Thời gian từ khi bắt đầu chuyển dạ đến lúc sinh con là khoảng thời gian lâu nhất trong quá trình chuyển dạ, có thể từ 12 đến 16 tiếng. Vì thế bạn cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng vào những ngày cuối cùng của thai kỳ.
[toc]
Các dấu hiệu sắp sinh có thể không giống nhau đối với tất cả phụ nữ. Rất khó dự đoán trước thời điểm sắp sinh sẽ bắt đầu khi nào và chính xác bao lâu bạn sẽ chuyển dạ. Khi mang thai đến gần ngày dự sinh, bạn cần biết các dấu hiệu sắp sinh để có những chuẩn bị kịp thời.
Các dấu hiệu sắp sinh THỰC SỰ
Mang thai khoảng 38 đến 42 tuần là bắt đầu vào thời kỳ sắp sinh theo dự tính. Lúc sắp sinh sẽ có những dấu hiệu sau đây:
Các cơn co bóp
Các cơn co tử cung có đau bụng tăng dần lên với những đặc điểm từ nhẹ đến mạnh, từ ngắn đến dài, từ thưa đến mau với tần số là 3 cơn co trong 10 phút, hoặc xảy ra cứ mỗi 5 – 10 phút, mỗi cơn co kéo dài trên 20 giây.
Các cơn co tiến triển tăng dần lên theo quá trình chuyển dạ, cơn co gây đau. Co bóp càng lúc càng mạnh hơn, nhất là lúc bạn đi bộ. Bạn có thể cảm thấy co bóp khắp vùng bụng và lưng dưới của bạn. Xoa bóp hoặc đi lại đều không thể làm giảm đau được.
Quy tắc 5-1-1
Quy tắc 5-1-1 có nghĩa là các cơn co thắt sẽ đến sau mỗi 5 phút, mỗi lần kéo dài một phút, và diễn ra trong một giờ:
5 = 5 phút một lần
1 = Kéo dài một phút trở lên
1 = Kéo dài ít nhất 1 giờ
Tuy nhiên, quy tắc này có thể không đúng cho tất cả mọi người và có thể khác với những phụ nữ mang thai lần đầu so với những người đã có con trước đó. Đặc biệt đối với những người có con so, quy tắc này có thể là là 4-1-1 (cách nhau bốn phút) hoặc thậm chí 3-1-1 (cách nhau ba phút).
Đau lưng
Đau lưng là bình thường trong khi mang thai. Nhưng khi bắt đầu chuyển dạ, cơn đau này sẽ rõ rệt hơn và có thể bị co thắt. Bất kỳ sự thay đổi nào về đau lưng trong thai kỳ nên được thảo luận với bác sĩ sản khoa.
Trong một vài trường hợp, cơn đau trở nên nghiêm trọng thì đó có thể là dấu hiệu bạn cần báo với bác sĩ ngay. Trong một số trường hợp sinh tự nhiên, hộp sọ của bé có thể chạm vào cột sống của người mẹ trong khi sinh và gây ra đau lưng dưới.
Buồn nôn ói mửa
Cơ thể của phụ nữ như một cỗ máy thông minh. Ngay trước khi bắt đầu chuyển dạ, cơ thể sẽ “cảm thấy” điều gì đó sắp xảy ra và có thể quyết định làm rỗng tất cả mọi thứ trong dạ dày. Việc làm trống này có thể xuất hiện dưới dạng tiêu chảy hoặc ói mửa.
Tiêu chảy
Trong giai đoạn đầu của chuyển dạ, cơ thể giải phóng prostaglandin, làm mềm cổ tử cung và co bóp tử cung. Chúng cũng kích thích sự vận động của ruột, làm trống ruột để nhường chỗ cho em bé. Đây là một dấu hiệu tốt vì nó giúp làm sạch bụng của bạn và tránh bất kỳ sự khó chịu nào trong quá trình chuyển dạ.
Tăng huyết áp
Khi cuộc chuyển dạ sắp bắt đầu, huyết áp của bạn sẽ tăng lên một chút.
Ra huyết hoặc máu hồng
Miệng tử cung từ từ mở ra, chất nhầy hỗn hợp ít nên làm cho máu chảy ra từ âm đạo. Bạn sẽ thấy chất nhầy (nhựa chuối) ở âm đạo.
Mở cổ tử cung
Cổ tử cung xóa hết hoặc gần hết.
Cổ tử cung đã mở từ 2cm trở lên. Giai đoạn mở cổ tử cung được tính từ khi cổ tử cung bắt đầu mở đến mở hết (10cm). Giai đoạn mở cổ tử cung thường được chia làm hai giai đoạn nhỏ.
