Nhiều gia đình quan niệm sinh con dày cho vui nhà vui cửa, hoặc đẻ lâu thì ngán việc chăm con nên cực một lần cho cực luôn để chăm cho tiện, đẻ nhiều con một lúc để có thời gian chơi cho hết thanh xuân… Nhiều hội nhóm các bà mẹ đã được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm đẻ dày, kinh nghiệm sinh 2 bé liền nhau để cùng động viên, khuyến khích nhau. Thế nhưng, ý kiến của các bác sĩ về vấn đề này như thế nào?
[toc]
Khi nào nên sinh con tiếp theo
Sau khi sinh thường (đẻ thường), con đủ tháng và đã được ít nhất một năm thì bạn mới nên có thai lần nữa. Đối với trường hợp sinh mổ trong lần trước, nếu mang thai lại ngay thì càng nguy hiểm vì vết sẹo chưa ổn định, có thể dẫn đến biến chứng rạn, nứt vết mổ cũ. Nhiều trường hợp phải chấm dứt thai kỳ giữa chừng bởi việc nứt vết mổ sẽ nguy hiểm đến cả tính mạng người mẹ. Vì vậy đối với trường hợp sinh mổ thì ít nhất là 2 – 3 năm mới nên có thai lần nữa. Đó là khoảng cách tối thiểu để người mẹ phục hồi sức khỏe ở điều kiện thuận lợi (có cuộc sống gia đình êm ấm, được nuôi dưỡng tốt, không có stress tâm trí, cảm xúc).
Thông thường, tốt nhất 2 lần sinh nên cách nhau 3 – 5 năm. Tuy nhiên nếu người mẹ phải vất vả nuôi con và còn nhiều dấu hiệu mỏi mệt thì thời gian có con tiếp theo nên xa hơn nữa, cho đến khi mẹ hoàn toàn khỏe mạnh hãy nên có thai tiếp.
Sinh con quá gần có nguy cơ gì cho mẹ và con
Sinh con quá dày cơ thể người mẹ dễ bị thiếu máu, tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường… trong thời gian mang thai và cả những khó khăn khi chuyển dạ, hay gặp nhất là cơn co yếu, chuyển dạ kéo dài. Ở các thế hệ trước, nhiều bà mẹ sinh con quá cận kề nhiều lần là nguyên nhân gây ra nhiều tai biến khi mang thai và khi chuyển dạ cho cả mẹ và con.
Khi sinh con, các dưỡng chất trong cơ thể người mẹ như omega 3, canxi, máu, chất dinh dưỡng… bà mẹ đã chuyển qua con khá nhiều trong thời kì mang thai, cần có thời gian để hồi phục lại. Khi cơ thể chưa phục hồi tốt mà lại có bầu tiếp thì lần thai sau người mẹ đã mất đi một số chất rồi nên dễ gây mệt mỏi, yếu. Em bé sau có thể thiếu chất hơn em bé đầu. Ví dụ như khi mang thai, cơ thể mẹ bầu không được bổ sung đầy đủ Omega 3 thai nhi sẽ lấy nguồn Omega 3 dự trữ trong cơ thể của mẹ, nguồn dự trữ này nằm ở não và nếu bị thiếu hụt sẽ bị mất đi 3% tế bào não. Người mẹ phải cần ít nhất 4 năm để phục hồi với một chế độ dinh dưỡng khoa học và đủ chất.
Xem thêm: Bổ sung Omega 3 cho bà bầu như thế nào
Tình trạng thai của những bà mẹ sinh con quá gần nhau phụ thuộc nhiều vào sức khỏe và bệnh lý của người mẹ, thường gặp nhất là thai kém phát triển, nhẹ cân so với tuổi thai, chết lưu hoặc nhiều sự cố khác xảy ra trong tiến trình chuyển dạ như suy thai, tử vong khi đẻ ra, tỷ lệ phải mổ lấy thai tăng…
Về tình trạng sức khỏe của bé sau, nếu sinh bé thứ hai dưới 2 năm thì tỷ lệ nguy cơ ốm đau, bệnh tật và tử vong của bé sẽ cao hơn. Ngoài ra, sinh con sớm cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái, đặc biệt là phục hồi sức khỏe người mẹ. Do đó, khoảng cách an toàn để mang thai lần tiếp theo thông thường khoảng 3 – 5 năm.
Đặc biệt, nếu bạn mang thai trong thời gian cho bé bú thì có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, gây nguy hại cho cả ba mẹ con.
Mang thai trong thời gian đang cho con bú thì có những nguy cơ gì
Nên tránh mang thai khi còn đang cho con bú vì bạn sẽ gặp phải những vấn đề sau
Mỗi một phản xạ bú của em bé sẽ kích thích cơ thể người mẹ tiết ra chất Oxytocin, chất này gây co bóp cơ tử cung, có thể dẫn tới sảy thai. Do đó nếu mẹ đang cho bé bú mà biết mình có bầu thì các bạn nên cai sữa và chuyển em bé sang dùng sữa ngoài. Bú mẹ là một trong những yếu tố làm gò tử cung gây sảy thai. Do đó, cho con bú khi đang mang thai là việc làm không được các bác sĩ sản khoa khuyến khích. Bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thai kỳ.
Trong trường hợp cai sữa, mẹ cũng nên cắt giảm một cách từ từ, chẳng hạn như làm thưa dần các cữ bú mẹ để bé làm quen với sự thiếu vắng sữa mẹ. Bên cạnh đó, cách này cũng giúp tránh sự xáo trộn, thay đổi quá lớn của các hormone trong cơ thể người mẹ.
Cơ thể mẹ dễ bị suy nhược khi vừa mang thai, vừa cho con bú:
– Cảm giác đau đầu vú: do thay đổi nội tiết, đầu vú trở nên nhạy cảm hơn khi mang thai. Việc cho con bú lúc này khiến cảm giác đau đầu vú càng trầm trọng. Cách để vượt qua là cho bé bú từng cữ ngắn, tùy từng độ tuổi của bé mà bạn sắp xếp thời gian bú của bé cho phù hợp.
– Nghén khi mang thai đã là một điều khủng khiếp. Vừa nghén vừa cho con bú khiến tình trạng mệt mỏi, ốm nghén càng trở nên trầm trọng. Cơ thể mẹ dễ bị suy nhược, có thể khiến mẹ ít sữa, mất sữa, không đủ sữa cho bé lớn bú.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để đảm bảo cơ thể đã sẵn sàng để thụ thai thêm một lần nữa.
Theo Bác sĩ Thanh Hà