Chích ngừa trước khi mang thai một số vắc xin cần thiết dưới đây có thể bảo vệ cho cả mẹ và thai nhi. Bởi khi mang thai, hệ thống miễn dịch, sức đề kháng của phụ nữ sẽ hoạt động kém hơn thông thường. Nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng lên, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
- 4 chú ý quan trọng cho sức khỏe sinh sản nam giới
- Chuẩn bị mang thai cần chú ý gì?
- Làm thế nào để dễ thụ thai nhất?
1. Mũi văcxin 3 trong 1 (Sởi – Quai bị – Rubella)
Đây là mũi vắc xin quan trọng đối với những chị em đang chuẩn bị mang thai, vì các căn bệnh này gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm tới cả mẹ và thai nhi. Có thể gây di chứng có trẻ khi chào đời, hoặc gây tử vong. Mũi vắc xin 3 trong 1 này cần phải tiêm muộn nhất là 3 tháng trước khi mang bầu, hoặc có thể tiêm từng mũi một nhưng cũng cùng giới hạn thời gian.
Vắc xin 3 trong 1 phòng tránh bệnh nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi.
– Rubella: Bệnh rubella gây ra đến 90% dị tật thai nhi hoặc sẩy thai nếu mắc phải trong vòng 3 tháng đầu. Virus của bệnh gây ảnh hưởng lên não, tim, tai và mắt của thai nhi.
– Sởi: Khi mắc sởi lúc đang mang thai sẽ gây ra nguy cơ thai nhi bị dị dạng cao. Ngoài ra có thể có những biến chưng như sẩy thai, sinh non hoặc chết lưu.
– Quai bị: Bệnh quai bị có thể làm nhiễm khuẩn buồng trứng, phá hủy các tế bào trứng gây ra hiện tượng vô sinh, khó mang thai. Ngoài ra, khi mang thai mắc quai bị sẽ gây dị tật bẩm sinh, sinh non,… Nguy cơ xảy ra biến chứng cao nhất khi bà mẹ bầu bị mắc quai bị trong tháng thứ nhất đến tháng thứ ba của thai kỳ.
Hiện tại, ba căn bệnh này đã có mũi tiêm 3 trong 1 (Sởi- Quai bị- Rubella) để chị em phụ nữ chủ động phòng ngừa. Trước khi quyết định mang thai, chị em cần đi xét nghiệm đã tiêm đủ các mũi vắc xin phòng ngừa chưa để có thể mang thai và sinh con một cách khỏe mạnh nhất.
2. Một số mũi văcxin khác
– Thủy đậu: Nếu chị em đã từng tiêm phòng hoặc bị thủy đậu lúc nhỏ, vẫn cần kiểm tra lại và tiêm thêm trước khi mang thai. Khi đang mang thai, nhất là những tháng đầu, bị mắc thủy đậu có thể khiến nguy cơ sinh con bị khuyết tật tăng cao. Lưu ý nên tiêm trước 2 tháng khi quyết định thụ thai.
– Cúm: Đây là căn bệnh thường gặp nhất ở bà bầu. Cảm cúm thông thường không ảnh hưởng gì đến sức khỏe nhưng khi mang thai, các cơn cảm cúm kéo dài có thể gây dị tật cho thai nhi, nhất là khi mắc vào 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu khi mang thai mà chưa kịp tiêm phòng cúm thì vẫn có thể tiêm ngừa trong thời gian thai kỳ. Vắc xin ngừa cúm được nghiên cứu rất an toàn đối với phụ nữ mang thai và cho con bú.
– Viêm gan siêu vi B: Virus viêm gan B có thể lây truyền qua máu và dịch cơ thể, vì vậy nguy cơ di truyền và lây truyền là rất cao. Vắc xin này gồm 3 mũi, tiêm trong vòng 4 tháng, có thể tiếp tục khi đang mang thai.
Ngoài mũi tiêm vắc xin trên, các bà mẹ tương lai vẫn cần tiêm phòng thêm một số các căn bệnh dưới đây để bảo vệ cho “mẹ tròn con vuông”:
– Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung: Vắc xin này phòng ngừa ung thư cổ tử cung, không chỉ giúp cho việc mang thai một cách bình thường mà còn đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Vắc xin gồm 3 mũi, tiêm kéo dài trong 6 tháng và không thể tiếp tục nếu đang mang thai.
– Virus viêm gan A: Bệnh này có thể gây nguy hiểm tử vong cho bà mẹ nên cần phải được tiêm phòng cần thiết. Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc xin gây hại cho thai nhi và phụ nữ mang thai, nhưng các bà mẹ nên tiêm phòng từ 6 tháng trở lên trước khi mang thai để có thể an tâm nhất.
– Uốn ván: Bệnh có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Các chị em cần tiêm phòng trước khi mang thai hoặc vào tuần 27-30 của thai kỳ.
– Viêm màng não: Bệnh viêm màng não là bệnh nghiêm trọng do vi khuẩn gây viêm lớp bảo vệ xung quanh não và nhiễm trùng máu. Cần tiêm vắc xin sớm để tránh ảnh hưởng đến quá trình mang thai.
3. Những lưu ý khi tiêm phòng văcxin
- Cần tìm hiểu kỹ các thông tin về thời gian quy định cho từng loại vắc xin, tránh thai an toàn trong các khoảng thời gian đó. Nếu bị vỡ kế hoạch, cần lập tức tham khảo và nhận sự tư vấn từ bác sỹ.
- Tiêm phòng ngay khi có thể, không nên để đợi đến lúc chuẩn bị mang thai mới đi tiêm phòng.
- Khi đang bị các triệu chứng cảm, sốt, các bệnh về khớp, thận,… thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định tiêm phòng.
- Theo dõi cơ thể từ 24 – 48 giờ sau khi tiêm để đề phòng các biến chứng, sốc thuốc,… có thể xảy ra.
4. Tiêm phòng trước khi mang thai ở đâu?
Nếu bạn ở Hà Nội có thể đến các địa chỉ tiêm phòng trước khi mang thai sau:
- Trung tâm Y tế dự phòng (70 Nguyễn Chí Thanh. ĐT. 04. 37730268, hoặc tại các quận huyện trên địa bàn)
- Viện vệ sinh dịch tễ (131 Phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
- Trung tâm tiêm phòng (Địa chỉ: số 35 Trần Bình – Mai Dịch – Cầu Giấy (Đối diện Viện 198). ĐT: 04-3768.5512)
Một số địa chỉ tiêm phòng trước khi mang thai cho mẹ bầu ở Hồ Chí Minh:
- Các Trung tâm Y tế dự phòng tại các phường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Đại học Y Dược (Địa chỉ: 221B Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận.)
- Viện Pasteur (Địa chỉ: 167 Pasteur, Phường 8, Quận 3 ĐT: 08. 38230352)
- Bệnh viện Từ Dũ (Địa chỉ: 284 Cống Quỳnh ĐT: 08. 38391229)
Tiêm phòng trước khi mang bầu là việc làm cần thiết để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Ngoài ra, trước khi mang thai chị em cần duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và cũng cần bổ sung thêm thuốc bổ tổng hợp trước thời điểm dự định mang thai khoảng 3 tháng để có một thai kỳ khỏe mạnh, an lành sau này.
Theo Procarevn
346 thoughts on “Chích ngừa trước khi mang thai cần chú ý gì?”
E đang tiêm ngừa viêm gan b mũi thứ 2 giờ e tiêm mũi 3 trong một được không bác sĩ. E cảm ơn.
Chào bạn Hồng,
Việc tiêm phòng 2 loại vacxin này không ảnh hưởng tới tác dụng của nhau. Do đó bạn có thể tiêm mũi 3 trong 1 được bạn nhé!
Chúc bạn mạnh khỏe!
Cho em hỏi khi em mang bầu bé đầu em đã chích ngừa rubella và thuỷ đâụ rồi,giờ em chuẩn bị mang thai thì em có cần chích ngừa lại những mũi này không. Em cảm ơn.
Chào bạn Như Nguyệt,
Vacxin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu cho miễn dịch tốt tới hơn 10 năm sau tiêm phòng. Do đó, nếu bạn mang thai trong khoảng thời gian này thì bạn không cần tiêm phòng lại nữa.
Thân ái,
Xin chào! Em năm nay 33 tuổi mới lập gia đình. Vui lòng tư vấn để em được biết em cần tiêm những vắc xin gi trước khi mang thai ạ.
Xin cảm ơn.
Chào bạn Ngọc Bích,
Nếu trước kia bạn chưa tiêm phòng hoặc chưa từng mắc bệnh như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm gan B thì bạn nên tiêm phòng các vacxin đó trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Ngoài ra bạn có thể tiêm phòng cúm trước khi mang thai khoảng 2 tháng để an toàn cho thai nhi và đảm bảo cơ thể đã sinh miễn dịch tốt nhất.
Trân trọng!
Xin chao
Minh can tu van ve van de chich ngua truoc khi mang thai. Theo chuyen gia , co can xet Nghiem mau truoc khi chich ngua ko? va nen chich 1 mui tong hop rubella – soi – quai bi, hay nen chich tung mui rieng?
Chào bạn Thanh Thảo,
Để biết chính xác cơ thể đã có miễn dịch với bệnh nào hay chưa thì cách tốt nhất là bạn nên xét nghiệm máu. Nếu cơ thể đã có miễn dịch thì bạn không cần tiêm phòng nữa.
Tiêm phòng mũi tổng hợp hay tiêm riêng lẻ không ảnh hưởng tới tính sinh miễn dịch của cơ thể. Do đó bạn có thể lựa chọn tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mình nhé!
Chúc bạn mạnh khỏe và sớm có tin vui!
Bác sĩ cho mình hỏi.mình đang mang thai ở tuần thứ 19 thì có thể tiêm ngừa cho bé những loại vacxin phòng bệnh gì??
Xin cảm ơn!
Chào bạn Huỳnh Như,
Khi mang thai bạn có thể tiêm phòng uốn ván; tiêm phòng cúm, viêm gan B nếu bạn nằm trong vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoại trừ tiêm phòng uốn ván nhằm mục đích ngừa uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh. Việc tiêm phòng các bệnh khác trước hay trong khi mang thai là để phòng bệnh cho mẹ, để mẹ không mắc bênh do đó thai nhi không chịu ảnh hưởng xấu từ bệnh chứ không phải phòng bệnh cho con sau này bạn nhé!
Chúc bạn một thai kỳ mạnh khỏe!