Giai đoạn đầu cổ tử cung bắt đầu mở đến 3cm, giai đoạn này tiến triển chậm, thời gian trung bình là 8 giờ.
Giai đoạn thứ hai cổ tử cung mở từ 3cm đến 10cm, giai đoạn này tiến triển nhanh, thời gian chừng 7 giờ, mỗi giờ trung bình cổ tử cung mở thêm được 1cm hoặc hơn.
Đầu ối thành lập
khi chuyển dạ, cực dưới túi ối sẽ dãn dần ra do các cơn co tử cung dồn nước ối xuống tạo thành đầu ối.
Rò rỉ hoặc vỡ nước ối
Túi ối sẽ bị rò rỉ hoặc vỡ khi cuộc chuyển dạ chuẩn bị bắt đầu. Nó có thể là một tia nước chậm hay bắn ra đột ngột, như lúc bạn tiểu! Lúc này cần giảm bớt sự đi lại, vận động và nên đến bệnh viện ngay. Một khi túi ối đã bị vỡ, sinh bé ra là lựa chọn duy nhất.
Nếu nước ối có màu xanh lá cây hoặc màu nâu trong chất lỏng, hãy đến phòng cấp cứu vì em bé có thể đã đi cầu trong tử cung, và đây là dấu hiệu nguy hiểm.
Chỉ có khoảng 10% phụ nữ trải qua dấu hiệu sắp sinh này, trong khi những người còn lại trải nghiệm nó trong quá trình chuyển dạ. Đôi khi bạn không bị vỡ ối, và em bé sẽ được sinh ra trong túi ố.
Thai nhi lấp ló ở cổ âm đạo
Đối với những phụ nữ có con rạ, các dấu hiệu sắp sinh có thể ít bận rộn hơn những người mẹ lần đầu có con so. Trong một vài trường hợp, bạn có thể nhìn thấy đầu của em bé ở cổ âm đạo khi trên đường đến bệnh viện. Nguyên nhân của hiện tượng này là sự giãn nở của cổ tử cung và sự phá vỡ túi nước ối.
Các dấu hiệu sắp sinh GIẢ
Trước khi bước vào cuộc chuyển dạ thật để kết thúc thời kỳ thai nghén, từ một vài tuần đến một vài ngày trước, người sản phụ cũng đã có một số thay đổi tiền chuyển dạ như:
Bụng bầu hạ thấp xuống
Bụng sẽ tụt xuống rõ ràng khi những ngày cuối cùng của thai kỳ đến. Khi ấy, bé có thể nằm thấp sâu, sát phía vùng xương chậu. Thai hạ thấp sẽ giảm bớt một số áp lực lên dạ dày và phổi để mẹ có thể ăn nhiều hơn và thở dễ dàng hơn. Nếu đo chiều cao tử cung thấy giảm hơn.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể xuất hiện trước vài tuần khi cuộc chuyển dạ bắt đầu. Các bà mẹ lần đầu có con sẽ cảm thấy bụng tụt sớm hơn các bà mẹ có kinh nghiệm.
Tăng dịch tiết âm đạo
Bạn hay đi tiểu, dịch tiết âm đạo tăng.
Các cơn gò Braxton Hicks
Để chuẩn bị việc sinh nở, tử cung sẽ mất một thời gian để thực hành nghệ thuật co thắt. Những cơn co thắt này thường nhẹ và không phải là dấu hiệu cho cơn chuyển dạ. Những cơn co thắt sớm này được gọi là các cơn gò Braxton Hicks.
Một số người có thể cảm nhận được những cơn co thắt này, trong khi một số khác sẽ bị các cơn đau trong những tuần cuối của thai kỳ lấn át và không thể nhận ra những cơn gò này. Sau nhiều tuần hoặc vài tháng luyện tập, cơ thể người mẹ sẽ sẵn sàng cho cuộc chuyển dạ thật sự bắt đầu.
Các cơn gò không xảy ra thường và không gần nhau hơn. Các cơn co rất nhẹ, rất ngắn, rất thưa và không đau. Đó là cơn co sinh lý trước chuyển dạ, mang tính thất thường và không tiến triển tăng dần lên như chuyển dạ thật.
Các cơn co bóp biến mất lúc bạn đổi vị trí.
Các cơn co bóp được cảm nhận thường nhất là ở phía trước bụng.
