Dư ối và đa ối là tình trạng nước ối tăng lên nhiều hơn so với bình thường và nó có thể là dấu hiệu bệnh lý ở thai nhi hoặc bà mẹ.
Dư ối và đa ối là gì?
Nước ối là dịch thể bao bọc xung quanh thai nhi, có vai trò như một lớp đệm bảo vệ thai khỏi các chấn động và là môi trường trao đổi chất giúp thai nhi phát triển.
Túi ối đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi
Trường hợp lượng nước ối nhiều hơn so với bình thường gọi là dư ối và đa ối (dư ối là đa ối thể nhẹ), ít nước ối so với bình thường gọi là thiểu ối. Lượng nước ối có thể được đánh giá bằng biện pháp siêu âm, dựa trên chỉ số nước ối (AFI) chia thành các mức độ như sau:
Bảng 1. Phân loại mức độ theo chỉ số ối AFI
Nguyên nhân gây dư ối và đa ối
Dư ối và đa ối là biểu hiện của một bất thường nào đó của mẹ hoặc thai nhi, không lớn thì nhỏ. Những nguyên nhân nhỏ thường khó xác định và trường hợp này bà mẹ vẫn có thể sinh con bình thường. Chỉ 17% các trường hợp đa ối thể nhẹ được tìm thấy nguyên nhân liên quan đến bệnh lý. Ngược lại, 91% các trường hợp đa ối thể vừa và nặng là do bệnh lý, bao gồm:
Nguyên nhân do thai
- Dị tật thai nhi và các bất thường di truyền (8-45%):
Dị tật làm giảm phản xạ nuốt của thai nhi bao gồm: hẹp thực quản, hẹp tá tràng, rối loạn thần kinh cơ, bất thường hệ thống thần kinh trung ương (thai vô sọ, khuyết tật ống thần kinh).
Bất thường ở thận thai nhi: nang thận, rối loạn chức năng thận, hội chứng Bartter.
Khuyết tật cấu trúc đường tiêu hóa (tắc ống thực quản hoặc ống tiêu hóa).
Bất thường nhiễm sắc thể thai nhi: hội chứng Down (trisomy 21), hội chứng Edward (trisomy 18).
- Đa thai (8-10%): hội chứng truyền máu song thai (tỉ lệ mắc là 15% ở bà mẹ mang song thai) dẫn đến đa ối ở thai nhận máu. Đây là trường hợp tiên lượng xấu, thai thường sinh non và tử vong.
Hội chứng truyền máu song thai thường dẫn đến đa ối ở thai nhận máu
- Thiếu máu thai nhi (1-11%): kháng thể kháng Rh và các bệnh tán huyết thứ phát do kháng thể bất thường có thể gây tình trạng thiếu máu thai nhi trầm trọng hoặc phù thai nhi có liên quan đến tình trạng đa ối.
Nguyên nhân từ phía mẹ
- Đái tháo đường trước hoặc trong thai kì: đây là nguyên nhân thường gặp nhất (5-26%), mặc dù cơ chế vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Giả thuyết được các chuyên gia ủng hộ nhiều nhất đó là mức đường huyết cao làm tăng lợi niệu thẩm thấu ở thai nhi dẫn đến đa ối.
- U mạch máu màng đệm có thể gây suy tim thai nhi và dẫn đến tình trạng đa ối.
- Nhiễm khuẩn: các bệnh lý viêm nội mạc tử cung hoặc gây thương tổn bánh rau do nhiễm khuẩn giang mai có thể gây hiện tượng đa ối.
- Nhiễm virus: những loại virus có thể gây đa ối như rubella, cytomegalovirus và parvovirus B19.
Triệu chứng của dư ối và đa ối là gì?
