Mùa đông thường làm cho hệ thống miễn dịch suy yếu, cùng với sự gia tăng phơi nhiễm mầm bệnh sẽ bị mắc một số bệnh mùa đông là điều không thể tránh khỏi.
[toc]
Các bệnh thường gặp trong mùa đông
Trong mùa đông với sự thay đổi của thời tiết lạnh, một số bệnh thường gặp dễ bị mắc nhiễm như: cảm lạnh thông thường hoặc viêm mũi do virus, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, cúm, rối loạn tiêu hóa do virus…
Cảm lạnh thông thường hoặc viêm mũi do virus
Đây là bệnh gây nên từ hơn 200 loại vi rút khác nhau. Các dấu hiệu bao gồm đau họng, nghẹt mũi và xoang, chảy nước mũi, hắt hơi, ho hoặc khàn giọng; trong một vài trường hợp có thể có mủ chảy ra từ mũi dày đặc, đôi khi đổi màu khác màu bình thường.
Viêm xoang
Bệnh nhiễm trùng có thể do virus gây cảm lạnh hoặc do vi khuẩn gây ra. Niêm mạc của xoang bị sưng lên ngăn chặn chất dịch tiết chảy ra với các triệu chứng như tăng áp lực xoang gây đau ở má và trên mắt, nghẹt mũi, dịch tiết ra có màu vàng hoặc xanh lá cây dày đặc, có cảm giác mất mùi và giảm khứu giác, sốt, đau đầu, mệt mỏi…
Viêm phế quản
Tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản, các đường dẫn khí rỗng kết nối khí quản với phế nang của phổi. Virus gây ra hầu hết trong tất cả các trường hợp viêm phế quản là cấp tính mặc dù vi khuẩn cũng có thể gây nên tình trạng này. Các triệu chứng thường gặp là tức ngực, ho nhiều, tiết nhiều dịch đờm…
Viêm phổi
Tình trạng viêm sâu trong phổi làm ảnh hưởng đến các túi tiểu phế nang và mô tế bào ở chung quanh. Cả virus và vi khuẩn đều có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm này. Các triệu chứng thường gặp là sốt, ớn lạnh, ho, tạo ra nhiều đờm, thở mệt nhọc, mệt mỏi và đôi khi đau ở ngực khi hít sâu vào. Tuy vậy, các nhà khoa học khuyến cáo một số triệu chứng của bệnh lý viêm phổi có thể không rõ ràng, đối với các trường hợp người cao tuổi đôi khi chỉ thấy trong sinh hoạt có sự bối rối hoặc rất mệt mỏi, không ho hay không sốt…
Cúm
Một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan và có thể gây ra tử vong. Các triệu chứng bệnh lý thường xuất hiện nhanh chóng và cấp tính như sốt, ho, đau họng, chảy mước mũi, đau cơ, mệt mỏi, đôi khi nôn mửa và tiêu chảy…
Rối loạn tiêu hóa do virus
Bệnh lý có thể gặp trong trường hợp nhiễm virus norovirus. Bệnh rất dễ lây lan, gây triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy trong vài ngày. Nguyên nhân mắc bệnh có thể bị nhiễm từ người mang mầm bệnh virus hoặc do ăn uống hay va chạm, tiếp xúc với đồ vật có virus ở trên đó.
Phòng ngừa nhiễm bệnh mùa đông
Để chủ động phòng tránh các bệnh có thể bị mắc nhiễm trong mùa đông, mẹ bầu cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách tích cực như:
Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn hoặc có tiếp xúc, va chạm vào mắt, mũi, miệng
Nên tránh sự tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh. Bác sĩ khuyến cáo đối với các trường hợp mắc bệnh thông thường, phải cần khoảng 2 tuần sau đó không tiếp xúc với người bệnh thì mới có thể giảm được nguy cơ nhiễm bệnh do sự lây lan.
Tránh sử dụng các loại thực phẩm dùng chung cho nhiều người, nhất là trong mùa đông vì có thể có nhiều norovirus phát triển gây rối loạn tiêu hóa.
Khi có những biểu hiện triệu chứng bệnh lý nghi ngờ trong 1, 2 ngày đầu mẹ bầu cần nghỉ ngơi đầy đủ và thường xuyên theo dõi thân nhiệt. Nếu sốt cao trên 39 độ hoặc sốt kéo dài 3 ngày thì cần đến ngay bệnh viện để khám và chữa trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, nên bổ sung nhiều vitamin C từ các loại trái cây như cam, chanh, bưởi, dâu tây,…
Các món ăn giữ ấm cơ thể, tránh cảm lạnh trong mùa đông
Tỏi
Ăn một tép tỏi sau khi đi ngoài trời lạnh về sẽ giúp bạn phòng tránh được bệnh cảm cúm. Tuy có chút mùi hương khó chịu sau khi ăn nhưng tỏi được mệnh danh loại thực phẩm kháng sinh hữu ích với con người.