Xóa cổ tử cung
Cổ tử cung có thể đã xóa một phần hoặc có khi cũng đã xóa hết, ở người đẻ con rạ thì ngay trong thời kỳ tiền chuyển dạ này có khi cổ tử cung cũng đã hé mở cho lọt ngón tay dễ dàng. Tuy nhiên, cổ tử cung hầu như không tiến triển sau một thời gian theo dõi.
Các khớp lỏng lẻo
Trong khi mang thai, các hóc môn giúp làm mềm và nới lỏng các dây chằng. Đây là cách tự nhiên để mở xương chậu và đón chào bé chào đời.
Cảm thấy căng bụng/áp lực
Có một cảm giác căng bụng, áp lực rất rõ ràng khi bé đã sẵn sàng được sinh ra. Áp lực này thường cảm thấy như mẹ cần phải đi cầu.
Nút nhầy ở cổ tử cung bong ra
Nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm đã bong ra trước khi chuyển dạ, nhưng nó cũng có thể xảy ra nhiều ngày trước khi chuyển dạ. Nút nhầy này sẽ xuất hiện dưới dạng dịch và có thể đặc hơn dịch tiết bình thường từ âm đạo một chút, thậm chí pha lẫn vệt máu nhạt, có mùi nồng.
Nút nhầy này có thể bong ra khi bạn tắm hoặc xuất hiện trong quần lót.
Giảm cân
Thông thường thì những phụ nữ sắp sinh sẽ mất từ 0,5 đến 1,5kg. Trọng lượng mất đi này là trọng lượng của nước trong cơ thể.
Bùng nổ năng lượng đột ngột
Người mẹ có thể cảm thấy mình có nhiều năng lượng hơn bao giờ hết. Sự gia tăng năng lượng này thường liên quan đến bản năng làm tổ của mẹ để xây dựng một thiên đường cho em bé. Giữa những ngày khó thở và mệt mỏi, bạn có thể đột nhiên cảm thấy tràn đầy năng lượng để đứng dậy và sắp xếp ngôi nhà theo thứ tự, vẽ vời trang trí căn phòng cho bé…
Khoa học chứng minh rằng làm bản năng làm tổ không chỉ xảy ra ở các loài động vật có vú khác mà còn có ở người.
Bất chấp sự bùng nổ năng lượng của bạn, đừng xem đấy là việc phải làm. Hãy nghỉ ngơi vì cuộc chuyển dạ có thể sắp đến gần.
Dấu hiệu sắp sinh nào thì nên đến bệnh viện ngay lập tức?
Nếu có một trong những dấu hiệu sắp sinh dưới đây, xin hãy đến bệnh viện ngay lập tức:
Đau nhói từng hồi theo quy tắc: Nếu mang thai lần đầu thì khoảng 7-8 phút sẽ đau nhói một lần, mang thai lần thứ hai thì nếu có đau nhói là có thể chờ sinh ngay.
Dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện cấp cứu kịp thời
Vỡ ối, đặc biệt là nếu nó có màu xanh hoặc nâu hoặc có mùi hôi
Bị đau đầu, thay đổi thị lực, đau ở vùng bụng trên, hoặc sưng đột ngột (các triệu chứng của thai kỳ gây tăng huyết áp hoặc tiền sản giật)
Co thắt trước 37 tuần hoặc bất kỳ dấu hiệu sinh non nào khác.
Nhắn gửi cùng người sắp làm Bố
Trong thời gian vợ mang thai và sinh nở, người chồng sẽ đóng vai trò rất quan trọng, có sự ủng hộ và giúp đỡ của bố, cả hai mẹ con sẽ yên tâm và khỏe mạnh hơn.
Khi vợ đau nhói thì làm thế nào?
Nhắc nhở vợ phải tập trung chú ý vào hơi thở.
Giảm sự quấy rầy hoặc kích thích
Khi qua cơn đau nhói, người chồng nên làm gì?
Khuyến khích, nhắc nhở vợ thả lỏng và nghỉ ngơi
Giúp đút thức ăn, nước uống hoặc làm ướt môi, vì miệng khô là hiện tượng thường thấy.
Giữ gìn thân thể và giường nằm khô ráo thoáng mát, dùng khăn khô lau sạch mồ hôi hoặc thay áo quần hoặc nệm sinh sản khi bị ướt.
Trở mình giúp vợ, nếu mỏi lưng thì dùng tay xoa bóp vùng lưng và vùng đuôi xương chậu
Giúp đỡ khi vợ đi tiểu.
