Tập thể dục trong thai kỳ mang thai được nhiều bác sĩ khuyến khích. Tập thể dục trong thai kỳ giúp cho thai phụ có thể tận dụng được tối đa khả năng của hệ hô hấp, tuần hoàn và từ đó chúng ta sẽ tăng cường sức khỏe.
Lợi ích của tập thể dục khi mang thai
Những biến chứng trong thai kỳ như cao huyết áp hay tiểu đường chúng ta có thể hoàn toàn có thể ngăn ngừa được với hoạt động tập thể dục. Ngoài ra thì toàn bộ hệ cơ xương khớp của thai phụ cũng sẽ vững chắc hơn, thai phụ sẽ có được sự dẻo dai để mang thai.
Tất cả những khó chịu như là tê phù, đau lưng đều có thể được giảm bớt nhờ tập thể dục hợp lý trong thai kỳ. Và quan trọng hơn là quá trình tập thể dục trong thai kỳ giúp cho người mẹ chuẩn bị sức khỏe tốt để bước sang giai đoạn khi bé chào đời, giai đoạn làm mẹ cũng tốn rất nhiều năng lượng và sức khỏe chăm bé.
Lưu ý khi tập thể dục trong thai kỳ
Trước khi bắt đầu một hoạt động thể dục nào trong thời gian mang thai, chúng ta nên nghe tư vấn từ bác sĩ để được đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát.
Nếu như có những bệnh lý về tim mạch, hô hấp mà chống chỉ định hoặc là thai chưa ổn định, bị động thai, ra huyết hay dọa sanh non thì chúng ta cũng không thể tập được.
Như vậy, nếu có một thai kỳ bình thường thì bạn có thể tập ngay từ khi bắt đầu mang thai. Và giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ thì chúng ta sẽ có những bài tập thích hợp cho vùng khung xương chậu để cho người mẹ chuẩn bị cho quá trình rặn sanh và tập hơi thở trong lúc rặn sanh.
Giai đoạn mang thai thì chúng ta sẽ không tập những động tác rung lắc mạnh hoặc những động tác mà chúng ta phải chịu nhiều sức nặng.
Ngoài ra cường độ tập cũng không được như hồi trước khi mang thai. Ví dụ như thai phụ chúng ta chỉ được tập 30 phút tối đa là 1 tiếng và 3-4 lần/tuần chứ chúng ta cũng không tập quá thường xuyên.
Nếu trong quá trình tập mà chị em thấy mình bị những triệu chứng như đánh trống ngực, thấy hụt hơi thở khó hoặc cảm thấy đau bụng nhiều hơn hoặc thậm chí thấy ra huyết hoặc ra nước thì chúng ta cũng nên ngưng tập và đi khám Bác sĩ ngay.
Những môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ thì vẫn tập được trong thai kỳ, nhưng chúng ta sẽ không chạy bộ chẳng hạn. Các lớp yoga thai phụ vẫn có thể tham gia được và tất nhiên trong lớp yoga đó thì chúng ta cũng cần cảnh báo với huấn luyện viên là mình đang mang thai trong tình trạng như thế nào đó để huấn luyện viên chú ý với động tác của mình nhiều hơn
Đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh
Để có một thai kỳ khỏe mạnh thì chị em cần phải cân bằng giữa vấn đề dinh dưỡng, công việc và vấn đề hoạt động. Trong hoạt động của mình, có những hoạt động sinh hoạt hàng ngày và hoạt động thể dục. Sự cân bằng này nằm ở chỗ là chúng ta phân bổ làm sao để có đủ thời gian cung cấp đủ dưỡng chất, ăn uống đa dạng, không mang tính kiêng khem và cũng không ăn uống qua loa.
Về thời gian nghỉ ngơi thì cần phải đảm bảo giấc ngủ, giấc ngủ buổi trưa và giấc ngủ buổi tối.
Về thời gian làm việc thì chị em phụ nữ trong giai đoạn mang thai cũng cần phải xem lại công việc của mình có phải đứng lâu ngồi lâu hoặc phải đi lại quá nhiều, lên xuống cầu thang nhiều lần hoặc mang các vật nặng thì chúng ta có thể xin điều chuyển vị trí công tác trong thời gian mang thai để chúng ta có công việc nhẹ nhàng phù hợp hơn đối với mình.
Về chuyện tập thể dục thì nãy giờ chúng ta cũng đã bàn khá nhiều, chúng ta nên duy trì 1 tuần ít nhất là từ 3-4 lần. Nếu điều hòa tất cả những việc đó thì thai kỳ của chúng ta sẽ hoàn toàn đạt được kết quả tốt.
Xem thêm:
- Cẩm nang Mang thai
- Dấu hiệu có thai
- Dấu hiệu mang thai tuần đầu
- Mang thai tháng đầu
- Những điều cấm kỵ khi mang thai
- Thực phẩm tốt cho bà bầu
- Vitamin A – Bà bầu nào cũng cần biết
- DHA – Vi chất quan trọng không thể bỏ qua
- Acid folic – Bổ sung đúng cách cho bà bầu
- Bà bầu không nên ăn gì
- Bà bầu nên uống loại sắt nào
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm