khi thai đủ ngày, đạt 120 ml/kg (tổng cộng khoảng 420ml).
- Khi sinh, tuần hoàn thai có sự thay đổi đáng kể. Các mạch rốn, ống động mạch, lỗ bầu dục, và ống tĩnh mạch co lại. Điều này có lẽ do sự thay đổi áp lực oxy trong vòng vài phút sau khi sinh. Phần xa của các động mạch rốn teo lại trong vòng 3-4 ngày và trở thành dây chằng rốn, và tĩnh mạch rốn trở thành dây chằng tròn của gan. Ống tĩnh mạch mất chức năng trong vòng 10-90 giờ sau sinh, teo lại và hình thành dây chằng tĩnh mạch khi trẻ 2-3 tuần tuổi.
Hệ hô hấp
- Trong vòng vài phút sau sinh, phổi phải có khả năng cung cấp oxy và loại bỏ khí Carbonic để thai tồn tại.
- Vận động của ngực thai có thể được phát hiện ở 11 tuần. Khả năng thai “thở” nước ối vào phổi lúc thai 16-22 tuần quan trọng đối với sự phát triển bình thường của phổi. Nếu quá trình này không xảy ra, phổi có thể bị thiểu sản.
- Surfactant là một chất làm giảm sức căng bề mặt của phế nang và ngăn cho phế nang không xẹp sau khi sinh. Surfactant do phế bào loại II (type II pneumocytes) tiết ra.
- Sự trưởng thành về chức năng thể hiện qua sự tăng surfactant trong phổi. Thiếu surfactant gây ra bệnh màng trong (HMD) hoặc hội chứng suy hô hấp (RDS), và xảy ra chủ yếu ở trẻ sinh non. Liệu pháp cortico-steroid trước sinh thúc đẩy sản xuất surfactant và giảm 50% nguy cơ bị RDS.
Máu thai nhi
Máu bào thai có khả năng mang được nhiều Oxy hơn ở người trưởng thành do có Hemoglobin F
- Vị trí tạo tế bào máu thay đổi theo tuổi thai.
- Nồng độ Hemoglobin của máu thai tăng lên đến mức 15g/dl như người trưởng thành ở giữa thai kỳ, và tăng đến 18g/dl khi sinh. Hematocrit trung bình của thai là 50%.
- Hemoglobin F (Hemoglobin bào thai) có ái lực cao với Oxy hơn Hemoglobin A ở người trưởng thành. Hemoglobin A hiện diện trong bào thai từ 11 tuần và tăng tuyến tính với tuổi thai. Sự thay đổi từ Hemoglobin F sang Hemoglobin A xảy ra khi tuổi thai khoảng 32-34 tuần. Khi thai đủ tháng, 75% tổng số Hemoglobin là Hemoglobin A.
- Hematocrit trung bình của thai là 50%
Hệ tiêu hóa
- Ruột non thai có nhu động vào tuần thứ 11. Vào lúc 16 tuần, thai có thể nuốt.
- Gan (thai nhi) hấp thụ thuốc nhanh chóng nhưng chuyển hóa chậm vì những cơ chế ất hoạt và thải độc thuốc của gan vẫn còn kém phát triển cho đến cuối thai kỳ.
- Trong ba tháng cuối, gan dự trữ một lượng lớn glycogen và những enzyme chịu trách nhiệm tổng hợp Glucose.
Hệ niệu – sinh dục
- Thai bắt đầu bài tiết nước tiểu từ giai đoạn sớm của thai kỳ, nước tiểu của thai nhi là thành phần chính của nước ối, đặc biệt khi tuổi thai trên 16 tuần.
- Chức năng thận hoàn thiện từ từ khi thai kỳ tiến triển.
Hệ thần kinh
- Tế bào thần kinh tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ và ít nhất sau sinh 2 năm. Hệ thần kinh trung ương muốn phát triển đòi hỏi hoạt động tuyến giáp bình thường.
- Thai có thể cảm nhận được âm thanh ở tuần 24-26. Vào lúc 28 tuần, mắt thai rất nhạy cảm với ánh sang.
Hệ miễn dịch
- IgG thai có nguồn gốc chủ yếu từ người mẹ. Kháng thể IgG từ mẹ sang bào thai được vận chuyển qua các receptor bắt đầu ở tuổi thai 16 tuần, nhưng phần lớn các kháng thể IgG qua nhau thai trong 4 tuần cuối của thai kỳ. Như vậy, trẻ sinh non có mức IgG lưu hành rất thấp. IgM không được vận chuyển tích cực qua nhau. Như vậy, nồng độ IgM trong thai phản ánh chính xác đáp ứng của hệ miễn dịch thai nhi khi bị nhiễm trùng.
- Tế bào Lympho B xuất hiện trong gan khi thai được 9 tuần, và trong máu và lách lúc thai 12 tuần. Tế bào T rời khỏi tuyến ức khi thai khoảng 14 tuần.
- Thai không hấp thụ nhiều IgG (miễn dịch thụ động) từ sữa non, mặc dù IgA trong sữa mẹ có thể bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm trùng đường ruột.
Hệ nội tiết
- Cả Oxytocin và Vasopressin được tiết ra ở vùng hạ đồi khi thai được 10-12 tuần.
- Tuyến giáp của thai bắt đầu hoạt động ở 12 tuần. Rất ít hormone tuyến giáp của thai có nguồn gốc từ mẹ.
Theo Sổ tay sản phụ khoa Hoa Kỳ
2 thoughts on “Những thay đổi sinh lý thai nhi, các bà mẹ ít biết”
Cho e hỏi về sự duy trì nồng độ đường trong máu của trẻ sơ sinh quan trọng như thế nào? Chỉ rõ hơn về cơ chế sản xuất đường trong cơ thể trẻ dùm luôn a
Chào bạn Diệu,
Trong quá trình tiêu hóa, glucose từ thức ăn sẽ được hấp thu vào máu qua thành ruột non. Khi nồng độ đường trong máu tăng lên, tuyến tụy nhận được tín hiệu và tiết ra insulin để làm giảm nồng độ này bằng cách chuyển glucose thành glycogen dự trữ ở gan và cơ. Ngược lại, khi đường huyết giảm, tuyến tụy tiết ra glucagon để biến glycogen thành glucose phóng thích vào máu. Tuy nhiên sức chứa của gan và cơ là có giới hạn. Vượt quá giới hạn này, đường sẽ được dự trữ dưới dạng mỡ.
Điều hòa đường huyết là một cơ chế quan trọng trong cơ thể con người, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Nếu đường huyết quá thấp, cơ thể sẽ gặp tình trạng thiếu năng lượng, mệt lả, tổn thương não bộ. Còn nếu đường huyết quá cao lại gây xáo trộn các hoạt động của cơ thể, tăng tỷ lệ mắc bệnh, giảm miễn dịch; tăng nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc, nguy cơ xuất huyết não và có thể làm tăng tỷ lệ tử vong sơ sinh.
Trân trọng!