Trong bối cảnh xã hội hiện nay đang có nhiều biến đổi mạnh mẽ, giáo dục các con đang ngày càng trở nên thách thức hơn với bố mẹ. Làm sao để hiểu được con, định hướng và giáo dục con đúng cách, để trở thành một người cha tuyệt vời,… là điều ông bố nào cũng mong mỏi. Dưới đây là tổng hợp một số lời khuyên của các chuyên gia giáo dục, dành tặng cho những người cha đã, đang và sẽ rất tuyệt vời.
[toc]
1. Hiểu con và hiểu bản thân mình
Con lớn lên và thay đổi liên tục, rất nhanh. Những vấn đề mà bạn đang quan sát được ở con, có khi chỉ là những biểu hiện phát triển bình thường trong giai đoạn phát triển ứng với lứa tuổi đó. Bạn hãy chủ động tìm hiểu thêm các đặc điểm phát triển bình thường của con theo lứa tuổi, từ đó bạn sẽ hiểu con hơn và linh hoạt tìm ra được cách tiếp cận cũng như giáo dục con hiệu quả.
Nhìn chung, ngoài những nhu cầu sinh lý, các con còn cần các nhu cầu tâm lý – xã hội để làm nền tảng cho sự phát triển của mình. Bạn nên chú ý đến thái độ, hành vi của mình để con có thể cảm nhận được sự an toàn, cảm thấy được yêu thương, cảm giác được sự thấu hiểu và đồng cảm, cho con cảm thấy được sự tôn trọng, và đem lại cho con niềm tin về giá trị riêng của bản thân mình.
Khi con có những hành vi cư xử không phù hợp, bạn có thể cảm thấy không an tâm và ngay lập tức dùng nhiều biện pháp mạnh để thay đổi hành vi không mong muốn đó. Suy cho cùng, tất cả các hành vi tiêu cực đều có mục đích và lý do, nó không xảy ra ngẫu nhiên. Mấu chốt chính là tìm ra, hiểu được mục đích hành vi tiêu cực của trẻ để có cách xử trí tích cực, hiệu quả. Bạn cũng nên thông cảm cho con vì đôi khi chính con cũng không ý thức được niềm tin, suy nghĩ sai lệch của mình, nếu có hỏi thì con cũng rất mù mờ, không biết vì sao mình lại làm thế.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng tất cả các hành vi tiêu cực của trẻ đều có thể quy về một trong bốn mục đích: thu hút sự chú ý, thể hiện quyền lực, muốn trả đũa, thể hiện sự không thích hợp. Các mục đích này thường chính trẻ cũng không tự nhận biết được, được biểu hiện ra ngoài bằng cách hành động hoặc cảm xúc thường thấy của con, cảm giác của chính bạn khi con đang gây hấn và dựa vào phản hồi của con khi bạn cố gắng thay đổi hành vi không tốt này.
2. Dạy con theo nguyên tắc nguyên nhân – kết quả (hay gọi tắt là nhân – quả)
Khi con ở giai đoạn từ một đến ba tuổi, con đã có khả năng thấy nguyên nhân và kết quả của những sự việc tương đối đơn giản. Bạn hãy tận dụng nhiều nhất có thể, lý giải cho con những việc xảy ra (quả) là do những nguyên nhân (nhân) gì đã gây nên, và tương tự, từ những nhân hiện tại thì điều gì có thể xảy ra tiếp theo.
Ví dụ con bị nôn trớ là do con đã ăn no và chạy nhảy, con mát mẻ dễ chịu vì đã đi tắm sạch sẽ, hay con không ăn thì sẽ bị đói, con đánh bạn thì bạn sẽ đánh lại con, con kéo đuôi mèo thì mèo sẽ cào, con ngoan thì được thưởng thêm giờ chơi, con nghịch ngợm thì sẽ không được mua thêm đồ chơi nữa,…
Việc lý giải nhân – quả dạy cho con ý thức trách nhiệm về các hành vi của mình, khích lệ cho con cư xử các hành vi gây ra kết quả tích cực, giúp con hiểu kết quả mình nhận được lúc này là do những nhân không tốt đã làm lúc trước. Dạy cho con về nhân – quả đem đến hai hệ quả vô cùng quan trọng.
Một là rèn luyện cho con chấp nhận những kết quả không tốt đến với mình, không đổ lỗi. Ví dụ khi bạn lập bảng quy tắc ứng xử cho con (ngoan: được cộng điểm đổi quà, không ngoan: trừ điểm…), hãy lắng nghe ý kiến của con góp ý để bảng quy tắc là công bằng nhất, được sự đồng ý của cả bố mẹ và con. Khi con nghịch ngợm và bị trừ điểm, con sẽ hiểu đó là do nhân mình đã gây ra nên bây giờ có quả này, hoàn toàn công bằng và không phải do ý kiến chủ quan của bạn. Tất nhiên, bạn cũng phải công bằng và tuân thủ theo quy tắc chung, nếu con mè nheo mà bạn đã mua đồ chơi cho con, về sau con sẽ hiểu là chỉ cần khóc là sẽ được bạn chiều.
Hệ quả thứ hai là giúp con cẩn thận hơn, suy nghĩ hơn khi hành động để lựa chọn được hành vi gây ra kết quả tốt, tránh những hành vi xấu. Thực hành nhiều, dần dần những điều tốt đẹp sẽ đến với con, vì những nhân tốt mà con đã hết sức cẩn thận khi làm. Nó sẽ khiến con hạnh phúc và tự tin hơn.
Để trở thành một người cha tuyệt vời là một bài học không bao giờ có kết thúc, nhưng chắc chắn đấy là công việc vô cùng thử thách, hấp dẫn, luôn luôn biến đổi, luôn luôn sống động đầy bất ngờ, và tràn ngập tình yêu thương. Những lời khuyên ở trên chắc chắn không thể nào đầy đủ hết, nhưng hy vọng đấy là những hướng dẫn ban đầu giúp bạn tự tin hơn trên hành trình nuôi dạy con yêu của mình. Chính bạn sẽ là người viết tiếp thêm bí kíp để trở thành một người cha tuyệt vời, thật sự từ chính trải nghiệm của mình.