Vào những ngày đông rét buốt, nếu cho vào món ăn một chút tỏi, không những sẽ tăng cường vị ngon, dậy mùi thơm mà giúp còn giúp phòng bệnh hiệu quả. Tỏi có thể chữa được các loại bệnh phổ biến trong mùa lạnh như cảm lạnh, phòng cảm cúm. Thậm chí, tỏi đen còn rất tốt cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng, phòng ung thư.
Sau khi đi ra ngoài về, ăn một tép tỏi sẽ giúp bạn làm ấm cơ thể, ngăn ngừa cảm lạnh. Trong ngày nên ăn thêm 3-4 tép tỏi nữa để cơ thể không bị cóng.
Gừng
Đây là lựa chọn hàng đầu cho bạn có được cơ thể ấm áp trong những ngày giá lạnh. Theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm, dùng để chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn trớ, giúp tiêu hoá. Gừng được cho vào thực phẩm cũng là cách hỗ trợ miễn dịch và tăng cường sức khoẻ cho hệ tiêu hóa.
Trong những ngày lạnh giá, ăn một bát canh gừng nóng sẽ có tác dụng đào thải mồ hôi, làm hạ sốt, có thể nhanh chóng cắt cơn cảm cúm. Canh gừng vốn là món ăn thuốc trong điều trị cảm cúm của người Ấn Độ và Trung Quốc. Lấy 10-20g gừng tươi giã nhỏ hoặc thái chỉ, thịt gà 30-50 g, nấu canh gà trước, khi ăn cho gừng vào khuấy đều, ăn nóng.
Ngoài việc cho gừng vào đồ ăn thì trà gừng hoặc nước gừng nóng cũng giúp cơ thể ấm lên, lưu thông khí huyết và tránh được lạnh. Nếu bạn đang bị cảm lạnh, có thể uống nước cam hoặc quýt nóng cho thêm lát gừng tươi giã nhuyễn.
Thực phẩm có màu đỏ
Những thực phẩm có màu đỏ rất giàu năng lượng, giúp bạn sưởi ấm trong mùa đông. Những loại rau củ hoặc thịt có màu đỏ giúp bạn tăng cường năng lượng để cơ thể cảm thấy ấm hơn vì chúng chứa nhiều khoáng chất, vitamin và protein hữu ích cho hệ miễn dịch, tăng khả năng chịu lạnh cho bạn.
Rau củ màu đỏ như cà chua, cà rốt, ớt, củ cải đỏ… chứa vitamin A, nhóm B, lycopen, axit amin… có tác dụng trong việc làm ấm cơ thể.
Đặc biệt những thực phẩm màu đỏ còn có đặc điểm là chứa nhiều chất sắt giúp kháng khuẩn, tăng cảm giác ngon miệng, kích thích ăn nhiều hơn để cơ thể đảm bảo nguồn năng lượng cần thiết.
Quế và tiêu
Với đặc tính ấm nóng, quế và tiêu được coi là những gia vị quan trọng để giữ ấm cơ thể. Tiêu có vị cay nồng, hơi hăng được cho vào các món ăn, đặc biệt là món cháo hoặc các món có mùi tanh. Tuy nhiên, tiêu có thể ảnh hưởng đến dạ dày nên chỉ dùng ở mức vừa phải. Đặc biệt, tiêu hữu ích với người bị bệnh hen khi trở trời. Bạn chỉ cần rắc ít tiêu trên món ăn đã đủ để bảo vệ sức khỏe.
Quế có vị ngọt, để cho vào các loại nước dùng, nước lẩu để tăng thêm hương vị. Ngoài ra, trà thêm vài cây quế sẽ đượm mùi ấm ấp và nồng nàn, cho cơ thể bớt lạnh ngày trở rét.
Mật ong
Mật ong cung cấp nguồn năng lượng trực tiếp cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch cho bạn.
Ngoài gừng và tỏi, mật ong cũng là thực phẩm cực kỳ hữu ích trong mùa đông lạnh. Vì vào những ngày trời lạnh giá, việc đảm bảo năng lượng giữ ấm cho cơ thể vô cùng quan trọng. Trong mật ong lại có chứa nhiều loại đường có cấu trúc hóa học đơn giản, có thể đi thẳng vào mạch máu, khiến cho nguồn năng lượng đi thẳng vào cơ thể.
Vào mùa đông, dùng uống nước chanh ấm mật ong uống mỗi ngày sẽ góp phần tăng miễn dịch, chữa đau họng hiệu quả.
Rau xanh
Trong thành phần của rau cải chứa nhiều protein và vitamin. Mặt khác, rau cải còn chứa nhiều chất xơ hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn để đảm bảo nguồn năng lượng cho cơ thể. Trong các món ăn ngày đông, rau cải có thể xào hoặc cho vào nhúng lẩu
Các loại thịt
Các loại thịt có hàm lượng các chất protein và carbon hydrat dồi dào trong các loại thịt trên khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành nhiệt lượng, giúp bổ thận tráng dương, lưu thông khí huyết và tăng cường tuần hoàn máu, từ đó nâng cao sức đề kháng của cơ thể trong điều kiện thời tiết lạnh giá.
