Sắt cũng giống như chì, thủy ngân, nhôm, mangan nếu bị tích lũy nhiều trong cơ thể sẽ không thể bài tiết gây ra các tác dụng phụ do dư thừa: táo bón, tiêu chảy, phân đen, chán ăn, cản trở tạo máu bình thường của thai nhi, xơ gan,…
[toc]
Sắt – vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của sắt đối với cơ thể. Sắt cần thiết để tạo Hemoglobin – là thành phần quan trọng của máu. Hemoglobin mang oxy đến khắp cơ thể người mẹ và thai nhi, giúp cho quá trình phát triển diễn ra suôn sẻ và thông suốt. Thiếu sắt thì không thể tạo ra Hemoglobin dẫn đến thiếu máu, mệt mỏi, khó thở….
Sắt còn giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn vì sắt cũng là thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch, sắt giúp biến đổi betacaroten thành Vitamin A, giúp tạo ra colagen (chất này gắn kết các mô cơ thể lại với nhau)…
Cơ thể có khả năng tự đào thải sắt dư thừa ra ngoài không?
Mẹ bầu nên cẩn trọng khi bổ sung sắt quá nhiều
Câu trả lời rất tiếc là KHÔNG. Cơ thể không thể tự tăng cường đào thải sắt nếu gặp tình trạng dư thừa. Sắt chỉ được đào thải một lượng nhỏ ra khỏi cơ thể (khoảng 1mg/ngày) và sự đào thải đó là hằng định.
Sắt sau khi được hấp thu vào cơ thể sẽ được sử dụng khoảng 75% để tạo hồng cầu, phần còn lại tạo cơ, enzym, dự trữ ở gan, lách, tủy… và thải trừ ra ngoài qua đường tiêu hóa. Sự thải trừ là hằng định ở lượng nhỏ chỉ ~ 1mg mỗi ngày. Điều đó cho thấy, nếu bạn nạp quá nhiều sắt thì tình trạng dư thừa sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thông thường của cơ thể mà không có cách tự nhiên nào để giải quyết.
Với trường hợp dư thừa sắt quá mức, bác sĩ sẽ phải chỉ định “Chích máu tĩnh mạch” để lấy bớt máu ra khỏi cơ thể; hoặc dùng thuốc tạo phức để đưa sắt ra ngoài cơ thể qua phân, nước tiểu. Biện pháp này gây nhiều nguy cơ nên không khuyến khích dùng khi mang thai.
Khi dư thừa, sắt lắng đọng tại các cơ quan trong cơ thể. Sắt tích lũy ở vùng nào sẽ gây tổn thương cho cơ quan tại vùng đó:
- Tại gan: có thể gây xơ gan – sẹo vĩnh viễn ở gan
- Tại tụy: có thể gây ra thay đổi nồng độ Insulin, dẫn đến tiểu đường
- Ứ đọng sắt ở tim: gây rối loạn nhịp tim, các vấn đề về tuần hoàn có thể dẫn đến suy tim
- Viêm khớp do lượng sắt làm tổn thương các mô, phá hủy lớp bao phủ xương
- Thừa sắt khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sạm da.
- Thừa sắt dẫn tới tăng nồng độ sắt tự do và tăng nồng độ huyết sắc tố trong máu người mẹ, làm cản trở quá trình cung cấp máu từ mẹ sang con, tăng nguy cơ sinh non, trẻ thiếu cân, tử vong cho sản phụ…
Hướng dẫn bổ sung sắt đúng cách cho mẹ bầu
Theo khuyến nghị của viện dinh dưỡng Quốc Gia Việt Nam phụ nữ có thai cần bổ sung 27- 40mg sắt nguyên tố mỗi ngày tùy thuộc vào hàm lượng sắt trong cơ thể và lượng sắt thu được từ thức ăn.
Thực phẩm luôn là nguồn cung cấp sắt tốt nhất, cơ thể cũng hấp thu sắt từ thực phẩm tốt hơn hấp thu từ thuốc. Hơn nữa, tăng cường chế độ ăn nghĩa là bạn cung cấp nhiều dưỡng chất chứ không phải chỉ có sắt.