Dấu hiệu sắp sinh – Những câu hỏi thường gặp
1. Mất cảm giác thèm ăn có phải là dấu hiệu sắp sinh?
Vâng, trong giai đoạn sắp sinh, những thay đổi cơ thể sẽ làm bạn mất năng lượng, ngăn chặn cơn đói và mất cảm giác thèm ăn. Ngay cả khi bạn ăn, bạn có thể bị nôn trào ngược thức ăn. Vì vậy, bạn nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa trong quá trình chuyển dạ để bù đắp nguồn năng lượng bị mất đi.
2. Đau đầu và buồn nôn có phải là dấu hiệu sắp sinh?
Nhức đầu và buồn nôn thường xảy ra một hoặc hai ngày trước khi bắt đầu chuyển dạ. Bạn có thể trải qua cơn đau đầu và buồn nôn kèm với nhiều lo lắng. Hãy gọi cho bác sĩ để nhận được sự giúp đỡ.
3. Các dấu hiệu cho thấy cổ tử cung của bạn đang mở ra là gì?
Bạn có thể kiểm tra sự giãn nở bằng ngón tay bằng cách trượt dễ dàng vào lỗ mở, và bạn có thể cảm nhận được hình dạng đầu của bé mềm mại mượt mà. Cảm nhận được đầu của bé là dấu hiệu sắp sinh gần kề. Và nhớ hãy đảm bảo rằng bàn tay của bạn sạch sẽ và không nhiễm trùng.
4. Nhiệt độ cơ thể có thay đổi trước khi sắp sinh?
Nhiệt độ cơ thể có thể tăng một độ hoặc nhiều hơn do các cơn co thắt và nóng bừng khi cuộc chuyển dạ sắp đến gần.
5. Chuyển động của thai nhi tăng có phải là dấu hiệu sắp sinh?
Bé sẽ thay đổi cách con di chuyển khi mẹ gần sinh vì bé đã hết không gian trong túi ối và cố gắng thích nghi với chuyển động của mẹ.
6. Làm gì nếu bị vỡ ối nhưng không có các cơn co thắt?
Nếu bạn bị vỡ ối, nhưng không xuất hiện các cơn co thắt, bác sĩ sẽ giúp bạn sinh bé. Điều này cần được thực hiện sớm để ngăn ngừa em bé bị nhiễm trùng vì túi ối không còn để bảo vệ bé nữa. Ngoài ra, bạn và em bé có nguy cơ nhiễm liên cầu nhóm B khi bị vỡ túi nước ối. Vì vậy hãy liên hệ bác sĩ ngay khi phát hiện đã vỡ ối.
Hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị túi đi sinh sẵn sàng. Đừng sợ hãi hay suy nghĩ lo lắng quá nhiều. Thay vào đó, hãy duy trì chế độ nghỉ ngơi phù hợp, ăn uống – bổ sung đầy đủ dưỡng chất để cơ thể khỏe mạnh. Cơ thể khỏe mạnh, tư tưởng thoải mái sẽ giúp bạn vượt cạn dễ dàng hơn. Tập trung các phương cách khác nhau để thư giãn và giảm đau trước ngày trọng đại này bạn nhé!
Xem thêm:
- Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 3 tháng cuối
- omega 3 6 9 có cần thiết cho phụ nữ mang thai và cho con bú?
- Vitamin A – Mẹ bầu nào cũng phải biết
- DHA – Vi chất quan trọng mẹ bầu không thể bỏ qua
- Axit folic – Không thể thiếu cho bà bầu
- Cẩm nang Mang thai
- Hướng dẫn mẹ cho con bú đúng cách
Theo tài liệu từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em – Bộ Y tế
156 thoughts on “Dấu hiệu sắp sinh thực sự”
E hiện tại thai nhi đc 9 tháng 4 ngày đi khám e bé bị dây rốn quấn 1 vòng và nước ối có cận. Cho e hỏi có ảnh hưởng gì khômg ạ
Chào bạn Hợp,
Ở tuổi thai này khoảng 37% các các trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ và đa phần các trường hợp dây rốn quấn cổ 1 vòng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của thai nhi cũng như cách sinh của mẹ. Chỉ đáng lo nếu dây rốn quấn cổ chặt, dây rốn ngắn. Để đánh giá nguy cơ, cần có sự thăm khám cụ thể của bác sĩ.
Vào thời gian cận ngày sinh nở, nước ối sẽ cạn dần. Lúc này, bạn cần có sự theo dõi, đánh giá của bác sĩ hàng ngày. Nếu bác sĩ đã thăm khám cẩn trọng thì bạn ko nên quá lo lắng. Nên thực hiện theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Luôn chuẩn bị sẵn sàng để có thể đi sinh bất cứ lúc nào. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường như đau bụng từng cơn, ra máu… thì bạn cần tới bác sĩ để thăm khám và được hỗ trợ càng sớm càng tốt bạn nhé!
Chúc bạn mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông!
Đau bụng sốt buồn nôn
Chào bạn Nguyên,
Diễn biến thai kỳ ở mỗi người không giống hoàn toàn giống nhau, những tuần cuối thai kỳ mẹ bầu cần hết sức thận trọng. Do đó, nếu gặp tình trạng đau bụng nhiều, đau từng cơn, buồn nôn, nôn, ra máu, ra dịch nhiều… hay bất kỳ các biểu hiện bất thường khác thì mẹ nên tới bác sĩ thăm khám cụ thể để được hỗ trợ kịp thời (nếu cần). Không nên cố gắng chịu đựng, cũng ko nên giữ tâm lý thấp thỏm, lo lắng sẽ ảnh hưởng ko tốt tới sức khỏe thai kỳ bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông!
Bác Sĩ Cho Em Hỏi.Có Phải Khi Sinh Con Rạ,Thường Sinh Trước Ngày Dự Kiến Sinh 1. 2 Tuần Phải Ko Ạ.E Cảm Ơn
Chào bạn Huyền Thương,
Thời điểm sinh ở mỗi người và mỗi lần sinh nở không giống nhau. Có người sinh sớm, có người sinh muộn hơn so với ngày dự sinh. Quan trọng là bạn cần thực hiện chế độ làm việc nghỉ ngơi phù hợp, ăn uống bổ sung dưỡng chất đầy đủ, thăm khám thai kỳ đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ và cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ khi gần tới ngày dự sinh để có thể sẵn sàng đi sinh bất cứ khi nào bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông!
Nay em bị đau buốt lưng bà gò tức bụng có sao không bắc sĩ lưng nhức muốn bẽ gãy ạ
Chào bạn Thanh Anh,
Những tháng cuối thai kỳ, thai nhi càng lớn lên đồng nghĩa với việc cơ thể mẹ phải gồng mình nên nâng đỡ thai. Trong đó lưng – hông là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đó là lý do mẹ bầu thường cảm thấy đau mỏi lưng hông, đặc biệt là ở những tháng cuối thai kỳ. Mức độ đau mỏi này sẽ trầm trọng hơn nếu mẹ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong thời gian này, đặc biệt cần cung cấp đủ Canxi – Mg – vitamin D3 cho xương chắc khỏe.
Những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu sẽ thường gặp những cơn chuyển dạ giả, gò tức bụng. Tuy nhiên, nếu cơn gò đó không diễn ra theo chu kỳ tăng dần, không kèm theo ra máu thì bạn không cần quá lo lắng.
Mặc dù vậy, diễn biến cuộc sinh nở mỗi người một khác, không ai giống ai. Thời gian cuối thai kỳ rất nhạy cảm. Nếu cảm thấy lo lắng, tốt nhất bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám cụ thể và hỗ trợ kịp thời nếu cần.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông!
Khi tôi sử dụng thuốc đặt âm đạo để chống cơn gò tử cung thì sau khoảng 1-2-3 giờ thấy tiết dịch trong suốt, không mùi, không nhớt. Lúc đi tiểu thấy có bợn màu trắng như màu của xác thuốc. Còn lúc bình thường thì không thấy có dịch này. Như vậy dịch đó là do thuốc hay nó là dịch âm đạo hay là rỉ ối ạ? Có nguy hiểm không? Xin cảm ơn
Chào bạn Huyền,
Hầu hết các thuốc đặt đâm đạo sau khi đặt đều cho ra một chút dịch màu trắng, đó là do thành phần tá dược trong thuốc không được hấp thu và bị đẩy ra ngoài (xác thuốc). Nếu không có biểu hiện bất thường gì khác như đau bụng từng cơn, ra máu… thì bạn không cần quá lo lắng. Yên tâm dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tăng cường thời gian nghỉ ngơi thư giãn, tránh đi lại nhiều, không làm việc nặng, không quan hệ vợ chồng trong thời gian này. Đồng thời thực hiện chế độ ăn uống bổ sung dưỡng chất đầy đủ, bổ sung thuốc bổ tổng hợp PM Procare diamond mỗi ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cho thai kỳ khỏe mạnh. Đặc biệt hàm lượng DHA, EPA trong thuốc ở mức cao, dạng dễ hấp thu sẽ giúp giảm nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân… Liều khuyên dùng là 01 viên/ngày.
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!