Đa ối làm tử cung to lên nhanh chóng và chèn ép lên các cơ quan nội tạng. Trường hợp đa ối cấp, thường xảy ra ở tuần 16 đến 20, bà mẹ có thể thấy bụng to lên nhanh, đau tức đột ngột, khó thở, không nằm xuống được mà phải ngồi, phù, mạch nhanh, có thể thiểu niệu. Trường hợp đa ối mãn, hoặc thể nhẹ có thể không có triệu chứng gì cả. Thay vào đó, đa ối thường được phát hiện trong đợt kiểm tra trước khi sinh, khi đo chiều cao tử cung – khoảng cách từ xương mu đến đỉnh tử cung, hoặc trong quá trình siêu âm xác định được chỉ số ối.
Bạn nên làm gì?
Trong hầu hết các trường hợp dư ối nhẹ thì không có điều gì đáng lo ngại. Bác sĩ có thể sẽ dặn bạn thăm khám thường xuyên hơn và cho bạn uống một số loại thuốc lợi tiểu. Nếu xác định được nguyên nhân do nhiễm khuẩn, có thể điều trị bằng các kháng sinh an toàn cho thai nhi.
Nếu tình trạng đa ối nặng, nó có thể báo hiệu các vấn đề liên quan đến thai nhi cần phải theo dõi. Ngoài ra, lượng nước ối tăng nhanh có thể làm bạn bị vỡ ối sớm. Trong trường hợp đó bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật chọc ối để rút bớt nước ối ra. Bạn nên thăm khám thường xuyên hoặc có thể phải nằm viện để theo dõi tình hình và có những can thiệp ngay khi cần thiết.
Tóm lại: đa ối là một dấu hiệu bất thường có thể liên quan đến dị tật thai nhi và các bệnh lý của sản phụ. Khi được chuẩn đoán đa ối, các bà mẹ không nên quá lo lắng vì lo lắng chỉ làm tình trạng tồi tệ thêm. Hãy làm theo các chỉ dẫn của bác sĩ, và nên nhớ rằng có nhiều trường hợp bị dư ối vẫn sinh con khỏe mạnh bình thường các mẹ nhé.
BS. Lan Hương tổng hợp
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Viết Tiến – Đa ối – Bài giảng sản phụ khoa tập 2 – ĐH Y Hà Nội – 2006.
- Hill L M, Breckle R, Thomas M L. et al. Polyhydramnios: Ultrasonically detected prevalence and neonatal outcome.Obstet Gynecol. 1987;69:21. [PubMed].
- Hamza A, Herr D, Solomayeer E F et al. Polyhydramnios: Cause, Diagnosis and Therapy. 2013; 73(12): 1241-1246 [PubMed].
- Harding R, Bocking A D, Sigger J N. et al. Composition and volume of fluid swallowed by fetal sheep.Q J Exp Physiol.1984;69:487. [PubMed].
- Idris N, Wong S F, Thomae M. et al. Influence of polyhydramnios on perinatal outcome in pregestational diabetic pregnancies. Ultrasound Obstet Gynecol. 2010;36:338. [PubMed]
84 thoughts on “Dư ối và đa ối có nguy hiểm không?”
Chào bác sĩ. Em mang thai được 37m2d, đo AFI 230mm, bs kết luận đa ối. Vậy cho em hỏi, hiện tượng này có nguy hiểm gì đến em bé không ạ. Em cảm ơn.
Chào bạn,
Nước ối có vai trò quan trọng trong việc trao đổi nước-điện giải giữa mẹ và con, là chất đệm để bảo vệ thai nhi trước những sang chấn trực tiếp lên tử cung, điều hòa thân nhiệt cho thai nhi. Đa ối xảy ra khi có sự sản xuất quá mức nước ối hoặc do quá trình uống nước ối và bài tiết nước tiểu của thai nhi không cân bằng. Đa ối làm cho tử cung to lên nhanh chóng dẫn đến tình trạng tăng áp lực ở trong và ngoài tử cung gây chèn ép các cơ quan nội tạng. Những biến chứng thường gặp nhất cho thai phụ đa ối là nhau bong non, rối loạn cơn gò tử cung hay băng huyết sau sinh, sa dây rốn, ngôi bất thường, đờ tử cung sau đẻ hay can thiệp phẫu thuật, bất thường thai nhi.