Do đó, bổ sung sắt hiệu quả chính là việc tăng cường tối đa sắt từ thực phẩm, sau đó mới tính đến bổ sung thêm sắt từ thuốc.
Lưu ý các yếu tố giúp sắt hấp thu tối ưu: Tăng cường các thực phẩm giúp hấp thu sắt tốt như: Vitamin C, thịt, cá, gia cầm, hải sản… Hạn chế/tránh các thực phẩm làm cản trở hấp thu sắt như: trà, cà phê, gia vị thảo dược. Tránh bổ sung canxi hay ăn/uống thực phẩm giàu canxi gần thời gian bổ sung sắt
Chỉ nên bổ sung sắt từ thuốc ở liều thấp nhất có thể để giảm thiểu tác dụng không mong muốn gặp phải trên đường tiêu hóa.
Các thực phẩm giàu sắt bạn có thể tham khảo như:
- tiết lợn (20,4mg sắt/100gam),
- gan gà (9mg sắt/100gam),
- gan lợn (12mg sắt/100gam),
- bầu dục (8,2mg sắt/100gam),
- lòng đỏ trứng gà (7mg sắt/100gam),
- đậu tương (11mg sắt/100gam),
- rau dền (6mg sắt/100gam) …
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc sắt tốt nhưng điều quan trọng nhất là số lượng nguyên tố sắt trong mỗi sản phẩm. Nên đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Sắt chỉ là một trong số nhiều dưỡng chất thiết yếu cần bổ sung cho phụ nữ mang thai. Ngoài sắt bạn còn cần bổ sung thêm các dưỡng chất khác ví dụ như:
Axit Folic
- Cần thiết cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi / em bé.
- Giảm nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh bao gồm cả tật nứt đốt sống.
- Cần cho quá trình tổng hợp DNA và cần cho sự tăng trưởng và phân chia tế bào nhanh.
Dầu cá (Omega-3, DHA & EPA)
- Rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ, mắt và miễn dịch, và hoạt động chức năng của thai nhi và trẻ sơ sinh.
- Dùng omega-3 trong thời gian mang thai sẽ giảm nguy cơ sinh non.
- Bổ sung dầu cá ở các bà mẹ mang thai hoặc cho con bú làm giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn hành vi và học tập, dị ứng ở trẻ em, và hỗ trợ chức năng nhận thức cho trẻ.
- Hỗ trợ sức khỏe tim mạch, tâm thần và làn da của mẹ.
Iốt
- Đi kèm với hành vi vận động tâm thần ở trẻ tốt hơn, và ngăn ngừa các rối loạn do thiếu iốt (bao gồm: trí tuệ chậm phát triển và chứng đần độn).
- Cần cho sự phát triển não bộ, và cho sự tăng trưởng, chuyển hóa và phát triển toàn diện của thai nhi / trẻ sơ sinh.
- Giúp bảo vệ chống lại những rối loạn và suy tuyến giáp do sự thiếu hụt iốt.
Kẽm
- Giảm nguy cơ sinh non
- Cần thiết cho sự tăng trưởng tế bào và phát triển toàn diện ở thai nhi và trẻ sơ sinh.
Như vậy, để bổ sung sắt có hiệu quả và giảm tối đa tác dụng không mong muốn thì trước tiên mẹ cần tăng cường bổ sung sắt từ thực phẩm hàng ngày, đồng thời thay đổi chế độ ăn uống của mình để tối ưu khả năng hấp thu sắt của cơ thể.
Việc bổ sung sắt từ thuốc được thực hiện khi chế độ ăn không đáp ứng đủ nhu cầu và nên bổ sung sắt ở liều thấp nhất có thể. Chỉ bổ sung liều cao hơn khuyến nghị khi có chỉ định của bác sĩ trong trường hợp cơ thể thực sự có thiếu máu thiếu sắt bệnh lý mà thôi.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng đừng quên bổ sung các dưỡng chất thiết yếu khác ngoài sắt để đáp ứng nhu cầu DHA, EPA, sắt, acid folic cùng nhiều vitamin và khoáng chất của cơ thể người phụ nữ tăng lên trong thời kỳ này.
Theo Procarevn.vn