Tuy nhiên, gần đây vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng lên mức báo động, vì thế không vì ham rẻ mà các bạn mua thịt không rõ nguồn gốc nhé! Nên chọn những nơi bán uy tín, có thương hiệu, như vô siêu thị hay của hàng quen bạn hay mua. Các loại thịt có hàm lượng giàu protein gồm: Thịt bò, thịt trâu, thịt bê, sườn lợn, thịt gà, các loại cá…
Các loại hải sản giàu i-ốt
Các thực phẩm từ hải sản giúp cơ thể tự tiêu bớt mỡ, phòng chống béo phì. Đồng thời các món ăn được chế biến từ hải sản cũng nâng cao khả năng chịu rét, thúc đẩy cơ thể con người sinh nhiệt, chống giá rét. Các loại hải sản giàu i-ốt có nhiều trong: rong biển, sứa, tôm, cua, sò, hến…
Song song một số loại thực phẩm có khả năng chống rét như trái cây họ cam quýt, tỏi, gừng, khoai lang… là những thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng để đảm bảo cơ thể luôn ấm áp trong ngày đông lạnh giá. Ngoài ra một số loại rượu như: vang đỏ, rượu đế rất tốt cho cơ thể mùa đông giá rét này, nhưng đừng lạm dụng quá nhé các bạn. Ngoài ra 1 số gia vị như tiêu, ớt, gừng,.. khi nấu ăn các bạn nên bổ sung cho phù hợp để cơ thể luôn trong tình trạng ấm áp nhé.
Một số món cháo thuốc trị cảm lạnh
Cháo gạo lức tía tô
Lá tía tô 12g, gạo lức 100g. Rửa sạch lá tía tô, cho 200ml nước sắc còn 100ml, bỏ bã, lấy nước cho gạo đã vo sạch vào, thêm 500ml nước nữa nấu thành cháo. Ăn nóng ngày 2 lần sáng và tối. Trong khi ăn hít hơi nóng bốc lên từ tô cháo càng nhiều càng tốt.
Cháo sườn cà rốt
Củ cải 150g, cà rốt 150g, rửa sạch, gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn; sườn lợn 300g, rửa sạch, chặt miếng nhỏ, cho nước đun sôi, hớt bỏ bọt, đậy vung, đun lửa nhỏ. Khi sườn gần nhừ thì cho cà rốt, củ cải vào, nấu tiếp cho chín nhừ. Nêm nước mắm, muối, đường hoặc bột ngọt vừa ăn. Cho tiếp hành lá cắt khúc vào, đảo đều. Ăn nóng trong bữa cơm.
Cháo tía tô trứng gà
Lá tía tô 30g, rửa sạch, thái nhỏ; gạo tẻ 50g; trứng gà 1 quả; hành tím 1 củ nhỏ, băm nhỏ; vài lát gừng tươi. Nấu gạo thành cháo nhừ rồi cho lòng đỏ trứng gà vào đánh tan, cho tía tô, hành, gừng vào quấy đều. Nêm gia vị vừa ăn. Cho ăn nóng, ra mồ hôi thì lau khô, nằm nghỉ, tránh gió lùa.
Gạo tẻ 100g, tía tô, hành hoa, gừng tươi, mỗi vị 20-30g, trứng gà 1 quả, gia vị vừa đủ, nấu cháo ăn nóng cho ra mồ hôi, nằm nghỉ ngơi.
Cháo trắng
Gạo nếp 30g, gạo tẻ 30g, vo sạch cho vào nấu nhừ thành cháo, ăn nóng. Ăn xong trùm kín chăn cho ra mồ hôi trong 10-15 phút. Dùng khăn khô lau sạch mồ hôi rồi nằm nghỉ
Cháo gạo lức hành
Hành 5 củ, gạo lức 50g. Gạo vo sạch, đổ nước vừa đủ, nấu cháo chín thì cho hành đã thái nhỏ vào, chia ăn nóng vài lần trong ngày. Tác dụng làm ra mồ hôi, giải cảm sốt, ho, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi.
Cháo hành gừng
Gừng tươi 5 lát, hành cả rễ 6 nhánh, gạo 60g. Tất cả rửa sạch, cho gạo vào nồi cùng với 500ml nước, bắc nồi lên bếp nấu sôi, sau đó giảm lửa nhỏ, hầm cho đến khi cháo chín nhừ. Cho thêm hành và gừng vào nồi cháo, tiếp tục nấu thêm một lúc nữa là dùng được. Ăn nóng ngày 1-2 lần. Công dụng: làm ra mồ hôi, làm ấm cơ thể, giải cảm lạnh, ho, sổ mũi.
Theo SKĐS