Với chỉ sô nước ối của bạn như vậy không quá cao. Bạn không cần lo lắng quá mà ảnh hưởng tới thai nhi, hãy theo dõi theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Nếu thấy đau bụng, khó thở, hoặc đi lại khó khăn thì cần nhập viện ngay bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Em mang thai hơn 29 tuần tình trạng nước ối được bác sĩ chuẩn đoán hơi kém. Chỉ số ối 72. Em rất lo không biết phải làm sao? Em cũng uống khá nhiều nước và nước dừa nhưng ko ăn thua. Xin hỏi bác sỹ chỉ số đó như thế nào và em cần phải làm gì ah?
Chào bạn,
Chỉ số ối là tổng của 4 số đo chiều sâu của 4 túi ối lớn nhất, đo ở 4 góc trên thành bụng người mẹ. Ở tuần 29 thai kỳ, chỉ số ối AFI = 72mm chưa phải là thiểu ối nhưng cũng giảm hơn bình thường. Một số cách bạn có thể làm để cải thiện tình trạng này: ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều, khi nằm hơi nghiêng sang bên trái để tăng lưu lượng máu tới thai nhi. Nếu thấy bụng nhỏ dần, thai giảm cử động hoặc có dịch chảy ra ở âm đạo thì nên đi khám ngay để xác định xem có phải do thiếu nước ối hay không.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
Chào bác sĩ
Hôm nay chau đi khám thai 40 tuần bác sĩ kết luận đa ối, cháu lo quá bs ạ.Vậy bs cho cháu hỏi đa ối có nguy hiểm đến thai nhi không ạ
Chào bạn Thảo,
Đa ối là do sự sản sinh quá mức nước ối hoặc do rối loạn tái hấp thu của nước ối. Nguyên nhân gây đa ối có thể do mẹ bị đái tháo đường, mẹ mang song thai hoặc đa thai, khác thường ở bào thai,… Đa ối có thể dẫn tới sinh non, túi ối căng quá có thể gây ra rau bong non, ngôi thai bị đảo lộn bất thường. Ngoài ra nước ối nhiều có thể gây ra hiện tượng đờ tử cung, thai phụ dễ bị băng huyết sau sinh. Bạn ở tuần thứ 40 thai kỳ nên cần thực hiện thăm khám theo chỉ định, nếu xuất hiện khó thở, đau bụng hoặc đi lại khó khăn thì cần nhập viện ngay.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!
E có thai được 24,5 tuần bsĩ siêu âm nói dư ối AFI :20 như vậy có nguy hiểm ảnh đến cho thai nhi và mẹ ko? E bị căng bụng và khó chịu mệt khi leo cầu thang
Chào bạn Hà,
Trường hợp của bạn có dư ối mức độ nhẹ, và đây không phải trường hợp hiếm gặp. Nếu như siêu âm không cho thấy bất thường nào của thai nhi và mẹ thì đó là dư ối vô căn và không có vấn đề gì, bạn vẫn có thể sinh con bình thường. Tuy nhiên nếu lượng nước ối tăng đột biến thì có thể dẫn tới vỡ ối sớm, sinh non nên bạn cần thăm khám để theo dõi chỉ số ối thường xuyên nhé.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe,
Cho e hỏi đang ở tuần thai 33. Xoang ối sâu nhất là 72mm có nguy hiểm lắm không ạ
Chào bạn Trâm,
Chỉ số ối (AFI) được tính bằng cách tính tổng của chiều sâu của 4 góc buồng ối. Nếu tổng này trên 25 cm thì được coi là dư ối. Như vậy trường hợp của bạn có thể coi là dư ối. Tuy nhiên, việc siêu âm để đo chỉ số nước ối phải được đánh giá ít nhất 2 lần liên tục cách nhau từ 2-6 giờ vì chỉ số ối có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố (ví dụ bạn vừa uống nhiều nước đường cũng sẽ làm tăng chỉ số ối). Bạn nên vận động thường xuyên, có thể uống nước râu ngô để lợi tiểu và khám thai định kỳ để theo dõi. Nếu có bất thường thì bác sĩ sẽ có tư vấn để can thiệp kịp thời, không cần quá lo lắng nhé.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe,